Chúng tôi là con người, không phải cá! Đó là khẩu hiệu mà hàng trăm người bệnh HIV/AIDS và các nhà hoạt động xã hội giương cao trong cuộc biểu tình tại thủ đô Washington của Mỹ, nơi đang diễn ra Hội nghị quốc tế về bệnh AIDS. Câu biểu ngữ của những người biểu tình khẳng định họ không phải là cá để dành cho các công ty dược đi câu và họ đang đấu tranh để hạ giá thuốc chữa HIV/AIDS.
Hàng chục năm qua, bên cạnh những thành tựu vượt bậc trong việc tìm ra thuốc chữa bệnh cho các bệnh nhân không may nhiễm HIV/AIDS, các công ty dược phẩm đã kiếm lợi hàng trăm tỷ USD từ việc sản xuất thuốc chữa bệnh này. Mặc dù thế họ vẫn không hạ giá thuốc bởi biết các bệnh nhân không có con đường nào khác. Chính giá bán còn cao của các loại thuốc trị bệnh là nguyên nhân dẫn đến việc người bệnh khó tiếp cận việc điều trị căn bệnh này. 34 triệu người đang sống chung với HIV; 60% trong số 1,5 triệu phụ nữ mang thai ở các nước nghèo có HIV… là các thống kê đáng lo ngại về tình hình điều trị căn bệnh nguy hiểm.
Thế nhưng hiện nay chỉ có 50% số người nhiễm HIV/AIDS được điều trị trên toàn thế giới. Ngay tại nước Mỹ, quốc gia giàu nhất thế giới, chỉ có 28% người nhiễm bệnh được chữa trị tối ưu vì không phải ai cũng có đủ tiền để kéo dài sự sống của mình. Ước tính trung bình mỗi tháng một người bệnh tại Mỹ phải trả 12.000 USD cho loại thuốc Atripla, loại thuốc điều trị HIV phổ biến nhất được sản xuất tại Mỹ.
Ở nước Mỹ đã thế, nói gì đến các nước nghèo ở châu Phi. Theo thống kê được báo cáo tại hội nghị ở Washington, 8 triệu người nghèo đã được tiếp cận thuốc điều trị HIV/AIDS năm 2011, tăng 1,4 triệu người so với năm 2010. Tuy nhiên, con số được xem là một tiến bộ đó chỉ chiếm 1/2 trong tổng số 15 triệu người bệnh nghèo trên khắp thế giới cần có thuốc để điều trị. Chính phủ các nước nghèo hàng năm phải chi một phần không nhỏ trong GDP cùng với viện trợ của các nước giàu để mua thuốc phát miễn phí cho người bệnh.
Medicines Patent Pool (MPP), tổ chức độc lập có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ, được thành lập năm 2010 với mục tiêu thuyết phục các công ty dược phẩm lớn sản xuất thuốc trị HIV/AIDS chia sẻ bản quyền cho công ty các nước đang phát triển để sản xuất với giá rẻ hơn. Đơn cử như với Atripla và các loại thuốc có công thức tương tự được các công ty dược phẩm của Ấn Độ sản xuất, khách hàng chỉ mất 192 USD/năm.
Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng sẵn sàng trao bản quyền thuốc của mình bởi thuốc chữa HIV là một thị trường thực sự sinh lời cao. Truvada - một loại thuốc phòng HIV của Công ty Gilead Sciences vừa được Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ công nhận đã mang về hơn 758 triệu USD doanh thu trong quý 1 năm nay. Ước tính, mỗi năm Gilead Sciences sẽ thu về 3 tỷ USD từ loại thuốc phòng HIV này. Trong khi đó, các chuyên gia y tế ước tính, mỗi năm tại Mỹ có đến 50.000 trường hợp nhiễm HIV mới. Với khả năng sinh lời như vậy, liệu các công ty dược có chấp nhận hạ giá thành xuống mức mà người nghèo có thể tiếp cận được?
Cộng đồng quốc tế đang nỗ lực rất lớn để ngăn chặn căn bệnh thế kỷ này. Thế nhưng vì lợi nhuận, cho đến thời điểm này các công ty dược vẫn chưa chịu hạ giá thành thuốc chữa HIV/AIDS, có thể nói đó là một hành động mất nhân tính bởi họ đã lợi dụng người bệnh để trục lợi cho bản thân mình.
Đỗ Cao