“Chúng tôi tạm nghỉ việc”

Sáng thứ ba, 1-10, tất cả quan chức và nhân viên các cơ quan Chính phủ Mỹ được thông báo có 4 tiếng để chuẩn bị cho việc đóng cửa văn phòng. Câu chuyện vào buổi sáng hôm đó không phải là làm thế nào để làm việc có hiệu quả mà làm thế nào để ngưng làm việc có hiệu quả: kiểm tra hàng loạt công việc để chuẩn bị cho việc chính phủ tạm ngừng hoạt động.

Sáng thứ ba, 1-10, tất cả quan chức và nhân viên các cơ quan Chính phủ Mỹ được thông báo có 4 tiếng để chuẩn bị cho việc đóng cửa văn phòng. Câu chuyện vào buổi sáng hôm đó không phải là làm thế nào để làm việc có hiệu quả mà làm thế nào để ngưng làm việc có hiệu quả: kiểm tra hàng loạt công việc để chuẩn bị cho việc chính phủ tạm ngừng hoạt động.

Theo báo chí mô tả thì không khí “đóng cửa” thấy rõ nhất ở Washington, nơi toàn bộ các cơ quan chính phủ đóng ở đó. Toàn bộ văn phòng nhà nước không thuộc các lĩnh vực an ninh hay nhạy cảm đều không làm việc nữa. Các website chính phủ và cả các nghĩa trang, đài tưởng niệm quân nhân Mỹ trong và ngoài nước đều đóng cửa, thậm chí cả nghĩa trang quân nhân Mỹ hy sinh trong Chiến tranh thế giới thứ 2 ở Normandy, Pháp, cũng thông báo không đón khách đến thăm. Nói chung là họ không có gì để làm khi hai đảng trong Quốc hội tranh cãi nhau.

Thử gửi email cho một người quen làm việc trong một cơ quan chính phủ, tức thì nhận được thư trả lời tự động “Tôi đã tạm rời khỏi văn phòng… Tôi sẽ trả lời sau khi chính phủ mở cửa trở lại”. Và trong thời gian này (chưa biết bao giờ kết thúc) nhân viên chính phủ cũng không được đọc thư điện tử của văn phòng làm việc.

Thật ra chỉ có khu vực nhà nước mới đóng cửa, còn lại toàn bộ các hoạt động của khối tư nhân vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, trên thực tế các dịch vụ phục vụ nhân viên chính phủ cũng phải đóng cửa theo vì giờ họ đều ở nhà, tự nấu ăn, tự phục vụ. Nghe nói buổi chiều đi siêu thị thấy đông như hội. Ngày làm việc, nhân viên chính phủ đâu có thời gian đi mua sắm, giờ xem như họ được một kỳ nghỉ mà không cần phải xin phép, không biết làm gì thì tranh thủ tung tăng ở các khu mua sắm.

Nhiều ý kiến trên mạng phê phán gay gắt hai đảng trong Quốc hội Mỹ. Họ cho rằng tất cả các nghị sĩ không vì lợi ích của quốc gia, mà vì lợi ích của hai đảng, mà các đảng phái ở Mỹ lại nhận được sự hỗ trợ và chịu sự chi phối của các tập đoàn kinh tế. Ví dụ thật đơn giản, bao năm qua các tập đoàn bảo hiểm ở Mỹ vận động quyết liệt đảng Cộng hòa để họ bác bỏ chương trình bảo hiểm y tế Obamacare của Tổng thống Barack Obama, vì chương trình tạo điều kiện cho người nghèo có thể mua bảo hiểm do chính phủ bảo trợ dẫn đến thiệt hại cho các tập đoàn bảo hiểm tư nhân. Và cứ mỗi lần thảo luận ngân sách dành cho chính phủ thì các nghị sĩ Cộng hòa lại đem chương trình Obamacare ra làm con tin. Năm nay họ giành được ưu thế vì chiếm đa số trong Hạ viện. Không biết cuối cùng Tổng thống Obama có nhượng bộ Hạ viện bằng cách hoãn Obamacare hay không.

Người Mỹ không dùng từ “close” mà từ “shutdown” để miêu tả việc chính phủ tạm đóng cửa. Shutdown cũng có nghĩa là “tắt máy tính” nên được hiểu như tạm thời tắt máy tính thôi. Một số thì cho rằng việc đóng cửa cứ được báo chí thổi phồng lên cho nghiêm trọng, chứ thật ra đâu có đến nỗi như máy bay rơi. Một số khác thì bảo “thật xấu hổ vì chính phủ để 800.000 nhân viên phải nghỉ việc”. Nhưng cũng có người nói “điều đó giống như họ trải qua một kỳ nghỉ thôi, rồi sau đó khi ngân sách được thông qua, họ sẽ trở lại làm việc, lại được lĩnh lương, chứ đâu có khủng khiếp giống 8% người lao động Mỹ đang thất nghiệp”.

Đọc báo thấy các nước châu Âu lo lắng sẽ mất khách du lịch Mỹ vì nhân viên chính phủ nghỉ việc. Không biết họ có lo bò trắng răng không, chứ những người đi du lịch châu Âu thường là những người có thu nhập 250.000 USD/năm trở lên. Mà những người đó thì đa phần không phải nhân viên chính phủ. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế ảm đạm thế này, người lao động bình thường của Mỹ cũng không có nhiều tiền để chu du.

ANDY THANH

Tin cùng chuyên mục