Thắng lợi của Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc bầu cử Quốc hội tại Đức cuối tuần qua được đánh giá là một chiến thắng lịch sử, bởi bà là người thứ 3 của nước Đức sau các cựu Thủ tướng Korad Adenauer và Helmut Kohl liên tục cầm quyền trong 3 nhiệm kỳ, đồng thời là vị lãnh đạo châu Âu duy nhất giữ được ghế qua cơn bão khủng hoảng kinh tế.
Tuy nhiên, sau thành công đó là không ít những thách thức đang chờ đợi nữ Thủ tướng Đức trong 4 năm cầm quyền sắp tới. Tờ Le Figaro (Pháp) đã liệt kê một danh mục công việc cho chính phủ của bà Merkel. Đó là: duy trì sức mạnh kinh tế của đất nước; sửa chữa những bất bình đẳng xã hội; chuẩn bị cho sự đảo lộn về dân số; tiếp tục theo đuổi con đường hòa nhập của châu Âu; tiến hành thành công chuyển đổi năng lượng sau khi từ bỏ điện hạt nhân; cải cách hệ thống phân chia và đóng góp của cải vật chất giữa các vùng nước Đức.
Cụ thể, theo Le Figaro, sức mạnh xuất khẩu của Đức có thể trở thành một điểm yếu nếu nước này bởi dù cán cân thương mại bảo đảm thặng dư như một dấu hiệu tốt của sức khỏe kinh tế, nhưng điều này cũng phản ánh sự phụ thuộc lớn vào các thị trường bên ngoài. Để duy trì thứ hạng, Đức đang đánh cược vào đầu tư và nghiên cứu. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải có sự cải thiện về hệ thống đào tạo. Thị trường lao động Đức hiện đòi hỏi rất cao lao động có tay nghề. Trông cậy vào lực lượng nhập cư có thể cũng là một giải pháp, nhưng không thể là duy nhất. Bản thân bà Merkel cũng nhận ra điều này khi từng nói “trước khi nói tới nhập cư, chúng ta phải tạo cho giới trẻ Đức một cơ hội thứ hai”. Trong thời gian tới, Chính phủ Đức sẽ phải tính toán phương án ứng phó với “cú sốc dân số” sắp diễn ra. Tuổi nghỉ hưu của lao động Đức từ nay được ấn định ở tuổi 67. Giới chức trách Đức cũng đang rất lo ngại về việc trợ cấp của nhà nước trong dài hạn đang có khả năng bị đe dọa bởi sự bấp bênh của thị trường lao động.
Năm 2011, sau thảm họa Fukushima tại Nhật Bản, bằng quyết định từ bỏ năng lượng hạt nhân, bà Merkel đã nhận được sự ủng hộ rất cao của dư luận trong nước. Tuy nhiên, kế hoạch thực hiện chuyển tiếp năng lượng của bà lại bị chỉ trích gay gắt vì khi việc sản xuất năng lượng xanh được trợ cấp rộng rãi, giá nhiên liệu tại Đức đã tăng khá mạnh. Các nhà sản xuất tỏ ra rất lo lắng, đặc biệt khi nhiên liệu được phân bổ không thỏa đáng. Đức thiếu cơ sở hạ tầng để vận chuyển năng lượng tới các điểm tiêu dùng chính trong cả nước. Việc tái phân phối các nguồn tài nguyên tới các vùng nghèo nhất, đặc biệt ở Đông Đức, rất được chú trọng nhưng không tránh khỏi phản ứng khó chịu của các khu vực khác. Nhiệm vụ của chính phủ mới sẽ là cải cách hệ thống phân phối để tránh thái độ bất bình của các vùng giàu có hơn.
Đối với châu Âu, bà Merkel phải tiếp tục dẫn dắt các dự án hội nhập của liên minh trong sự quan ngại của các quốc gia Nam Âu. Với chính sách thắt lưng buộc bụng của mình, bà Merkel đã gây ra sự tức giận cho nhiều người tại các nước gặp khủng hoảng. Sau cuộc bầu cử Quốc hội ngày 22-9, khi Thủ tướng Đức phải thay đổi liên minh cầm quyền, nhiều người chờ đợi đối tác chính trị trong chính phủ liên minh của bà Merkel trong liên minh cầm quyền mới sẽ dễ dãi hơn với các nước đang gặp khó khăn.
ĐỖ CAO