Chuỗi giá trị cho cây dừa

Từ nhiều năm nay, Bến Tre được mệnh danh là “thủ phủ dừa” của cả nước, bởi điều kiện địa lý, thổ nhưỡng… phù hợp để phát triển cây dừa. Toàn tỉnh hiện có khoảng 68.000ha dừa với sản lượng bình quân gần 520 triệu trái/năm. Mặc dù ngành nông nghiệp trồng dừa đã hình thành từ hàng trăm năm và ăn sâu vào tập quán canh tác, đặc điểm văn hóa… Tuy nhiên, theo thời gian thì cây dừa đối mặt với những đợt khủng hoảng trầm trọng khiến nhiều nông dân phải chặt phá vườn dừa để chuyển sang trồng cây ăn trái, nuôi tôm… “Bỏ dừa rồi lại trồng dừa”, bởi sau giai đoạn khó khăn thì cây dừa có giá trở lại để chứng tỏ giá trị kinh tế, đặc biệt là sự thích nghi đối với vùng đất Bến Tre.

Điều đáng ghi nhận là ngày càng xuất hiện nhiều sản phẩm được sản xuất, chế biến từ dừa như: cơm dừa nạo sấy, sữa dừa đóng hộp, nước dừa đóng hộp, dầu dừa, than gáo dừa, chỉ xơ dừa, lưới xơ dừa, mụn dừa, rất nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa… phục vụ đa dạng cho thị trường trong nước và xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện nay nhiều doanh nghiệp ứng dụng tốt tiến bộ khoa học công nghệ nên các sản phẩm từ dừa không ngừng nâng cao, từ đó giá trị mang lại cũng tăng lên. Song, hạn chế hiện tại là tình trạng canh tác dừa vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, có đến 75% hộ chỉ canh tác 0,1- 0,5ha. Do diện tích ít nên một số hộ không chú tâm chăm sóc, chưa đầu tư đúng qui trình kỹ thuật. Bên cạnh đó, quan hệ giữa nông dân trồng dừa với thương lái và doanh nghiệp chế biến cũng chưa hài hòa, thiếu liên kết dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh; chuỗi giá trị phân phối chưa hợp lý. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm dừa biến động thường xuyên, khiến doanh nghiệp và nông dân gặp khó, trong khi hoạt động thương mại của thương nhân nước ngoài tại Bến Tre chưa được kiểm soát chặt chẽ. Trong bối cảnh hội nhập, ngành dừa Bến Tre cần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sự ổn định và nâng cao thu nhập cho người trồng dừa; đặc biệt là nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị cây dừa từ khâu trồng, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ… Làm được điều này thì phải nhanh chóng giải quyết bài toán liên kết.

Theo đó, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cần chủ động xây dựng vùng nguyên liệu, bao tiêu dừa trái trực tiếp với nông dân, thu mua bằng tiền mặt theo giá thị trường và có hỗ trợ vật tư, kỹ thuật chăm sóc cho nông dân. Trong mô hình này thì tổ hợp tác sẽ đóng vai trò trung gian để kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp. Liên kết sẽ giúp nông dân hạn chế tình trạng bị thương lái ép giá, giảm thiểu rủi ro khi gặp lúc giá thấp, đồng thời đảm bảo lợi ích cộng đồng; phía doanh nghiệp được lợi vì có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng để chủ động trong hợp đồng xuất khẩu. Về mặt xã hội, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị cho cây dừa sẽ thay đổi thói quen “ăn xổi ở thì” để hợp tác hướng tới mục tiêu lâu dài, bền vững; qua đó nâng cao vị thế cho nông dân trồng dừa với tư cách là nhà cung ứng nguyên liệu.

Để phát triển mô hình liên kết theo chuỗi giá trị thì doanh nghiệp phải có sự cam kết rõ ràng về trách nhiệm, thực hiện bao tiêu theo giá thị trường; các cấp chính quyền có kế hoạch rõ ràng trong việc thực hiện tái cấu trúc mô hình sản xuất từ nhỏ lẻ sang tập trung qui mô lớn; phát huy tối đa vai trò của hợp tác xã và tổ hợp tác trong liên kết. Cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao chuỗi giá trị bền vững cho cây dừa…

TRẦN VĂN ĐỨC
Giám đốc Betrimex (Công ty CP XNK Bến Tre)

Tin cùng chuyên mục