Chương mới trong quan hệ của Anh với vùng Vịnh

Ngày 7-12, bà Theresa May trở thành nữ Thủ tướng Anh đầu tiên và là nữ chính trị gia đầu tiên trên thế giới tham dự cuộc họp của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) tại Bahrain do các nước theo chế độ quân chủ tổ chức. Đây là chuyến công du mà theo truyền thông Anh là nhằm củng cố quan hệ an ninh - quốc phòng và đẩy mạnh quan hệ thương mại giữa Anh với các nước vùng Vịnh thời hậu Brexit.

Cho dù nhiều người dân Anh đang phản đối việc tìm kiếm mối quan hệ khắng khít với các quốc gia vùng Vịnh vì những vi phạm nhân quyền trong sự kiện Mùa xuân Arab, Thủ tướng Anh khẳng định rằng mục tiêu vươn tới thị trường vùng Vịnh mang tính chất cực kỳ quan trọng đối với Anh vì khu vực này được xem như một thị trường thay thế cho thị trường EU hậu Brexit. Bà cam kết, đầu tư của các doanh nghiệp vùng Vịnh sẽ giúp cải thiện sự thịnh vượng của Anh và ngược lại, Anh sẽ giúp các nước này đạt được mục tiêu lâu dài của các chiến lược cải cách.

Trong chuyến công du này, Thủ tướng May cũng sẽ đề cập tới chương trình hợp tác công nghệ vũ trụ với Abu Dhabi và một chương trình mới về hệ thống cấp thị thực với thời hạn 5 năm cho các công ty của Anh làm ăn tại Saudi Arabia. Ngoài ra, các chuyên gia Anh sẽ giúp cải tiến hệ thống sàng lọc hình ảnh tại các sân bay của vùng Vịnh trong bối cảnh ngày càng gia tăng những lo ngại về các vụ tấn công khủng bố hàng không... Bà Theresa May sẽ công bố một loạt biện pháp tăng cường an ninh, bao gồm việc thành lập một mạng lưới chống khủng bố và an ninh biên giới chung mang tên UK - GCC. Trong quá khứ, chính mối quan hệ an ninh của Anh với các quốc gia vùng Vịnh đã cứu sống nhiều mạng người, trong đó có việc phát hiện kịp thời một quả bom trên máy bay tại sân bay East Midlands vào tháng 10-2010.

Ngoài vấn đề thương mại, an ninh, các cuộc nội chiến ở Syria và Yemen cũng là một nội dung trọng tâm trong chuyến đi này. Thủ tướng Anh và lãnh đạo các nước vùng Vịnh sẽ thảo luận về các vấn đề liên quan đến tình hình tại các nước này cũng như mối quan hệ với Iran. Theo Bloomberg, trong cuộc đàm phán với nhà lãnh đạo của Qatar, Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Kuwait, Bahrain, Oman và Saudi Arabia, bà May sẽ nhấn mạnh và lên án khả năng gây bất ổn khu vực của Iran, bao gồm cả việc gửi quân đến Syria để hỗ trợ cho chính quyền Tổng thống Assad, giúp đỡ phiến quân Houthi ở Yemen và gây mất ổn định ở Lebanon và Iraq... Trước khi Thủ tướng May đến Bahrain, tháng trước, Thái tử Charles đã tham dự buổi khai trương căn cứ hải quân Mina Salman ở vương quốc này. Căn cứ Mina Salman sẽ là sự hiện diện quân sự thường trực đầu tiên của Anh ở vương quốc Bahrain kể từ năm 1971, kinh phí xây dựng hoàn toàn bằng tiền của Bahrain. Căn cứ của Hải quân Anh hoạt động song song với một căn cứ hải quân lớn khác của Mỹ.

“Năm nay đánh dấu 200 năm mối quan hệ Bahrain Vương quốc Anh và một thế kỷ quan hệ với Saudi Arabia. Nhưng trong những năm gần đây, những mối quan hệ này đã không còn khắng khít như trước. Vì thế tôi muốn thay đổi”. Đó là thông điệp của Thủ tướng Anh trước chuyến đi. Nhà lãnh đạo Anh hy vọng, chuyến công du của bà tới vùng Vịnh “sẽ mở ra một chương mới trong quan hệ giữa Anh và các nước trong vùng Vịnh”.

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục