(SGGP-ĐTTC).- Cuối năm, nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu bắt đầu rục rịch tăng giá. Trong khi đó, chương trình bình ổn thị trường được TPHCM triển khai vẫn chưa đạt hiệu quả rõ nét.
- Khó kiểm soát giá
Tại thị trường TPHCM trong 2 tháng qua, giá lương thực, thực phẩm và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cứ nhích lên từng ngày, không có xu hướng giảm hay đứng giá. Giá rau quả tại các chợ bán lẻ cao hơn chợ đầu mối 40-50% với lý do tiểu thương đưa ra là thời tiết xấu dễ gây hư hỏng rau củ nên phải tăng giá để không bị lỗ.
Một số DN cho rằng việc tăng giá là điều khó tránh khỏi, do biến động của giá vàng và USD trong thời gian qua đã khiến các mặt hàng nhập khẩu tăng giá mạnh. Trong khi đó, nguồn cung thực phẩm trong nước bị giảm sút do ảnh hưởng bão lũ miền Trung, dịch bệnh gia súc kéo dài, giá thức ăn chăn nuôi tăng...
Bài toán chi tiêu ngày càng làm đau đầu người tiêu dùng. Do vậy khi chương trình bình ổn giá được triển khai, người tiêu dùng rất quan tâm và kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả tích cực. Theo chương trình này, trên địa bàn TPHCM, hệ thống phân phối bán lẻ của các DN tham gia chương trình bình ổn sẽ giảm giá các mặt hàng thiết yếu: gạo - nếp, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau - củ - quả… Giá các mặt hàng bình ổn luôn thấp hơn 10% so với giá thị trường, công khai trên báo đài và niêm yết rõ tại các điểm bình ổn.
Thế nhưng thực tế giá một số mặt hàng bình ổn đang bán tại các siêu thị cũng không rẻ hơn bên ngoài, chẳng hạn như chai dầu ăn Tường An 1 lít bán trong siêu thị đắt hơn 2.000 đồng so với giá bán lẻ ở các cửa hàng tạp hóa.
Việc kiểm soát giá cả chỉ có thể thực hiện được tại các chợ đầu mối, khó kiểm soát được khi hàng hóa đã về đến các chợ bán lẻ. Các điểm bán hàng bình ổn tuy nhiều, rộng khắp nhưng chưa nhắm đúng đối tượng, có dấu hiệu mua bán tràn lan, nhiều người còn tranh thủ mua hàng bình ổn để thu gom bán lại với giá cao hơn. Ngoài những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, các mặt hàng khác như xăng dầu, sắt thép, xi măng cũng đang có dấu hiệu nhích lên.
- Lực bất tòng tâm
Tới thời điểm này, TPHCM đã có gần 2.000 điểm bán hàng bình ổn, tăng 89 điểm so với khi bắt đầu triển khai chương trình vào cuối tháng 6-2010, nhưng số cửa hàng bán 8 mặt hàng thiết yếu chiếm tỷ lệ ít, nhiều cửa hàng chỉ bán giá bình ổn một mặt hàng.
Dù được triển khai 5 tháng nhưng cho đến nay tính liên kết giữa các DN tham gia bình ổn giá vẫn chưa cao. Theo quy định của Sở Công Thương TPHCM, các điểm đăng ký bán hàng bình ổn đều phải treo băng rôn “Điểm bán hàng bình ổn năm 2010 và Tết Tân Mão 2011”, nhưng thực tế chỉ có các siêu thị, đại lý của các DN chế biến thực phẩm và một số cửa hàng lớn thực hiện đúng quy định, còn tại các cửa hàng tạp hóa không thấy treo băng rôn, không biết được đâu là điểm bán hàng bình ổn.
Đáng chú ý là có rất nhiều địa chỉ nằm trong danh sách tham gia bán hàng bình ổn nhưng lại không phải là nơi bán hàng như đăng ký.
Phóng viên báo ĐTTC đã lần theo danh sách các điểm bán hàng bình ổn để đến tận nơi, và phát hiện có rất nhiều địa chỉ “ma”.
Địa chỉ 201/11 Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh) bán hàng bình ổn của Cửa hàng thực phẩm đồ hộp Hạ Long là nhà của một hộ dân không kinh doanh.
Địa chỉ 370 Nguyễn Tri Phương (quận 10) đăng ký bán trứng gia cầm bình ổn lại là cửa hàng điện thoại di động.
Địa chỉ 38 Bình Quới (quận Bình Thạnh) không phải cửa hàng mà là bưu điện...
Khi được hỏi về việc bán hàng bình ổn, tất cả những người ở các địa chỉ này đều lắc đầu cho biết không hề đăng ký bán hàng bình ổn.
Trước đó, trong tháng 10, Quản lý thị trường TPHCM cũng đã phát hiện 2 điểm bán hàng bình ổn không có địa chỉ thực, 4 điểm có tên trong danh sách của DN tham gia bình ổn, nhưng không có hàng hóa, 1 điểm bán hàng mạo danh bình ổn giá.
Mới đây, Thanh tra Sở Tài chính TPHCM cũng kiểm tra và phát hiện trong danh sách bán hàng bình ổn công bố trên website của Sở Công Thương TPHCM có nhiều địa chỉ “ma”.
Trả lời về việc nhiều điểm bán hàng bình ổn không có trên thực tế, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết đã phát hiện 600 địa chỉ không có thật, Sở đã lập danh sách mới và nhắc nhở các DN tham gia bán hàng bình ổn phải thường xuyên kiểm tra, giám sát để thực hiện đúng quy định.
Hiện nay, Sở Công Thương đang yêu cầu các đơn vị khẩn trương mở các điểm bán hàng tập trung, phối hợp với UBND quận - huyện tận dụng các địa điểm chưa được sử dụng để mở rộng hàng bình ổn vào chợ truyền thống, phát triển mạng lưới bán lẻ nhằm cung ứng hàng hóa dịp Tết Nguyên đán đạt được hiệu quả bình ổn thị trường, tạo niềm tin và sự yên tâm cho người tiêu dùng.
YÊN LAM