Ngày 7-3, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng đã chủ trì cuộc họp triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn TPHCM trong suốt năm 2012 và dịp Tết Quý Tỵ 2013. Năm 2012, TPHCM sẽ tiếp tục bình ổn 9 nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu với khoảng 29 doanh nghiệp (DN) tham gia. Dự kiến tổng vốn hỗ trợ cho cả 2 chương trình bình ổn là 311 tỷ đồng, giảm 100 tỷ đồng so với năm 2011.
Đa dạng mặt hàng, tăng sản lượng 15% - 30%
Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, năm 2012 TPHCM tiếp tục chọn 9 nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để bình ổn giá gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả và thủy hải sản. So với năm ngoái, năm nay chủng loại các mặt hàng đưa vào bình ổn giá sẽ nhiều hơn.
Thời gian thực hiện bình ổn bắt đầu từ ngày 1-4-2011 đến 31-3-2013. Đến thời điểm này, Sở Công thương đã đưa vào danh sách 29 DN tham gia chương trình, tăng 7 DN so với năm 2011. Đáng lưu ý, nhiều DN có thế mạnh trong từng mặt hàng cũng đã bắt đầu vào cuộc để cùng TP thực hiện bình ổn giá các nhóm hàng thiết yếu. Nhiều DN tiếp tục tham gia nhưng không nhận vốn hoặc chỉ nhận một phần vốn từ chương trình nhưng vẫn đảm bảo cung ứng hàng bình ổn ra thị trường theo hướng tăng 10% - 20% so với năm ngoái.
Thay đổi cách điều chỉnh giá, tăng độ phủ hàng bình ổn
Nét mới trong chương trình bình ổn giá của TPHCM năm nay là cơ chế tính giá hàng bình ổn sẽ thấp hơn thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng tại thời điểm cam kết đăng ký giá ít nhất 5% - 10% (thay vì thấp hơn 10% như năm 2011). Cơ chế điều chỉnh giá cũng được thay đổi, nếu nguyên vật liệu tăng 10%, DN sẽ được điều chỉnh giá, thay vì phải chờ tăng 15% như năm trước. Với cách làm này, TPHCM sẽ tạo sự linh động hơn cho DN trong việc điều chỉnh giá bán cũng như rút ngắn khoảng cách chênh lệch về giá, tránh tình trạng hàng bình ổn trở thành “vùng trũng” khi có biến động giá.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các sở ngành chức năng cần nhanh chóng hoàn chỉnh báo cáo tổng kết công tác thực hiện bình ổn năm 2011, trên cơ sở đó sẽ cơ cấu và cân đối lại số lượng và chủng loại hàng hóa cũng như bố trí nguồn vốn hỗ trợ phù hợp cho từng DN. Mục tiêu chính chương trình bình ổn giá năm 2012 tại TPHCM là tăng sản lượng, chủng loại hàng hóa nhưng giảm dần nguồn vốn hỗ trợ cho các DN để chương trình ngày càng đạt hiệu quả cao hơn.
Về việc giảm nguồn vốn hỗ trợ cho chương trình, theo lý giải của Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng, trên thực tế TP đang hướng DN đến một cơ chế mới theo Quyết định 33 về hỗ trợ lãi suất cho các DN đầu tư. Nếu DN có những dự án đầu tư khả thi và phù hợp với quy định thì sẽ được TP hỗ trợ một phần lãi suất. Về lâu dài, TP sẽ hướng tới việc chuyển dần sang hỗ trợ cho sản xuất chứ không hỗ trợ trong khâu lưu thông. Như vậy là nhà nước không rút vốn mà chỉ chuyển từ hình thức này sang hình thức kia để tiếp tục hỗ trợ cho DN tạo nguồn hàng dồi dào, cung ứng cho thị trường TP...
| |
Thúy Hải