Chương trình bình ổn giá năm 2012 tại TPHCM: Thêm nhiều nhóm hàng mới

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng vừa ký 4 quyết định ban hành kế hoạch thực hiện các chương trình bình ổn giá năm 2012 và Tết Quý Tỵ 2013. Điểm nổi bật của chương trình bình ổn giá năm nay là đã thu hút rất đông doanh nghiệp (DN) tham gia, cung ứng lượng hàng hóa tăng 15% - 30%.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng vừa ký 4 quyết định ban hành kế hoạch thực hiện các chương trình bình ổn giá năm 2012 và Tết Quý Tỵ 2013. Điểm nổi bật của chương trình bình ổn giá năm nay là đã thu hút rất đông doanh nghiệp (DN) tham gia, cung ứng lượng hàng hóa tăng 15% - 30%.

  • Nhiều mặt hàng mới

Năm 2012 TPHCM thực hiện 4 chương trình bình ổn giá: lương thực thực phẩm thiết yếu; thuốc Tây; sữa bột, sữa nước và các mặt hàng phục vụ mùa khai trường 2012 - 2103. TPHCM tiếp tục chọn bình ổn giá 9 nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả và thủy hải sản, với chủng loại các mặt hàng đưa vào bình ổn giá nhiều hơn. Năm nay, gạo thơm, gạo Jasmine được bổ sung vào danh sách bình ổn giá.

Năm nay, chỉ riêng nhóm sữa bột sẽ có thêm 3 dòng sản phẩm, bao gồm sữa bột trẻ em (1 - 3 tuổi và 4 - 10 tuổi); sữa cho phụ nữ mang thai; sữa bột chức năng và sữa dinh dưỡng cho cả gia đình. Ngoài nhóm sữa bột, chương trình còn bổ sung thêm dòng sản phẩm sữa nước (sữa dinh dưỡng bổ sung vi chất)...

Năm 2012, TPHCM đưa 13 nhóm thuốc sản xuất trong nước vào diện bình ổn giá, với 53 hoạt chất, 70 mặt hàng gồm thuốc giảm đau - hạ sốt, chống dị ứng, trị tiêu chảy, trị bệnh đau dạ dày, trị ho, tim mạch, tiểu đường, kháng sinh, kháng viêm, nhỏ mắt, trị giun, trị thấp khớp và vitamin. Đây là các nhóm thuốc trị các bệnh thường gặp ở nhiều người, bệnh mãn tính và thuốc có nhu cầu sử dụng nhiều.

Số lượng hàng hóa tham gia bình ổn vào tháng thường trong năm chiếm bình quân khoảng 25% - 50% nhu cầu thị trường, tùy theo các nhóm mặt hàng và tăng trung bình 15% - 30% so với năm 2011.

  • Doanh nghiệp tham gia tăng - tổng vốn giảm

Theo bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, TPHCM đã đưa vào danh sách 49 DN tham gia vào 4 chương trình, trong đó nhiều DN có thế mạnh trong từng lĩnh vực. Trong đó, các DN tham gia chương trình bình ổn giá thuốc Tây và giá sữa, không nhận vốn. Với 2 chương trình còn lại là bình ổn lương thực, thực phẩm và các mặt hàng phục vụ mùa khai trường 2012 - 2013, nhiều DN không nhận vốn hoặc chỉ nhận một phần vốn từ chương trình nhưng vẫn đảm bảo cung ứng hàng bình ổn ra thị trường theo hướng tăng 10% - 20% so với năm ngoái.

Đây cũng là cơ sở để TPHCM từng bước giảm dần lượng vốn vay dành cho chương trình với tổng vốn chỉ còn hơn 332 tỷ đồng, giảm hơn 104 tỷ đồng so với năm 2011.

Năm nay, cơ chế điều chỉnh giá sẽ linh động hơn và không cào bằng cho tất cả các nhóm mặt hàng.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cho biết, chương trình bình ổn giá năm 2012 phải gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hàng hóa trong chương trình phải đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Lượng hàng hóa trong chương trình có khả năng cân đối cung cầu, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng cho người dân TP trong trường hợp có xảy ra biến động. Điều quan trọng nhất là hàng bình ổn giá phải được phân phối rộng khắp đến người tiêu dùng, nhất là người dân tại các xã, phường của quận huyện ngoại thành, công nhân lao động tại các KCX-KCN. Từ năm 2012, TPHCM sẽ thực hiện chương trình bình ổn theo hướng tăng cường vận động các DN tham gia nhưng từng bước giảm dần nguồn vốn dành cho chương trình.

Về lâu dài, TP sẽ hướng tới việc chuyển dần sang hỗ trợ cho sản xuất chứ không hỗ trợ trong khâu lưu thông, theo tinh thần của Quyết định 33 về hỗ trợ lãi suất cho các DN đầu tư. Với cách làm này, nhà nước không rút vốn mà chỉ chuyển từ hình thức này sang hình thức kia để tiếp tục hỗ trợ DN.  

TH. HẢI

Tin cùng chuyên mục