Hôm qua 6-4, UBND TPHCM đã tổ chức hội nghị tổng kết 9 năm thực hiện chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TPHCM (2002 - 2010), triển khai nhiệm vụ bình ổn giá giai đoạn 2011 - 2015. Đến dự có các đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM, cùng đại diện nhiều bộ ngành chức năng.
Dẫn dắt mặt bằng giá, sức lan tỏa lớn
Đánh giá kết quả thực hiện chương trình, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cho rằng, chương trình đã thực sự trở thành một trong những công cụ điều tiết giá một cách hữu hiệu và thiết thực của TPHCM; chứng tỏ được vai trò “dẫn dắt” giá cả các mặt hàng thiết yếu với số lượng dồi dào, chủng loại phong phú và giá cả hợp lý; đồng thời đảm bảo chất lượng hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm… Nhờ vậy, TP đã hạn chế, kiểm soát được tình trạng đầu cơ, hiện tượng tăng giá đột biến, chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, góp phần bình ổn thị trường, đặc biệt là trong thời gian trước, trong và sau tết. Những tác động nói trên không dừng lại trên địa bàn TP mà còn lan tỏa đến các địa phương khác.
Cùng với đó, chương trình đã góp phần nâng cao quan hệ hợp tác phát triển kinh tế giữa TP với các địa phương theo hướng thiết thực và hiệu quả hơn; nâng cao nhận thức, tính chủ động, sáng tạo của các DN trong việc mở rộng hợp tác liên kết, thực hiện mục tiêu bình ổn giá, gắn kết giữa đầu tư, sản xuất, phân phối, tiêu thụ, bảo đảm giá cả sản phẩm hàng hóa ổn định cho người dân lao động. Bên cạnh đó, chương trình cũng góp phần thực hiện thành công cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bởi các mặt hàng trong chương trình này đều do các DN trong nước và DN của TP sản xuất.
Ở góc độ khác, chương trình đã giúp các DN tham gia an tâm đầu tư về con giống, công nghệ hiện đại cho quá trình sản xuất, góp phần giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm. Hơn nữa, qua đó DN TP đã chủ động, mạnh dạn hơn trong việc đầu tư, cung ứng vốn cho người nông dân tại các địa phương khác. Không chỉ DN sản xuất, DN phân phối, bán buôn, bán lẻ của TP cũng hưởng lợi khi ngày càng được mở rộng và cải thiện tốt hơn. Không những các DN tham gia mà các DN nằm ngoài chương trình cũng nhận được những tác động tích cực từ chương trình thông qua mối liên kết hợp tác, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng sôi động hơn. Công tác quản lý thị trường cũng được nâng chất tính chuyên nghiệp và sự phối hợp giữa các lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan chức năng khác được nâng cao đáng kể… Nhờ chương trình bình ổn giá nên dù là địa bàn có mức độ tiêu dùng lớn nhất nước nhưng chỉ số CPI của TPHCM luôn thấp hơn cả nước, năm 2010 chỉ số CPI của TPHCM là 9,58% trong khi cả nước là 11,75%; tháng 3-2011, CPI của TP là 4,89% còn của cả nước là 6,12%.
Mở rộng và hoàn thiện chương trình
Về mục tiêu của chương trình trong thời gian tới, theo Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng, đó là tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích DN thuộc các thành phần kinh tế đầu tư tạo nguồn hàng, mở rộng mạng lưới phân phối, cải tiến quy trình công nghệ, đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, hạ giá thành… nhằm tạo ra nhiều sản phẩm tiêu dùng thiết yếu có chất lượng, hợp vệ sinh, giá cả hợp lý, góp phần cùng TP và cả nước thực hiện tốt mục tiêu kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Từ những mục tiêu đó, đối tượng của chương trình trong những năm tới sẽ gồm 3 nhóm mặt hàng là lương thực, thực phẩm; thuốc sản xuất chữa bệnh thông thường trong nước và dụng cụ giáo dục (phục vụ học sinh). Để thực hiện tốt những mục tiêu đã đề ra, TPHCM sẽ tiếp tục phát triển mạng lưới phân phối, nhất là ở những khu chợ truyền thống; tăng tần suất đưa hàng hóa về các khu dân cư, KCX-KCN; tập trung kiểm tra việc chuẩn bị nguồn hàng, chất lượng hàng hóa, số lượng hàng hóa đưa vào thị trường, giá cả…; tăng cường liên kết, hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế giữa TP với các tỉnh thành khác…
Tại hội nghị, các DN đã tham gia chương trình cam kết sẽ tiếp tục gắn bó hơn nữa với chương trình mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp này. Tổng giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Thị Hạnh cho biết, từ nay đến hết năm 2015 Saigon Co.op sẽ nâng tổng số 50 siêu thị hiện có lên 100 siêu thị và 200 chợ truyền thống và điểm bán lẻ để phục vụ các mặt hàng thiết yếu đến tận tay người lao động có thu nhập thấp tại các KCX-KCN và vùng sâu, vùng xa. Còn Tổng giám đốc Vissan Văn Đức Mười thì hứa sẽ tiếp tục đầu tư và phát triển nguồn nguyên liệu và đẩy mạnh mạng lưới phân phối theo hướng hiện đại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vào các chợ truyền thống. Công ty TNHH Ba Huân cũng sẽ mở rộng hệ thống phân phối vào tận các khu dân cư, các chợ…
Góp ý với thành phố, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng TP nên chú trọng hơn nữa các giải pháp dự trữ nguồn cung hàng hóa, đồng thời mở rộng đối tượng tham gia chương trình, tránh hiện tượng “đặc quyền”.
Nhóm PV
* Chương trình bình ổn giá của TPHCM phù hợp với tình hình và yêu cầu hiện nay. Tuy nhiên, để chương trình phát huy được hiệu quả cao hơn, TPHCM nên tiếp tục hoàn thiện cơ chế bình ổn giá để đảm bảo đưa được hàng hóa đến tận tay người lao động có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, cần tăng quỹ bình ổn giá; theo dõi tín hiệu thị trường và kiểm soát giá cả sát sao hơn để đảm bảo giá hàng hóa bình ổn thấp hơn giá thị trường 10%... Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ |