Chương trình Bình ổn thị trường (CTBOTT) năm 2013 và Tết Giáp Ngọ 2014 sẽ kết thúc vào ngày 31-3-2014 sắp tới. Ngay sau đó, CTBOTT năm 2014 và Tết Ất Mùi 2015 sẽ tiếp nối kể từ ngày 1-4-2014. Để thực hiện tốt, đến nay hầu hết các doanh nghiệp (DN) đều đã hoàn thành việc xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa cho chương trình mới.
Ổn định giá bán
Theo nhận định của nhiều DN, năm nay việc chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho CTBOTT năm 2014 đang gặp nhiều thuận lợi, đặc biệt là nguồn vốn đã được khơi thông bởi sự góp sức của nhiều ngân hàng. Về sản lượng hàng hóa, mặc dù chưa có con số chính thức của TP về kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cho CTBOTT năm 2014 nhưng theo các DN, chắc chắn sản lượng sẽ bằng hoặc tăng từ 20% - 30% so với năm ngoái, tùy ngành hàng và mặt hàng. Mặt khác, tại mỗi DN cũng sẽ tăng cường dự trữ hàng hóa nhằm đáp ứng tốt nhất cho khả năng cung - cầu của TP khi thị trường có biến động.
Về dự trữ nguyên vật liệu, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện chỉ có CTBOTT các mặt hàng sữa đang gặp nhiều khó khăn do giá sữa nguyên liệu trên thế giới tăng khá cao kể từ đầu năm đến nay. Theo đó, nguyên liệu phục vụ cho công tác sản xuất các mặt hàng phục vụ mùa khai trường như tập vở, cặp xách giá cũng tăng bình quân khoảng 10% - 15% nhưng theo các DN, mức tăng này vẫn có thể cầm cự được, bằng cách tăng cường đầu tư, hiện đại hóa quy trình tối ưu hóa sản xuất nhằm ổn định giá bán ngang bằng với mức giá năm 2013.
Riêng với CTBOTT các mặt hàng lương thực, thực phẩm đang có nhiều thuận lợi trong việc đầu tư, phát triển các vùng nguyên liệu cung ứng cho chương trình.
Ông Trần Bá Dũng, Phó Giám đốc Công ty May túi xách Hương Mi (Hami) cho biết, CTBOTT các mặt hàng phục vụ mùa khai trường khá đặc thù do cao điểm sản xuất, kinh doanh chỉ tập trung trong 5 tháng (tức là từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm), trong khi các chương trình khác thì rải đều trong năm. Do vậy, việc lên kế hoạch cho chương trình mới thường được bắt đầu từ khá sớm. Tính đến nay, Hami đã dự trữ được hơn 50% nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất. Theo ông Dũng, giá bán các mặt hàng cặp xách trong chương trình sẽ không tăng so với mùa khai trường năm 2013.
Xu hướng ổn định giá để giữ sức mua sẽ trở thành phổ biến đối với hầu hết các DN tham gia vào các chương trình bình ổn của TP trong năm 2014.
Nhiều cách làm mới
Liên kết đầu tư, mở rộng sản xuất nhằm tạo nguồn hàng dồi dào, phong phú tiếp tục là một trong những hoạt động chủ đạo, xuyên suốt của các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường tại TPHCM trong năm 2014. Đây cũng sẽ là điều kiện tiên quyết để hoạt động của các DN đi vào chiều sâu, phát triển bền vững.
Do vậy, tại thời điểm này hầu hết các DN đang rất bận rộn với nhiều kế hoạch, dự án cho một năm mới. Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Thành Đạt nhớ lại, đợt sốt giá trứng gia cầm tại TPHCM diễn ra vào trung tuần tháng 1-2013 và chỉ kéo dài trong 1 tuần, đã để lại một bài học sâu sắc cho các DN làm bình ổn.
Đó là ngoài việc cung cấp đủ số lượng, chủng loại mặt hàng cho chương trình thì công tác dự báo và thăm dò thị trường cũng quan trọng không kém. Cũng từ đây, công ty đã tính toán, cơ cấu lại toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng đẩy mạnh liên kết đầu tư, hướng đến chủ động hoàn toàn trong việc cung ứng hàng hóa.
Đối với mặt hàng trứng vịt, năm 2013, công ty cũng đã xây dựng 1 trang trại vịt đẻ, quy mô 20.000 con. Trước đây, vịt đẻ thường nuôi chạy đồng và con giống thì tự sản xuất nên năng suất thấp, nay Vĩnh Thành Đạt đã từng bước khắc phục được nhược điểm này. Sau một thời gian triển khai, loại vịt cao sản đã cho ra sản phẩm trứng có giá thành rất tốt. Hiện mặt hàng trứng vịt đang còn nhiều dư địa để phát triển vì các tập đoàn nước ngoài vẫn chưa có sự đầu tư cho sản phẩm này.
Do đó, trong thời gian tới, Vĩnh Thành Đạt sẽ nâng tổng đàn vịt đẻ lên 50.000 con, để đưa sản lượng tự cung ứng cho thị trường lên 50%. Đối với mặt hàng trứng gà công nghiệp, năm 2014, công ty đã hoàn thành việc liên kết sản xuất và cung ứng trứng đạt 100%, chấm dứt việc đi thu gom trứng, đảm bảo đủ lượng hàng cung ứng cho chương trình bình ổn nói riêng và thị trường nói chung.
Công ty TNHH Phạm Tôn - một trong những DN cung ứng gia cầm có số lượng lớn nhất cho Chương trình bình ổn thị trường của TPHCM đã thực hiện thành công mô hình liên kết đầu tư 3 bên: Hợp tác xã chuyên về chăn nuôi (HTX Chăn nuôi Bình Hòa) với đơn vị cung cấp con giống và thức ăn chăn nuôi (Công ty TNHH CJ Việt Nam) với đơn vị ứng vốn và bao tiêu sản phẩm (Công ty Phạm Tôn).
Mô hình này đã khai thác triệt để thế mạnh của mỗi bên, người nông dân yên tâm chăn nuôi vì con giống và thức ăn đã được các đối tác cung ứng ổn định cả năm. Khi sản phẩm làm ra sẽ được bao tiêu với mức giá cố định, còn đơn vị bao tiêu sản phẩm sẽ không bị động bởi nguồn hàng, chất lượng đảm bảo để cung cấp cho chương trình.
Ông Nguyễn Khánh, Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi gia cầm thủy sản Bình Hòa cho biết: “Nếu như trước đây chúng tôi nuôi gia công, mỗi năm chỉ được 3 lứa do lệ thuộc kế hoạch của đơn vị đặt hàng, thời gian trống chuồng kéo dài, thì hiện nay sau khi tham gia mô hình liên kết ba bên của Công ty TNHH Phạm Tôn, chúng tôi có thể chủ động nâng lên 5 - 6 lứa/năm, hiệu quả kinh tế cao hơn, thu nhập và cuộc sống của người nông dân vì thế cũng được lên”.
Bà Tôn Thanh Thùy, Giám đốc Công ty TNHH Phạm Tôn, cho hay, ngoài hệ thống trang trại chăn nuôi tự đầu tư, hiện công ty kết hợp với đối tác đã triển khai mô hình này đến 5 trang trại. Ngoài ra, Phạm Tôn cũng đang hoàn tất quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP để cung ứng sản phẩm đạt chất lượng cao.
“Trong số 8 trại chăn nuôi của công ty, đã có 6 trại được công nhận VietGAP. Đối với các trang trại liên kết chăn nuôi giữa Phạm Tôn và các đối tác, công ty cũng đang có sự đầu tư, khuyến khích các DN, HTX như HTX Bình Hòa... chăn nuôi theo chuẩn VietGAP nhằm đồng bộ hóa về chất lượng, hướng tới phát triển bền vững” - bà Thùy nói.
THÚY HẢI