Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng đoàn công tác Chính phủ làm việc về kết quả thực hiện Đề án đào tạo đại học theo chương trình tiên tiến (CTTT) tại ĐH Quốc gia TPHCM. Những trở ngại và nguy cơ đề án sẽ bị chết sau 5 năm thực hiện đã được nhiều đại biểu phân tích và kiến nghị với Phó Thủ tướng.
Người học thưa thớt
Theo đánh giá của Bộ GD - ĐT, việc triển khai CTTT đã tạo ra sự khác biệt về chất lượng đào tạo với các sinh viên thường như trình độ Anh ngữ của sinh viên tối thiểu là TOFEL 550. Tỷ lệ sinh viên khá giỏi của các khóa chiếm trên 75%. Bên cạnh đó, gần như 100% sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm và được các đơn vị sử dụng đánh giá cao.
Tuy nhiên, thực tế tuyển sinh của các trường có đào tạo CTTT cứ giảm dần qua các năm và hiện nay vấn đề đầu vào của chương trình thật sự khiến các trường lo lắng.
Trong khóa đầu tiên (năm 2006) Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) tuyển 55 sinh viên nhưng đến nay rơi rụng còn 36 sinh viên. Khóa thứ 2 đầu vào có 49 sinh viên nhưng hiện chỉ còn 33 sinh viên theo học. Các khóa 3, 4 và 5 lần lượt là 33, 34 và 25 sinh viên đăng ký học.
Tuy lượng sinh viên có giảm nhưng cơ sở này vẫn được đánh giá là có số lượng sinh viên theo học ổn định so với những đơn vị khác.
Đại diện một trường ĐH tại miền Trung cho biết: Dù trường được bộ giao đào tạo và tuyển sinh mỗi khóa 30 sinh viên cho CTTT ngành vật lý nhưng chưa có năm nào hoàn thành chỉ tiêu được giao. Khóa đầu tiên trường tuyển nhiều nhất với 25 sinh viên, khóa thứ 2 giảm còn 21 sinh viên và khóa thứ 4 chỉ tuyển được 7 sinh viên… Cá biệt, một số trường tuyển sinh không được đã hoàn trả kinh phí lại cho Bộ GD-ĐT.
Được Bộ GD-ĐT đánh giá là 1 trong 5 trường thực hiện tốt nhất CTTT, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) cũng không khỏi lo lắng trước thực tế CTTT chưa hấp dẫn người học.
GS-TS Dương Ái Phương, hiệu trưởng nhà trường băn khoăn: “Mục tiêu của CTTT là chọn người học giỏi. Tuy nhiên, mức học phí chính là trở ngại cho những sinh viên giỏi. Một CTTT mà thiếu người giỏi theo học là điều mà các nhà quản lý cần phải suy tính. Vì vậy làm sao để duy trì và tạo sự hấp dẫn của CTTT với người học là vấn đề mà Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu để tham mưu cho Chính phủ”.
Tiếp tục hay dừng?
Theo đề án mà Chính phủ phê duyệt, mỗi CTTT được cấp kinh phí cho 3 khóa đào tạo đầu tiên theo nguyên tắc ngân sách nhà nước chiếm 60%, nhà trường chịu trách nhiệm 25% và học phí do sinh viên đóng góp chiếm 15%. Như vậy, kể từ năm 2011, các trường có đào tạo CTTT cũng như sinh viên theo học chương trình này phải tự lo mọi chi phí.
TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM thử làm một phép tính: ĐH Quốc gia triển khai 3 CTTT và hiện nay có 454 sinh viên theo học. Tổng kinh phí mà ngân sách cấp để thực hiện CTTT là 60 tỷ đồng. Như vậy tính hết mọi chi phí, bình quân mỗi sinh viên được đầu tư khoảng 160 triệu đồng/năm khi theo học CTTT. Con số này cao gấp 8 lần so với việc đầu tư cho 1 sinh viên theo học chương trình cử nhân tài năng (khoảng 20 triệu đồng/sinh viên/năm).
“Theo tôi, Nhà nước nên tiếp tục hỗ trợ các trường thực hiện chương trình và các trường sẽ nỗ lực hết mình nhằm duy trì và phát triển chương trình”, TS Nghĩa kiến nghị.
Với cái nhìn của một nhà kinh tế, ông Nguyễn Trường Giang đại diện Bộ Tài chính cho rằng: “Đề án Chính phủ quy định chỉ cấp kinh phí cho 3 khóa của CTTT nên chúng ta cứ thế mà thực hiện. Tuy nhiên, nếu để đề án dừng lại thì thật lãng phí. Do đó, ban chỉ đạo cần thống kê tổng thể xem đơn vị nào không hiệu quả thì dừng, đơn vị nào làm tốt tiếp tục khuyến khích”.
Ông đưa ra dẫn chứng: Muốn có chất lượng cao thì học phí phải cao. Không nhìn đâu xa, chúng ta hãy nhìn ĐH RMIT, một trường ĐH trung bình nhưng học phí đến 6.000 USD/năm tại sao vẫn có người học hay Trường ĐH Quốc tế của ĐH Quốc gia TPHCM học phí 2.000 USD/năm vẫn thu hút người học. Theo tôi, phải có bài toán để CTTT tiếp tục thực hiện mà cụ thể là phải nghĩ đến việc xã hội hóa.
Nhà nước muốn có đội ngũ giảng viên tốt cho giáo dục ĐH trong tương lai, nên cấp ngân sách cho sinh viên học với điều kiện họ cam kết ra trường giảng dạy. Nếu gia đình muốn con mình hưởng thụ môi trường đại học tốt, bắt buộc họ phải bỏ tiền túi đầu tư và doanh nghiệp muốn có nguồn nhân lực tốt phải tài trợ kinh phí cho người học”.
Tham gia giảng dạy từ khóa đầu tiên của CTTT ngành công nghệ thông tin tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM, GS Dương Nguyên Vũ băn khoăn: Bộ GD-ĐT và các trường cần nghĩ đến đầu ra cho sinh viên theo học CTTT. Thực tế cho thấy, sinh viên ra trường thường có nguyện vọng học lên cao hơn là đi làm.
Mặt khác, Bộ Tài chính và Bộ GD-ĐT cần tạo điều kiện để người học CTTT được vay tiền để học vì thực tế nhiều học sinh giỏi thường có điều kiện kinh tế khó khăn.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo: Bộ GD-ĐT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cần lưu ý 6 vấn đề mà giảng viên và sinh viên kiến nghị: Tăng cơ hội nghiên cứu khoa học cho sinh viên; có nhiều nguồn học bổng hấp dẫn hơn; tăng cường giao lưu, trao đổi sinh viên; trao đổi giáo sư với các trường đại học nước ngoài; chương trình cho sinh viên vay để học CTTT; hỗ trợ ngân sách đào tạo giảng viên từ sinh viên CTTT. Về vấn đề các trường băn khoăn “nguy cơ đề án sẽ dừng khi không còn ngân sách nhà nước”, Phó thủ tướng cho rằng đoàn sẽ tiếp tục làm việc với các trường có đào tạo CTTT và sẽ có báo cáo tổng thể cũng như những kiến nghị để báo cáo Thủ tướng. |
THANH HÙNG