Thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy và tôn vinh những giá trị văn hóa dân tộc, góp phần tăng thêm sức sống của loại hình nghệ thuật âm nhạc cổ truyền Nam bộ, Trung tâm Văn hóa TPHCM phối hợp với Đài Truyền hình TPHCM tổ chức chương trình Đờn ca tri kỷ. Với chủ đề “Cái đẹp trong âm nhạc tài tử”, chương trình đầu tiên vừa ra mắt tại điểm sáng văn hóa cà phê Newlink, quận 6, TPHCM.
Ngoài các chuyên đề giới thiệu nghệ thuật đờn ca tài tử đến người dân, chương trình Đờn ca tri kỷ còn kết hợp giới thiệu các tác phẩm mới được tuyển chọn từ cuộc vận động sáng tác lời mới cho 20 bản tổ đờn ca tài tử và vọng cổ do Trung tâm Văn hóa TPHCM tổ chức. Và 4 tác phẩm đầu tiên được tuyển chọn giới thiệu đã khiến người mộ điệu hài lòng. Với giọng văn kể chuyện, thể điệu Xuân tình, tác giả Huỳnh Thanh Tâm đã kết hợp khá tốt giữa hình thức và nội dung trong bài ca Bác Hồ tìm đường cứu nước. Ít điển tích, không có nhiều mỹ từ nhưng bài ca đã khái lược niên sử về sự nghiệp cách mạng của Người giai đoạn 1911-1941 dễ nhớ và xúc động.
Ở một tác phẩm khác, thể điệu Vạn giá mang tính lễ nghi, trang trọng đã được tác giả Nguyễn Đình Chiến vận dụng để chuyển tải nội dung trong bài ca Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh. Lối hành văn tinh tế, qua 24 câu, tác giả đã vẽ nên một bức tranh về đất nước, về con người thành phố mang tên Hồ Chí Minh đẹp bình dị và cảm động.
“Đây quê ta rừng vàng biển bạc, những đoàn thuyền đánh cá ra khơi. Những đoàn tàu không số vượt dặm dài, từ Cà Mau tới Hạ Long… làm nên những chuyến hải hành, mở đường trên biển mang tên Người Hồ Chí Minh”. Với 20 câu xàng xê, dù là ca hay đàn, nghệ nhân Nguyễn Đình Chiến đã chuyển tải nội dung bài Hướng về biển đảo quê hương hay ho và ý nhị. Với nhịp tư cổ điển, giai điệu khúc chiết, giọng văn xúc cảm, uyển chuyển, sử dụng nhiều hình tượng đẹp, ẩn dụ hay, đối xứng ấn tượng… bài ca đã tôn vinh nét đẹp hào hùng của con người và biển đảo Việt Nam.
Góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, để nghệ thuật truyền thống này phát triển sâu rộng trong khi nó đang chờ được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, chương trình Đờn ca tri kỷ là sân chơi bổ ích, mang ý nghĩa thiết thực.
Theo soạn giả Ngô Hồng Khanh, nghệ thuật đờn ca tài tử là thú chơi phong lưu, tao nhã của người dân Nam bộ. Sự kết hợp độc đáo giữa bình dân và bác học, giữa giản dị chân tình và hàn lâm đã làm nên không gian rất riêng. Không xênh xang, cầu kỳ hình thức, nhưng không vì thế mà đờn ca tài tử lại thiếu nét tinh tế nghệ thuật. Ngay giữa chốn Sài Gòn phồn hoa, tưởng đâu chỉ có nhịp sống hối hả, xuôi ngược đua chen, vậy mà người ta vẫn có thể thưởng thức được những âm điệu ngọt ngào của Dạ cổ hoài lang, của những Nam ai, Nam xuân, Xuân tình, Tây thi, Lưu thủy trường… da diết. Điều này minh chứng cho mạch nguồn lan tỏa, sức sống mãnh liệt của đờn ca tài tử. |
MINH AN