Chương trình giáo dục phổ thông mới: Cần phát huy đồng bộ các nguồn lực xã hội

Sau khi khởi đăng loạt bài Đổi mới giáo dục phổ thông - Yêu cầu tất yếu” trên báo SGGP (số ra từ ngày 10 đến 12-12-2018), chúng tôi đã nhận được ý kiến của nhiều chuyên gia, cán bộ quản lý bàn về các giải pháp, góp ý nhằm thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Báo SGGP xin trích đăng một số ý kiến. 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT NGUYỄN HỮU ĐỘ:

Đầu tư kinh phí thỏa đáng

Hiện ngành giáo dục đang quyết liệt rà soát và thực hiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học, đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học để đảm bảo đủ điều kiện thực hiện chương trình GDPT mới.

Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và GDPT. Bộ GD-ĐT cũng tham mưu với Chính phủ, Quốc hội ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ các địa phương tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, như chương trình kiên cố hóa trường, lớp, các chương trình ODA, chương trình mục tiêu giáo dục miền núi, chương trình nông thôn mới, giảm nghèo bền vững…

Điều quan trọng là các địa phương cần dành kinh phí thỏa đáng từ nguồn vốn ngân sách địa phương để đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học để đảm bảo đủ điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chương trình giáo dục phổ thông mới: Cần phát huy đồng bộ các nguồn lực xã hội ảnh 1 Một tiết lên lớp của cô và trò Trường Tiểu học Bành Văn Trân (quận Tân Bình). Ảnh: THU TÂM

GS-TS PHẠM QUANG TRUNG, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia “Nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục giai đoạn 2017-2025”:

Quy hoạch lại mạng lưới đào tạo

Để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới, cần thực hiện nhiều giải pháp. Đầu tiên là quy hoạch lại mạng lưới đào tạo các trường sư phạm, khoa sư phạm và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng sư phạm.

Song song đó, cần rà soát, đánh giá kết quả đầu ra của sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm so với chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, cũng như rà soát, dự báo nhu cầu về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với từng cấp học, môn học ở từng địa phương.

Tăng cường liên kết, phối hợp đào tạo giữa các trường sư phạm, khoa sư phạm và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo với các đơn vị, tổ chức trong và ngoài nhà nước trong việc xác định nhu cầu tuyển sinh và nhu cầu việc làm của sinh viên.

Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện đào tạo giáo viên gắn với trường phổ thông theo hướng thiết thực và hiệu quả, quan tâm việc liên kết giữa trường phổ thông với đào tạo sinh viên ở các trường sư phạm, thực hiện đào tạo và đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục gắn với chuẩn nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục giai đoạn 2017-2025 và những năm tiếp theo. 

Đồng thời, để nâng cao chất lượng đội ngũ phục vụ đổi mới GDPT, quá trình đào tạo của các trường, khoa sư phạm phải theo sát chương trình GDPT mới, xây dựng cơ chế giám sát và đánh giá của người dân về nhà giáo và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục.

PGS-TS NGÔ MINH OANH, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục - Trường Đại học Sư phạm TPHCM:

Chú trọng phát huy năng lực, sở trường của người học

Chương trình GDPT mới có đặc điểm nổi bật là dạy học theo hướng cá thể, phát huy năng lực và phẩm chất người học. Do đó, kết cấu chương trình không xây dựng theo hướng hàn lâm mà tích hợp kiến thức với kỹ năng nhằm phát huy năng lực, sở trường của người học.

Điều này rất khác biệt so với chương trình GDPT hiện hành: Dạy học tiến hành theo đơn vị lớp với công nghệ sản xuất hàng loạt, học sinh tốt nghiệp cùng cấp lớp được yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng giống nhau. Để thực hiện thành công chương trình GDPT mới, theo tôi, yêu cầu quan trọng nhất là thay đổi từ đội ngũ giáo viên giảng dạy.

Trong đó, yếu tố cần thay đổi đầu tiên là chương trình đào tạo sinh viên tại các trường sư phạm, chú trọng nhiều hơn công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực xây dựng và phát triển chương trình cho sinh viên sư phạm nhằm giúp các em sau khi ra trường có đầy đủ kỹ năng lựa chọn chương trình, biết kết hợp nhiều nguồn tài liệu dạy học khác nhau và triển khai hiệu quả đến học sinh. 

Bên cạnh đó, mục tiêu của chương trình GDPT mới là chuyển từ trang bị kiến thức sang kỹ năng cho người học nên đòi hỏi mỗi giáo viên phải có năng lực tổ chức, phối hợp tốt với giáo viên ở các bộ môn khác, cũng như các lực lượng giáo dục khác trong và ngoài nhà trường như tổ chức đoàn thanh niên, giám thị, câu lạc bộ, đội nhóm, cha mẹ học sinh…

Đây là yêu cầu lâu nay chưa được nhiều giáo viên chú trọng, đòi hỏi bản thân người dạy phải rèn luyện thêm các năng lực giáo dục, biết kết hợp dạy chữ với dạy người, tăng cường phương pháp trải nghiệm ở từng môn học, có hiểu biết và khả năng vận dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học hiện đại, đẩy mạnh phương pháp dạy học theo hướng cá thể.

Ông HUỲNH THANH PHÚ, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10): 

Cần đồng bộ giữa dạy học và thi cử

Phương án thi THPT quốc gia năm 2019 do Bộ GD-ĐT vừa công bố mới cải tiến, đổi mới về công tác tổ chức và chấm thi - tức tập trung vấn đề kỹ thuật; còn nội dung thi không có nhiều thay đổi so với năm 2018.

Mặc dù các năm qua, Bộ GD-ĐT đều nỗ lực cải tiến thi cử nhưng thực tế cho thấy kỳ thi “2 trong 1” (xét tốt nghiệp THPT kết hợp tuyển sinh đại học, cao đẳng) vẫn tạo áp lực không nhỏ cho thí sinh.

Thêm vào đó, chúng ta đang thực hiện đổi mới dạy học theo hình thức tổ hợp khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, nhưng xét tuyển đại học vẫn theo khối thi truyền thống.

Ví dụ, một học sinh chọn nguyện vọng thi khối A1 (Toán, Anh văn, Vật lý) nhưng quá trình ôn tập khối 12, em vẫn phải học đủ tổ hợp môn khoa học tự nhiên nên chỉ học đối phó các môn Hóa và Sinh học với mục tiêu duy nhất là không bị điểm liệt tại kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Chưa kể, từ năm 2007, chúng ta áp dụng đổi mới thi cử theo hình thức làm bài thi trắc nghiệm nhưng tài liệu dạy học vẫn biên soạn theo hướng tự luận, khiến giáo viên phải thực hiện tuần tự 2 công đoạn là dạy kiến thức theo hướng tự luận rồi rèn học sinh phương pháp làm đề thi trắc nghiệm, tạo thêm áp lực cho cả thầy lẫn trò.  

Tới đây, các trường đại học sẽ hướng đến việc tổ chức các kỳ thi khảo sát năng lực người học, trong đó đề thi không còn gói ghém kiến thức trong sách giáo khoa mà sẽ kết hợp thêm yếu tố kỹ năng, kiến thức hiểu biết đời sống.

Do đó, nếu trường phổ thông dạy học sinh theo kiểu “mọt sách”, nhồi nhét kiến thức sẽ không đáp ứng được mục tiêu tuyển sinh của các trường đại học.

Vì vậy, để chương trình GDPT mới triển khai có hiệu quả, tôi nghĩ ngoài sự đồng bộ giữa chương trình và thực tế giảng dạy còn cần sự đồng bộ giữa việc dạy học và tổ chức thi cử.

Trong đó, khâu tổ chức ra đề không nên chạy theo phản ứng dư luận qua từng năm khiến đề thi mãi luẩn quẩn theo chu kỳ “dễ quá” rồi lại “khó quá”, mà nên có trụ cột quan điểm vững chắc, không nên mỗi năm mỗi thay đổi khiến người học bở hơi tai chạy theo đổi mới thi cử.

Tin cùng chuyên mục