Sau khi được Bộ GD-ĐT công bố, Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) mới đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Ủng hộ đổi mới nhưng đa phần ý kiến cho rằng, chương trình mới phải đảm bảo giảm tải, thực hiện ổn định, làm nền tảng cho các bước đổi mới tiếp theo.
Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến cho rằng, chương trình mới không dễ thực thi, nhất là lo lắng về đội ngũ giáo viên. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Anh Dũng (ảnh), nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, thành viên Ban soạn thảo CT GDPT về vấn đề này.
°Phóng viên: Hiện nay rất nhiều ý kiến lo ngại việc đổi mới theo hướng tích hợp và phân hóa, nhất là tích hợp (một giáo viên có thể dạy được nhiều phân môn), giáo viên sẽ chưa thể đáp ứng yêu cầu?
°TS NGUYỄN ANH DŨNG: Về dạy học các môn tích hợp ở THCS, nội dung vật lý, hóa học, sinh học cộng với các chủ đề liên phân môn tạo nên môn khoa học tự nhiên; nội dung lịch sử, địa lý và một số vấn đề xã hội cộng với các chủ đề liên phân môn tạo nên môn khoa học xã hội. Nhà trường phải lựa chọn giáo viên có năng lực phù hợp nhất để phân công dạy từng phân môn và các chủ đề liên phân môn. Vì vậy, các biện pháp hỗ trợ giáo viên đã và đang được ngành giáo dục triển khai, trong đó có việc bồi dưỡng, tự bồi dưỡng giáo viên để có vốn tri thức rộng và khả năng vận dụng tổng hợp các kiến thức có liên quan; giáo viên dự giờ, sinh hoạt chuyên môn, cùng nhau trao đổi, thiết kế các chủ đề tích hợp, qua đó phát triển năng lực dạy học tích hợp. Các cuộc thi giáo viên dạy học tích hợp trong 2 năm qua do Bộ GD-ĐT tổ chức đã thu được kết quả rất tốt.
Còn về tổ chức dạy học phân hóa theo các môn học tự chọn, các chủ đề học tập tự chọn ở THPT, nhà trường sẽ tập hợp đăng ký nguyện vọng của học sinh, xem xét khả năng đáp ứng cả về người dạy, phòng học… của nhà trường, hiệu trưởng có thể sử dụng phần mềm quản lý dạy học tự chọn (do Bộ GD-ĐT hướng dẫn) để xếp học sinh cùng nguyện vọng thành từng lớp và phân công người dạy (là giáo viên của trường hoặc giáo viên thỉnh giảng, kể cả người dạy từ các cơ sở dạy nghề, các trường cao đẳng, đại học, các doanh nhân, nghệ nhân… có đủ điều kiện). Đáng chú ý, nếu môn học hoặc chuyên đề có ít học sinh chọn thì nhà trường có thể hướng dẫn học sinh thay đổi nguyện vọng, gửi học sinh sang học ở trường khác và báo cáo kết quả học tập về trường, cho học sinh chờ cùng học với các bạn trong năm học sau…
Mỗi nhà trường cần xác định lộ trình riêng về bồi dưỡng và phân công người dạy, bổ sung phòng và thiết bị dạy học, liên kết với các cơ sở giáo dục, cơ quan nghiên cứu, cơ sở sản xuất… Còn các cơ sở đào tạo giáo viên cần thiết kế mới chương trình sao cho sinh viên vừa được đào tạo để dạy học các môn học tích hợp, các môn học và chuyên đề học tập tự chọn.
° Đội ngũ giáo viên hiện đang đứng lớp phải thay đổi như thế nào để đáp ứng được yêu cầu dạy học theo CT GDPT mới, thưa ông?
°Khi triển khai CT GDPT mới, đội ngũ giáo viên hiện thời có những thuận lợi, thách thức và cần đến những giải pháp cơ bản. Về thuận lợi, đội ngũ giáo viên phổ thông đã cơ bản đủ về số lượng, có đủ các thành phần theo môn học, gần 100% đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo, có tinh thần trách nhiệm và đạo đức nhà giáo tốt. Còn điểm yếu của một bộ phận không nhỏ giáo viên phổ thông hiện nay là đang dạy học theo phương pháp chủ yếu truyền thụ kiến thức lý thuyết một chiều cho học sinh dẫn đến hoạt động của học sinh là ghi nhớ kiến thức rời rạc, có sẵn, không được vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống. Có thể giữ nguyên vẹn đội ngũ giáo viên hiện nay, tổ chức bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu thực hiện CT GDPT mới, nhất là phương pháp và hình thức tổ chức dạy học phát huy tính thích chủ động sáng tạo của học sinh.
°Vậy CT GDPT mới có bảo đảm sẽ giảm tải không?
°Nghị quyết số 88 năm 2014 của Quốc hội đã xác định “đổi mới nội dung GDPT theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và định hướng nghề nghiệp; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên”. Đây chính là yêu cầu khái quát về đổi mới nội dung GDPT. Thực hiện yêu cầu trên, nội dung giáo dục trong CT GDPT mới được thiết kế tương ứng theo 2 giai đoạn: giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học và cấp THCS) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT).
Theo đó, giáo dục cơ bản bảo đảm trang bị kiến thức phổ thông nền tảng, nội dung chương trình được thiết kế theo hướng lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp. Thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lý số môn học. Giáo dục định hướng nghề nghiệp có nội dung dạy học mang tính phân hóa cao, chuẩn bị cho học sinh tham gia thị trường lao động hoặc học giai đoạn sau phổ thông có chất lượng. Chuyển hình thức dạy học phân hóa từ phân ban (hiện nay) sang yêu cầu học sinh học một số môn học bắt buộc, đồng thời được tự chọn các môn học và chuyên đề học tập có nội dung phù hợp với năng lực, sở trường của mỗi học sinh và gắn với định hướng nghề nghiệp sau THPT.
CT GDPT mới sẽ bảo đảm chỉ lựa chọn những nội dung cơ bản, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi học sinh, liên quan và có vai trò trong việc hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực cho người học. Cấu trúc nội dung các môn học trong CT GDPT mới tránh việc viết các môn học ở phổ thông như là môn khoa học tương ứng thu nhỏ của bậc đại học. Đồng thời, nội dung phải được thiết kế phù hợp với đặc trưng của từng lĩnh vực giáo dục, nhất là các lĩnh vực về giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng, thể thao, nghệ thuật, ngoại ngữ, tin học… Vì vậy, chắc chắn là sẽ giảm tải được.
° Xin cảm ơn ông.
LÂM NGUYÊN (thực hiện)
- Thông tin liên quan:
>> Chương trình phổ thông mới sẽ không còn cắt khúc, chồng lấn
>> Công bố Chương trình giáo dục phổ thông: Quá nhiều nội dung mới