Chương trình hành động

Đại hội 7 của VFF về lý thuyết phải sau ngày 25-3 mới biết chính xác các chức danh, nhưng lúc này ai cũng rõ nhiều chiếc ghế xem như có chủ. Nó là nghịch lý lớn của bóng đá Việt Nam trong hoàn cảnh đáng ra cần cái mới để xốc dậy, thì đằng này các ứng viên được đặt chỗ với hầu hết gương mặt cũ.

VFF từng có lúc tung hô ra là cầu thị, cần những người hết lòng vì bóng đá nội. Thậm chí còn có cả chuyện mời người này người kia, chấp nhận ông này ông nọ do cấp trên đưa xuống như để cho cuộc chơi sòng phẳng, công bằng nhưng tới giờ chót gút lại chẳng mấy người đáng tin tưởng. Từ sếp ở trên xuống lẫn người ngoài vô ai nấy ngồi thời gian rồi cũng chán ngán với bộ máy VFF, và chắc chắn dư luận không có niềm tin là tổ chức này sẽ làm nên chuyện.

Sự thật là ai cũng biết, với VFF hiện nay nếu như có “thánh” ngồi vào cũng đành bất lực do phải chấp nhận va đập với con người cũ cùng tư duy lạc hậu, nên chắc chắn tổ chức này khó mà phát triển nổi. Đáng chán hơn là chính những nhân vật cũ đó khi người hâm mộ cần chương trình hành động cụ thể trước khi ứng cử thì chẳng ông nào có.

Một lẽ thường, người ứng cử vào chức danh chủ chốt phải có chương trình hành động. Ấy vậy mà các đời chủ tịch không có nhưng vẫn ngồi lên ghế làm việc bình thường như chưa có chuyện gì xảy ra. Nói đâu xa, chính ông Nguyễn Trọng Hỷ từng trải qua hai nhiệm kỳ 5 & 6 nhưng có cần chương trình hành động gì đâu (!?),và một lần ở nhiệm kỳ đầu bởi ông là người nhà nước với hàm cựu Thứ trưởng được ấn xuống, còn lần sau nhờ đội tuyển VN giành AFF Cup 2008 đã cứu cho bàn thua trông thấy và từ đó ngồi thêm được 4 năm kế tiếp.

Đó là điều mà bóng đá Việt Nam khác xa với các nước, do trước mỗi kỳ đại hội ông nào ứng cử cũng chẳng phải quá lo lắng chuyện chương trình hành động khi biết chắc, với bóng đá Việt Nam điều đó không phải là tiên quyết. Mà cái chính ở đây là cuộc đua phía sau hậu trường ai nhanh chân và giỏi quan hệ thì sẽ thắng.

KIM DUNG

Tin cùng chuyên mục