Chương trình phát triển đô thị có tính then chốt và bao trùm

Chỉnh trang cả bộ mặt lẫn cấu trúc đô thị
Chương trình phát triển đô thị có tính then chốt và bao trùm

Chỉnh trang đô thị là một trong 7 chương trình hành động trọng điểm của TPHCM trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. So với nhiều chương trình cũ như chống ngập nước, kẹt xe, bảo vệ môi trường…, đây là chương trình mới. Nên hiểu về chương trình này như thế nào? PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ - Kiến trúc sư Võ Kim Cương, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TPHCM.

Chỉnh trang cả bộ mặt lẫn cấu trúc đô thị

° PV: Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X có đề ra chương trình đột phá Chỉnh trang đô thị (CTĐT - chương trình thứ 7), là người có nhiều nghiên cứu về quản lý đô thị ông nghĩ thế nào về chương trình này?

° Tiến sĩ - Kiến trúc sư VÕ KIM CƯƠNG: Đã gọi là chương trình thì bao giờ cũng phải có mục tiêu, giải pháp, nguồn kinh phí, kế hoạch hành động và có vòng đời. Trong khi đó, CTĐT là một công việc thường xuyên luôn song hành với phát triển đô thị, nghĩa là nó không có vòng đời. Tuy nhiên, chương trình CTĐT của TPHCM là một chương trình đột phá; đã là đột phá thì sẽ có vòng đời để làm nên sự đột phá. Như vậy, chương trình này phải có các mục tiêu cụ thể để trong một thời gian cụ thể phấn đấu đạt được các mục tiêu đó.

Mục tiêu cụ thể lại phụ thuộc vào quan niệm thế nào là chương trình CTĐT. Theo tiếng Việt, từ “chỉnh trang” mang ý nghĩa làm đẹp hay chỉnh đốn vẻ đẹp. Hiểu như vậy thì CTĐT mang mục tiêu chỉnh trang bộ mặt kiến trúc nhằm mục đích làm đẹp đô thị. Chỉnh trang bộ mặt kiến trúc dọc kênh rạch, dọc các đường phố, chấn chỉnh hình thức kiến trúc công trình, bảng hiệu, quảng cáo… là theo quan niệm này. Có thể thấy đây đã là một khối lượng công việc khổng lồ.

Tuy nhiên, nếu hiểu kiến trúc đô thị không chỉ là bộ mặt kiến trúc bên ngoài, mà nó bao gồm cả cấu trúc đô thị bên trong, là nền tảng của bộ mặt bên ngoài. Nếu hiểu như vậy thì mục tiêu của CTĐT là chỉnh trang cả cấu trúc và bộ mặt kiến trúc đô thị.

° Như vậy, theo ông chương trình CTĐT của TPHCM  theo Nghị quyết Đảng bộ TPHCM lần thứ X sẽ theo mục tiêu chỉnh trang bộ mặt kiến trúc hay chỉnh trang cấu trúc đô thị?

° Báo SGGP trước Tết Bính Thân đã có loạt bài “Chỉnh trang đô thị để chống ùn tắc giao thông”, nếu với mục đích này, cũng như nhiều mục đích khác như nhằm cải thiện môi trường, chống ngập nước… thì phải hiểu mục tiêu chủ yếu của CTĐT phải là chỉnh trang cấu trúc đô thị. Trên thực tế, các sở, ngành liên quan cũng đã triển khai công việc theo mục tiêu này. Ví dụ, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã đề ra 10 nhiệm vụ phục vụ chương trình CTĐT tóm lược như sau: (1) Chủ trì rà soát, đánh giá để tham mưu điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố; (2) Chủ trì lập hồ sơ đề xuất các khu vực phát triển đô thị, bao gồm 6 loại khu vực cải tạo và phát triển theo Nghị định 11/2013/NĐ - CP; (3) Chủ trì lập quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc (cấp 2) và thiết kế đô thị riêng các khu vực động lực phát triển, các trục cảnh quan, các khu dân cư “lụp xụp”…; (4) Chủ trì lập quy hoạch điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu 1/2000 theo định hướng giao thông (Transit Oriented Development - TOD); (5) Chủ trì thiết kế đô thị riêng các tuyến đô thị dọc kênh rạch… Phối hợp các ban quản lý nâng cấp đô thị thực hiện chỉnh trang nâng cấp các khu dân cư “lụp xụp”… Phối hợp các ban quản lý khu vực phát triển đô thị lập kế hoạch thực hiện phát triển đô thị. Có thể thấy, các công việc này đều liên quan đến chỉnh trang cấu trúc đô thị.

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sau khi chỉnh trang đô thị. Ảnh: CAO THĂNG

Chuẩn bị chu đáo trước khi thực hiện

° Nếu CTĐT là việc cải tạo cấu trúc đô thị và chỉnh trang bộ mặt kiến trúc nhiều khu vực của thành phố thì đây có phải là công việc có tính chất then chốt và bao trùm quá trình phát triển thành phố không?

° Đúng vậy, khi thực hiện được những đột phá về CTĐT không những chỉ cải thiện bộ mặt kiến trúc, mà quan trọng hơn nó còn giải quyết được hàng loạt nhu cầu khác về hạ tầng như chống ùn tắc giao thông, bảo vệ môi trường, từ đó tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống nhân dân và tăng khả năng hấp dẫn đầu tư vào thành phố. Do đó, CTĐT sẽ là chương trình có tính chất then chốt và bao trùm trong hoạt động quản lý của bộ máy chính quyền. Như chúng ta biết, trong nền kinh tế thị trường nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh rất sôi nổi nhưng đã có “ông” có tên “thị trường” dùng bàn tay vô hình lo rồi. Tuy nhiên, “ông thị trường” sẽ bất lực nếu không có bàn tay hữu hình của Nhà nước trong việc tạo nên cơ sở hạ tầng và môi trường đô thị tốt.

° Ông có nói chương trình đột phá phải có mục tiêu cụ thể và có vòng đời, vậy xác định chúng như thế nào?

° CTĐT là một chương trình đột phá của Đại hội Đảng bộ TPHCM có nhiệm kỳ 5 năm thì vòng đời của chương trình này không thể quá 5 năm. Tuy nhiên, nếu lúc này thành phố chưa có đề án của chương trình thì vòng đời của chương trình phải ngắn hơn. Bởi vì thời gian chuẩn bị đề án có thể phải mất một vài năm. Khi lập đề án sẽ phải nghiên cứu xác định các mục tiêu, giải pháp, nguồn kinh phí, các dự án ưu tiên có tính đột phá, lập kế hoạch thực hiện và tổ chức công tác chỉ đạo, quản lý chương trình.

Trong chương trình CTĐT lớn của toàn thành phố sẽ có nhiều chương trình con và nhiều dự án, mỗi chương trình con và dự án đó lại có mục đích khác nhau (trả lời câu hỏi thực hiện chỉnh trang để làm gì?). Những công việc này cần được nghiên cứu công phu để tránh việc đầu tư dàn trải, lãng phí mà không tạo được sự đột phá. Các cơ quan chuyên môn của TPHCM đã có nhiều kinh nghiệm trong việc xác định các mục tiêu theo hướng “một mũi tên trúng nhiều mục đích”. Tuy nhiên rất cần thời gian và kinh phí cho sự chuẩn bị, kể cả việc tuyên truyền vận động nhân dân. Nếu hiện nay chưa có đề án của chương trình thì mất một vài năm để chuẩn bị không phải là quá lâu.

Phải có các giải pháp chú ý đến người nghèo

° Ông có nói tới tuyên truyền vận động nhân dân, vậy theo ông vai trò của nhân dân trong chương trình CTĐT như thế nào?

° Nhân dân ở đây là những người dân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến chương trình CTĐT. Đụng chạm đến quyền lợi và nghĩa vụ nhiều nhất là vấn đề tài chính (đất đai, tài sản trên đất, hạ tầng…, tất cả cần được định lượng bằng tiền). Không phải tuyên truyền vận động để người dân hy sinh quyền lợi của mình cho lợi ích chung, mà là để người dân thấy rõ quyền lợi, nghĩa vụ của mình và tham gia giải quyết hài hòa lợi ích chung và riêng.

Có hai nguyên tắc để xác định quyền lợi và nghĩa vụ của người dân. Một là, về tài chính có một nguyên tắc có tính đạo lý là: “Ai được hưởng lợi thì phải trả tiền”. Mọi người cần hiểu chính quyền đô thị về nguyên tắc là không có tiền (không vụ lợi), nhưng có nhiệm vụ phải huy động tiền từ xã hội (từ dân) để phục vụ lại dân theo nguyên tắc tài chính này. Hai là, chính quyền phải thực hiện nhiệm vụ chức năng chăm lo cho người nghèo. Trong cuộc cạnh tranh mạnh được yếu thua của kinh tế thị trường, bao giờ cũng tồn tại tầng lớp dân nghèo do bị thua thiệt trong cạnh tranh; các giải pháp quản lý của Nhà nước đều phải chú ý tới người nghèo.

Trên cơ sở hai nguyên tắc đó, chính quyền cần xác định rõ vai trò của nhân dân trong chương trình CTĐT. Nhà nước cần đảm bảo về quy hoạch, chính sách, pháp luật và chỉ đầu tư CTĐT hệ thống hạ tầng chung. Hạ tầng đô thị tại các khu ở cộng đồng dân cư tại đó phải lo. Ví dụ, đối với các dự án khu đô thị mới, khi mua nền để xây nhà, người mua đã trả tiền cho toàn bộ cơ sở hạ tầng của dự án. Vậy thì đối với các khu vực cải tạo khu ở, người dân cũng cần đóng góp đủ để cải tạo hệ thống hạ tầng trong nội bộ khu ở. Mức độ chỉnh trang như thế nào (hay là mục tiêu cụ thể của mỗi dự án) tùy theo nguyện vọng và khả năng của nhân dân ở các khu đô thị cần chỉnh trang đó. Nhà nước chỉ cần hỗ trợ về quy hoạch, chính sách và tổ chức cộng đồng dân cư thực hiện chỉnh trang theo nguyện vọng của nhân dân.

° Mấu chốt của việc lập chương trình CTĐT là xác định được các chương trình con và các dự án ưu tiên để đột phá, theo ông, bằng cách nào để thực hiện việc này?

° Theo tôi biết hiện nay có hai cách tiến hành tốt nhất có thể giúp tránh được ý chí chủ quan. Một là, thực hiện phân tích chiến lược chủ đề cải tạo CTĐT. Thực hiện quy trình phân tích chiến lược này có thể xác định được chương trình hành động và các dự án ưu tiên để thực hiện mục tiêu CTĐT. Đây là một phương pháp quy hoạch chiến lược hiện nay đã được áp dụng khá rộng rãi trên thế giới. Hai là, phân khu vực quản lý, đây là một loại quy hoạch để quản lý quy hoạch đô thị. Trong một phạm vi được xác định của TP có thể có các loại khu vực, như: (1) khu ổn định quy hoạch; (2) khu cải tạo đô thị; (3) khu phát triển mới; (4) khu nông nghiệp ổn định; (5) khu dự trữ phát triển; (6) khu hạn chế xây dựng. Dựa vào các quy chuẩn về quy hoạch đô thị để xác định ranh giới các khu vực này và qua đó nhận ra nơi nào cần chỉnh trang nhất. Cả hai phương pháp trên đều cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa các nhà tư vấn quy hoạch, chính quyền địa phương và người dân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

NGUYỄN KHOA - LƯƠNG THIỆN

Tin cùng chuyên mục