Chương trình phổ thông mới sẽ không còn cắt khúc, chồng lấn

Như tin đã đưa, chiều 5-8, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) tổng thể để lấy ý kiến toàn xã hội với rất nhiều nội dung mới. Thời gian lấy ý kiến kết thúc trước ngày 21-9. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển (ảnh) đã trao đổi với báo chí làm rõ thêm về dự thảo CT GDPT mới này.
Chương trình phổ thông mới sẽ không còn cắt khúc, chồng lấn

Như tin đã đưa, chiều 5-8, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) tổng thể để lấy ý kiến toàn xã hội với rất nhiều nội dung mới. Thời gian lấy ý kiến kết thúc trước ngày 21-9. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển (ảnh) đã trao đổi với báo chí làm rõ thêm về dự thảo CT GDPT mới này.

° Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, khái quát thì CT GDPT mới lần này có gì khác trước?

° Thứ trưởng NGUYỄN VINH HIỂN: Chương trình cũ có phần chung giống như nhập môn, nhập đề, nhưng chương trình mới viết thẳng thành “CT GDPT tổng thể”. Tổng thể được hình dung là kế hoạch chung của cả GDPT từ lớp 1 đến lớp 12. Theo đó, các chương trình bộ môn sẽ theo chương trình tổng thể để đảm bảo các bộ môn sẽ hài hòa với nhau, thống nhất từ cấp dưới lên cấp trên, các môn học được thống nhất với nhau (nội dung, kế hoạch, thời gian thực hiện). Chương trình tổng thể sẽ khắc phục được nhược điểm của chương trình cũ là cắt khúc, chồng lấn nhau, dạy lại môn.

Theo Nghị quyết của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, không chỉ GDPT mà cả nền giáo dục chúng ta chuyển từ coi trọng kiến thức sang phát triển phẩm chất năng lực trên cơ sở trang bị kiến thức. Phải có kiến thức nền tảng, phải có kiến thức cơ bản thì mới phát triển được phẩm chất năng lực. Trong chương trình cũ cũng không đặt ra yêu cầu cụ thể của phẩm chất, năng lực từng cấp học tới đâu. Lần này phải đặt ra cho từng cấp học: hết tiểu học là gì, hết THCS, THPT năng lực đạt được là gì...?

° Vậy mục tiêu chương trình của từng cấp học được xác định như thế nào trong chương trình mới?

° Trong mục tiêu chương trình cấp học, học sinh có tiềm năng gì sẽ phát huy được tiềm năng đó. Mục tiêu của chương trình cũ không nói rõ và lần này sẽ nói rõ hơn. Cụ thể, lần này tiểu học chủ yếu là đọc thông, viết thạo, kỹ năng sẽ hình thành thói quen trong học tập và sinh hoạt; định hướng các em những giá trị về gia đình, về quê hương nhưng phạm vi hẹp và mức độ thấp hơn. Ở THCS sẽ cao hơn, không còn là đọc thông, viết thạo nữa, mà là “kiến thức phổ thông nền tảng”. Từ đây, bắt đầu hình thành ra được khả năng tự học. Các em biết tự điều chỉnh bản thân mình theo những giá trị, đạo đức chuẩn mực của xã hội. Ở THPT còn cao hơn nữa, kiến thức phổ thông ở đây đã được định hướng theo những ngành nghề khác nhau. Định hướng này giúp học sinh có khả năng học và chọn nghề. Ở bậc học này sẽ hình thành phương pháp tự học, đây là trách nhiệm nghĩa vụ, quyền lợi công dân.

° Học sinh Việt Nam đi thi quốc tế được thế giới đánh giá cao. Tuy nhiên, năng lực giao tiếp, năng lực giải quyết vấn đề lại kém hơn học sinh các nước. Vấn đề này sẽ được khắc phục thế nào trong CT GDPT mới?

° Chương trình mới sẽ tạo cho học sinh năng động hơn, có tư duy độc lập, có khả năng phát hiện giải quyết vấn đề, có khả năng làm việc theo nhóm. Vì vậy, về mặt thiết kế CT GDPT lần này, ngoài các môn học tiếp tục phát huy thì có yêu cầu là tăng cường hoạt động xã hội (có hướng dẫn, hoạt động hướng tới những sáng tạo, hướng tới những trải nghiệm). Chương trình cũ cũng có tính trải nghiệm như ngoài giờ lên lớp thì có các hoạt động đoàn, đội… Chương trình mới có ngoại khóa, có thể thiết kế theo chương trình học, thiết kế theo nội dung giáo dục, mục tiêu giáo dục. Những loại thiết kế này sẽ do nhà trường phổ thông lựa chọn giảng dạy và có quy định thời gian cho các hoạt động này. Như vậy, CT mới coi trọng hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

° CT GDPT mới xác định hệ thống GDPT 12 năm với 2 giai đoạn: giáo dục cơ bản (tiểu học, THCS) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (THPT). Vậy việc sự khác biệt của 2 giai đoạn này là gì?

° Liên quan tới hai giai đoạn này là phương pháp dạy tích hợp và phân hóa. Tích hợp là học sinh có khả năng vận dụng tổng hợp kiến thức giải quyết vấn đề. Còn phân hóa là dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh, phát huy cao nhất khả năng của học sinh. Muốn phát huy được năng lực riêng của từng người thì phải dạy học phân hóa. Tinh thần chung là tích hợp mạnh ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên.

° Cảm ơn Thứ trưởng!.

PHAN THẢO


Học sinh bắt buộc học những môn gì?

Theo dự thảo chương trình, các môn học ở cả 3 cấp học được chia thành môn học bắt buộc và môn học tự chọn. Các môn học tự chọn gồm 3 loại: Tự chọn tùy ý (học sinh có thể chọn hoặc không chọn - TC1); tự chọn trong nhóm môn học (học sinh buộc phải chọn một hoặc một số môn học trong nhóm môn học theo quy định trong chương trình - TC2); tự chọn trong môn học (học sinh buộc phải chọn một số nội dung trong một môn học - TC3). Tỷ lệ môn học tự chọn hoặc nội dung học tự chọn tăng dần từ lớp dưới lên lớp trên.

Cụ thể, ở tiểu học, các môn bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Thể dục, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta (lớp 1, 2, 3), Tìm hiểu tự nhiên (lớp 4, 5), Tìm hiểu xã hội (lớp 4, 5). Ngoài các môn bắt buộc, học sinh được tự chọn tùy ý: Ngoại ngữ 2, Tiếng dân tộc; tự chọn trong môn học gồm: Kỹ thuật - Tin học, Thể thao, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Ở THCS, học sinh phải học bắt buộc các môn: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Thể dục, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội. Ngoài ra, học sinh được tự chọn tùy ý: Ngoại ngữ 2, Tiếng dân tộc, Nghiên cứu khoa học kỹ thuật (lớp 8, 9); tự chọn trong môn học, gồm: Công nghệ, Tin học, Thể thao, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Giai đoạn định hướng nghề nghiệp (cấp THPT) có 4 môn bắt buộc: Ngữ văn 1, Toán 1, Công dân với Tổ quốc, Ngoại ngữ 1. Đồng thời, được tự chọn các môn học (từ lớp 10) và chuyên đề học tập (từ lớp 11), trong đó có những chuyên đề riêng về hướng nghiệp. Tự chọn tùy ý gồm nghiên cứu khoa học kỹ thuật, Ngoại ngữ 2. Tự chọn trong nhóm môn học gồm 4 môn (lớp 10, 11) và 3 môn (lớp 12) trong các môn: Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn 2, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Toán 2, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội. Nếu chọn môn Khoa học xã hội thì không chọn các môn Lịch sử, Địa lý. Nếu chọn Khoa học tự nhiên thì không chọn các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học. Các môn Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên chỉ học ở lớp 10 và lớp 11. Tự chọn trong môn học (TC3): Thể thao, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo (lớp 10, 11, 12) và Chuyên đề học tập (lớp 11, 12).

Bộ GD-ĐT nêu rõ, CT GDPT mới có 8 lĩnh vực giáo dục, bao gồm: Ngôn ngữ và văn học; Toán học; Đạo đức - Công dân; Thể chất; Nghệ thuật; Khoa học tự nhiên; Khoa học xã hội; Công nghệ - Tin học. Mỗi lĩnh vực đều xác định môn học cốt lõi. Ví dụ, lĩnh vực giáo dục ngôn ngữ và văn học thì Tiếng Việt/Ngữ văn, Ngoại ngữ và Tiếng dân tộc có vai trò chủ đạo. Ở lĩnh vực giáo dục Toán học được thực hiện ở nhiều môn học như Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học... thì môn Toán là môn học cốt lõi.

P.T

Tin cùng chuyên mục