Chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường”: Cùng nông dân nỗ lực vượt khó

Vào những ngày cuối tháng 6, chúng tôi trở lại thăm gia đình anh Nguyễn Văn Thả, ngụ ấp Bình Thủy, xã Bình Quới, huyện Châu Thành, tỉnh Long An sau gần 2 năm anh tiếp nhận nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường”. Nhìn ngôi nhà khá khang trang và khuôn mặt rạng rỡ của anh chị, chúng tôi thật vui vì biết rằng sự hỗ trợ của chương trình đã giúp ích cho người dân, giúp họ vượt qua những khó khăn của cuộc sống để có thể chăm lo cho con cái nên người. 
Chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường”: Cùng nông dân nỗ lực vượt khó

Vào những ngày cuối tháng 6, chúng tôi trở lại thăm gia đình anh Nguyễn Văn Thả, ngụ ấp Bình Thủy, xã Bình Quới, huyện Châu Thành, tỉnh Long An sau gần 2 năm anh tiếp nhận nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường”. Nhìn ngôi nhà khá khang trang và khuôn mặt rạng rỡ của anh chị, chúng tôi thật vui vì biết rằng sự hỗ trợ của chương trình đã giúp ích cho người dân, giúp họ vượt qua những khó khăn của cuộc sống để có thể chăm lo cho con cái nên người. 

Ngôi nhà khang trang của gia đình anh Nguyễn Văn Thả

Ngôi nhà khang trang của gia đình anh Nguyễn Văn Thả

Tiếp khách trong ngôi nhà vừa được tu sửa lại kiên cố cách nay một tháng, anh Thả kể: “Tại thời điểm năm 2010, gia đình tôi rất khó khăn. Nhà có 4 miệng ăn nhưng chỉ có 2 công ruộng ba vụ, mỗi vụ thu hoạch được khoảng 5 triệu đồng nhưng trừ hết chi phí thì chẳng còn lại bao nhiêu. Bản thân mình lúc đó bị bệnh bao tử phải nằm viện, một mình vợ tôi vừa chăm sóc cho chồng vừa tranh thủ chạy về nhà lo cho con. Lúc đó nhà thiếu trước hụt sau nên phải vay mượn tiền trong dòng họ, hàng xóm để chữa bệnh và có cái ăn lây lất qua ngày. Nhiều lúc khó khăn quá cũng muốn cho con nghỉ học đi làm phụ giúp gia đình nhưng nhìn con ham học thì lại không nỡ. Lúc hết bệnh tôi đi xin làm bảo vệ cho công ty gần nhà với đồng lương gần 2 triệu mỗi tháng để góp vô trả nợ và phụ vợ lo cho con ăn học”.

Thông qua Hội Nông dân huyện Châu Thành, anh Thả được tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ của chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường”. Từ 10 triệu đồng tiền vay không lãi suất trong 2 năm và sản phẩm thức ăn gia súc gia cầm tài trợ của chương trình, gia đình anh Thả đã gầy giống 2 con heo nái. Lứa heo đầu tiên đẻ được 20 con nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì dịch bệnh đã làm chết hết một nửa. Số heo còn lại được anh chị chăm sóc cẩn thận nên sau hơn ba tháng, đàn heo đạt gần 100 ký/con và bán được 46 triệu đồng - một số tiền được xem là rất lớn đối với gia đình anh lúc bấy giờ. Cũng nhờ số tiền này mà anh chị đã trả bớt nợ, có vốn để tiếp tục việc chăn nuôi.

Dẫn chúng tôi tham quan ngôi nhà, chị Nguyễn Thị Hạnh, vợ anh Thả, tâm sự: “Nhớ lại hồi đó nhà nghèo, mái dột cột xiêu không có tiền sửa nên phải qua nhà ba mẹ xin lá dừa nước rồi vợ chồng, con cái lại hì hục chở về để lợp mái. Bây giờ, làm được cái nhà này, gia đình tôi mừng hết sức, tổng cộng hết gần 50 triệu nhưng đó là cả một gia tài mà chưa bao giờ tôi dám mơ ước”. Khi được hỏi tại sao lúc đó nhà khó khăn như vậy mà anh chị vẫn quyết tâm cho con ăn học, chị trầm ngâm: “Vợ chồng tôi cũng không nghĩ được gì nhiều, chỉ thấy mình vì thất học mà phải làm lụng cực khổ nên dù khó khăn mấy cũng phải ráng cho con học lấy cái chữ đặng kiếm một cái nghề cho nhàn tấm thân. Với lại 2 con cũng ngoan, biết thương cha mẹ nghèo khó mà chịu khó học giỏi chứ không chơi bời lêu lỏng nên mình cũng có động lực để cố gắng”. Từ tình thương của cha mẹ cộng với nỗ lực của bản thân, người con lớn của anh chị giờ đã tốt nghiệp cao đẳng và làm việc tại công ty chuyên về xe máy với đồng lương ổn định, có thể phụ giúp gia đình và lo cho em đang học tại Đại học Tài chính-Ngân hàng.

Theo anh Thả, ngoài việc nuôi heo nái, anh còn nhận nuôi heo thịt mướn từ các trang trại với thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Cộng tất cả các nguồn thu, giờ đây gia đình đã đủ cái ăn, có thể yên tâm lo cho người con còn lại học hết chương trình đại học và vui nhất là anh có thể trả hết số nợ 10 triệu của chương trình vào tháng 10 tới. “Gia đình tôi có được như ngày hôm nay là nhờ vào sự hỗ trợ kịp thời của Công ty GreenFeed. Nguồn vốn vay không chỉ giúp gia đình bớt khó khăn mà còn là động lực để tôi vượt khó thay đổi cuộc sống. Bên cạnh lòng biết ơn của tôi là sự cảm kích về một doanh nghiệp không chỉ biết kinh doanh mà còn san sẻ lợi nhuận để giúp nông dân thoát nghèo, nhờ đó con em chúng tôi có được tương lai tươi sáng hơn”.

Được biết, “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” là chương trình thực hiện theo định hướng “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi Trẻ, do Công ty GreenFeed tài trợ và thực hiện cùng với báo Tuổi Trẻ, các hội nông dân và tỉnh Đoàn các tỉnh. Trong giai đoạn I (2010- 2012), chương trình đã tài trợ nguồn vốn hơn 3 tỷ đồng cho 240 hộ nông dân ở 4 tỉnh Long An, Bình Định, Hưng Yên và Đồng Nai để phát triển kinh tế, có đủ khả năng tài chính giúp cho con em có thành tích học tập khá, giỏi và xuất sắc được tiếp tục đến trường. Tại tỉnh Long An, chương trình đã trao 700 triệu đồng cho 60 hộ nông dân, trong đó: 600 triệu đồng bằng tiền mặt theo hình thức vốn vay không lãi suất và 100 triệu đồng bằng sản phẩm thức ăn chăn nuôi gia súc gia cầm của GreenFeed (không hoàn lại). Từ ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chương trình, “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ trong cộng đồng nông dân, các ban ngành đoàn thể và xã hội.

Ông Trần Ngọc Chí, Tổng Giám đốc Công ty GreenFeed cho biết: “Đóng góp lợi ích cho xã hội hay chia sẻ trách nhiệm với công đồng chính là trách nhiệm mà tất cả những doanh nghiệp như GreenFeed chúng tôi luôn hướng tới để phát triển bền vững. Điều quan trọng hơn hết là chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” sẽ tạo nên những chiếc đòn bẩy giúp cho người nông dân nghèo có điều kiện cho con em ăn học thành tài. Những kiến thức học tập của các em chẳng những sẽ giúp được nhiều gia đình thoát khỏi cảnh nghèo, mà còn là nền tảng tạo nên nhiều nhân tài cho đất nước, cho xã hội. Đó cũng chính là điều mà GreenFeed mong muốn đóng góp vì sự phát triển của cộng đồng và đất nước…”

Với mong muốn tiếp tục chăm lo cho thế hệ trẻ bằng những hành động thiết thực, Ban tổ chức đã quyết định nhân rộng chương trình ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Trong giai đoạn II (năm 2012 - 2014), với tổng số vốn tài trợ lên đến 10 tỉ đồng, chương trình đã được triển khai thêm tại Bình Thuận, Bến Tre, Trà Vinh, Hà Nam và Hải Dương và đang tiếp tục triển khai tại các tỉnh Đăk Nông, Lâm Đồng, Quảng Nam, đưa tổng số hộ được cấp vốn trong giai đoạn này là 480 hộ nông dân. Theo đó mỗi hộ được hỗ trợ 12 triệu đồng tiền mặt (vốn vay không lãi suất) và thức ăn chăn nuôi của GreenFeed tương đương 2 triệu đồng (không hòan lại) để phát triển chăn nuôi và chăm lo cho con em được tiếp tục đến trường.

Thái Đăng

Tin cùng chuyên mục