Chương trình truyền hình “Lục lạc vàng”: Món quà từ lương tri và trách nhiệm

Dự án Lục lạc vàng - Kết nối những miền quê (LLV) do Công ty cổ phần truyền thông đa phương tiện LATSATA, Đài Truyền Hình Việt Nam (VTV) và TW Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đồng tổ chức khởi động từ năm 2010, đến 13-6-2011 thì lên sóng số đầu tiên. Gần 1 năm phát sóng, những người sáng lập và thực hiện dự án đã làm nên những điều kỳ diệu mà không phải chương trình nhân đạo nào cũng làm được.
Chương trình truyền hình “Lục lạc vàng”: Món quà từ lương tri và trách nhiệm

Dự án Lục lạc vàng - Kết nối những miền quê (LLV) do Công ty cổ phần truyền thông đa phương tiện LATSATA, Đài Truyền Hình Việt Nam (VTV) và TW Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đồng tổ chức khởi động từ năm 2010, đến 13-6-2011 thì lên sóng số đầu tiên. Gần 1 năm phát sóng, những người sáng lập và thực hiện dự án đã làm nên những điều kỳ diệu mà không phải chương trình nhân đạo nào cũng làm được.

Với tiêu chí “nhanh và bền vững”, các đơn vị hợp tác thực hiện dự án đã tự đặt mình trước những thách thức lớn: mỗi tuần là một số phát sóng (45 phút/số, không kể thời lượng dành cho quảng cáo thương hiệu sản phẩm tài trợ); mỗi tuần 6 cặp bò cái (12 con) được trao cho 6 hộ dân nghèo. Giá mua bò đã ở độ tuổi có thể phối giống được (cho đến thời điểm hiện tại) là khoảng 9,6 đến 10,2 triệu một con. Như vậy, mỗi số của chương trình, riêng tiền mua bò đã là 120 triệu! Không ít các đồng nghiệp từ các công ty truyền thông, hoặc đã và đang công tác cùng lĩnh vực đều ngạc nhiên trước chi phí “khủng” này của một chương trình truyền hình mà nội dung không nương tựa trên các yếu tố giải trí, hoặc kịch tính gay cấn.

Như vậy, với kinh phí trung bình của một chương trình TH có thời lượng chưa tới một giờ đồng hồ trên kênh VTV1 (20h40 tối Chủ nhật hàng tuần), thì có thể thấy những người làm chương trình đã dành phần lớn kinh phí ấy cho người nghèo. Ê kíp làm chương trình đã rất tiết liệm chi phí khi mà hầu hết những địa điểm thực hiện chương trình đều nằm ở những nơi hẻo lánh, vùng sâu vùng xa, và rải khắp từ Nam chí Bắc. Không dưới một lần, những người sáng lập và thực hiện dự án LLV đã nhận được câu hỏi: sao không hạn chế bớt số bò trao cho một hộ gia đình, ví dụ mỗi hộ chỉ trao một con như nhiều dự án khác đang làm? Hoặc mỗi nơi chỉ trao cho ba hộ thay vì 6 hộ như hiện nay? Và câu trả lời luôn là: “Chúng tôi muốn giúp được càng nhiều người nghèo càng tốt”. Mong muốn của những người làm chương trình là cộng đồng sẽ chung tay vì người nghèo, tạo thành quỹ tặng bò trên khắp cả nước.

Thực tế thì khi trao cho mỗi hộ dân một cặp bò cái, thì những người làm chương trình đang hướng tới mục tiêu giúp họ vượt nhanh khỏi cái nghèo. Cho đến nay, rất nhiều thông tin từ các hộ dân thụ hưởng lợi ích từ dự án LLV đã được gửi về, mang niềm vui lớn cho những người làm chương trình. Đó là hàng chục chú bê đã ra đời, mang lại niềm hạnh phúc lớn cho các hộ dân, giúp họ trả nợ, giúp con họ có xe đạp đến trường, hoặc giúp cha mẹ vợ con họ có cơ hội trở về từ những nơi làm ăn xa. Lục lạc vàng đã đẩy nhanh quá trình thoát nghèo cho người dân lên một năm. Thậm chí, nhiều hộ dân may mắn nhận được cặp bò đã được phối giống trước (từ nguồn cung cấp bò) thì chỉ vài tháng sau, chú bê đầu tiên đã ra đời, tương lai đã mỉm cười với họ.

Có thể nói, hạnh phúc của đoàn tụ và no ấm là mục tiêu lớn của chương trình truyền hình nhân đạo này. Cùng với đó là sự trợ giúp của các đơn vị phối hợp tại chỗ như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, cán bộ thú y, và đặc biệt là sự giám sát của lãnh đạo các xã… đã khiến những hộ nông dân được tặng bò hiểu rõ kỳ vọng của xã hội dành cho họ. Việc bảo toàn nguồn vốn ban đầu (luôn phải duy trì đủ một cặp bò trong chuồng) vừa là niềm vui, vừa là nghĩa vụ của chính họ. Và còn hơn thế, từ món quà lớn mà với nhiều hộ nông dân nghèo vốn chỉ thấy trong mơ, niềm tri ân với cộng đồng đã khiến chính những người nông dân chất phác ấy có thêm một sự thấu cảm, rằng họ có trách nhiệm đáp lại những tấm lòng hảo tâm bằng cách nỗ lực vươn lên để cùng toàn xã hội bước tới trên con đường hạnh phúc ấm no.

“Chiếc cần câu” mà dự án LLV đã mang lại cho các hộ nông dân nghèo quả đã đáp ứng được tiêu chí “nhanh và bền vững” mà những người làm chương trình luôn kỳ vọng. Đồng thời, sức lan tỏa của chương trình cũng đã được chứng minh khi ngày càng nhiều những nhà hảo tâm gửi tới Quỹ LLV những khoản tiền đôi khi không hề nhỏ. Từ vài trăm ngàn của các em nhỏ chiết ra từ tiền quà sáng tiết kiệm được, đến vài chục triệu của các đơn vị, tổ chức hoặc cá nhân ủng hộ… đã giúp LLV có điều kiện tiếp tục cuộc hành trình nhân đạo của mình. Từ tháng 1 năm 2012, có thêm một “kênh” đón nhận những đóng góp của cộng đồng dành cho Quỹ LLV do TW Hội Chữ thập đỏ cùng VTV và Công ty Truyền thông Đa phương tiện LATSATA (đơn vị sản xuất chương trình) quản lý và điều phối. Đó là tin nhắn UH gửi tới tổng đài 1409. Với mỗi tin nhắn từ những tấm lòng nhân ái, Quỹ LLV có thêm 18.000 VNĐ dành cho người nghèo thông qua việc phát triển quỹ bò.

Gần đây nhất, dự án LLV còn đặc biệt được đón nhận sự góp sức của tổ chức Mạng lưới vì cộng đồng, một tổ chức thiện nguyện của các bạn trẻ có mạng lưới rộng khắp các địa phương trên cả nước, bao gồm cả những sinh viên và người đã có vị trí xã hội nhất định (Mạng lưới vì cộng đồng là tổ chức được FPT bảo trợ). Có thể nói đây là một sự động viên vô cùng lớn đối với những người làm chương trình LLV, bởi dù mới chỉ là sự hưởng ứng tinh thần trong bước đầu hợp tác, nhưng nó đã chứng minh LLV thực sự có sức lan tỏa trong xã hội. Chắc chắn nhịp đập của những trái tim trẻ đầy nhiệt huyết trong tổ chức Mạng lưới vì cộng đồng sẽ có sức lay động lớn đến mọi trái tim trên cả nước, giúp cho tiếng reo của Lục lạc vàng có được sự cộng hưởng rộng lớn và ngân vang.

Mạc Phiên

Tin cùng chuyên mục