Khái niệm truyền hình thực tế không còn xa lạ gì với khán giả Việt trong vòng 5 năm lại đây. Sự đổ bộ ào ạt các chương trình truyền hình thực tế có phiên bản Việt Nam, trên sóng các đài truyền hình lớn; dẫn dụ mọi cảm xúc của khán giả, đôi khi lôi kéo cả giới truyền thông vào “mê trận” những cuộc cạnh tranh của chính các nhà tổ chức và quan trọng là lợi nhuận “khủng” thu về từ những chương trình này, đã khiến cho người xem ngày càng mất niềm tin vào các chương trình truyền hình thực tế hiện nay.
Bất chấp…
Với tên gọi là truyền hình thực tế, nên thời gian qua khán giả nói chung đã “ngộ nhận” cho rằng, mọi thứ diễn ra trong chương trình đều là “thực tế”. Nhưng kỳ thực, đó là thứ thực tế được cắt dựng, biên tập theo đúng ý đồ của nhà sản xuất hoặc ban tổ chức (BTC), sao cho chương trình tạo được sự gay cấn, thậm chí gây sốc càng tốt; miễn sao lôi kéo được sự theo dõi của khán giả vì lượng khán giả xem chương trình càng nhiều, càng thu hút được nhiều quảng cáo, nghĩa là tiền thu về càng “khủng”.
Điều ấy đã được chứng minh qua các chương trình đã phát sóng trong vài năm lại đây. Khi mới phát sóng một hai số đầu, số lượng các spot quảng cáo trong: Vietnam Idol, Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo, Vietnam’s Next Top Model… còn khiêm tốn, nhưng sau đó thì khán giả muốn nổi điên khi phải chờ thời lượng các spot quảng cáo chen vào giữa chương trình. Nếu cộng lại, thời gian quảng cáo bằng (hoặc trội hơn) tổng thời lượng của chương trình ấy. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã nhiều lần nhắc nhở (và cả phạt) nhà đài, vì lỗi vi phạm quá thời lượng quảng cáo trong một chương trình.
| |
Cũng nhằm mục đích lôi kéo khán giả, thu được nhiều lợi nhuận, BTC các chương trình truyền hình thực tế không ít lần làm ngơ hoặc xử lý cho có các scandal xảy ra; khiến khán giả và giới truyền thông hoang mang không biết scandal đó là do vô tình hay có sự sắp đặt. Có thể điểm qua: vụ Minh Hằng “đớp giọng” trong Bước nhảy hoàn vũ, rồi “chọn áo đỏ” trong Cặp đôi hoàn hảo, đến việc lộ clip dàn xếp kết quả trong Giọng hát Việt... Các thí sinh chửi bới, nói xấu nhau; giám khảo cứ việc nói thật sốc và “choảng” nhau chan chát; cạnh đó là những ầm ĩ của chính những người tham gia về độ khách quan, minh bạch trong kết quả chọn người ở lại và quyết định người rời khỏi cuộc chơi…. Chính vì thế, ý kiến từ nhiều khán giả cho rằng, vì lợi nhuận, BTC - nhà sản xuất bất chấp dư luận, nhà quản lý và cả thí sinh tham gia, miễn chương trình “nóng” và thu nhiều lợi nhuận.
Chỉ là “cuộc chơi”?!
Bản chất của chương trình truyền hình thực tế chỉ là một chương trình giải trí đơn thuần, là cuộc chơi vui vẻ. Vấn đề là, cuộc chơi ấy càng nhiều chiêu trò (phản cảm cũng không sao), càng nhiều ầm ĩ thì càng thu lợi (cả tiếng tăm lẫn tiền bạc). Có lẽ vì thế mà có người đã không ngại tuyên bố: “Không scandal, không chiêu trò bất thành truyền hình thực tế” và với những gì đã diễn ra thời gian qua, câu này ít nhiều phản ánh đúng thực tế. Nhưng dù là cuộc chơi cũng cần sự công bằng, sòng phẳng; mà truyền hình thực tế lại khó mà sòng phẳng, rạch ròi khi các chương trình buộc phải theo luật, phải có đạo diễn và cắt dựng bài bản theo đúng quy trình có gay cấn, cao trào để đẩy cảm xúc người xem đến tận cùng, cho người xem tưởng rằng họ đang được mục kích một diễn biến hoàn toàn tự nhiên.
Những người làm chương trình hiểu rõ, họ chọn ai, người ấy nói gì, ứng xử ra sao sẽ tạo được “sóng” dư luận. Thế nên đa phần đối tượng tham gia “chơi” trong các chương trình truyền hình thực tế, được khán giả chú ý, đều là những người nổi tiếng. Từ thí sinh đến thành phần ban giám khảo, huấn luyện viên. “Phải hiểu rằng, người chơi và ban giám khảo đều là diễn viên của chương trình ấy, nhằm tạo cho chương trình hào hứng hơn, nhiều người theo dõi hơn” – một “sao” từng tham gia chương trình truyền hình thực tế cho biết. Đừng kỳ vọng gì ở những cuộc chơi ấy, cứ nghĩ đơn giản chơi cho vui và cũng là cách để đôi bên cùng có lợi – nhà sản xuất được tiếng được tiền, thì người chơi cũng được như vậy. Nghĩ được thế, người chơi sẽ không buồn, không sốc khi biết rõ những sắp xếp của BTC”.
Nhưng không thể nghĩ vì chương trình truyền hình thực tế là cuộc chơi, là chương trình thuần giải trí rồi BTC muốn làm gì thì làm. Các chương trình truyền hình thực tế phiên bản Việt Nam vốn không thể hoàn toàn phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán người Việt; nên cũng không thể áp dụng tuyệt đối các “chiêu trò” mà kịch bản gốc cho phép. Và cũng không thể vì lợi nhuận mà sẵn sàng đối đầu dư luận… Mới đây, việc chương trình Giọng hát Việt mời nhạc sĩ Phương Uyên - người từng dính scandal lộ việc dàn xếp kết quả Giọng hát Việt mùa đầu tiên và buộc phải rút lui khỏi vị trí này, tiếp tục vào vai trò giám đốc âm nhạc, đã khiến dư luận không ngần ngại cho rằng: BTC quyết đối đầu, bất chấp dư luận để tạo sự chú ý của khán giả ngay khi mùa thứ 2 Giọng hát Việt khởi động.
Giờ đây, với hàng loạt tai tiếng vấp phải, truyền hình thực tế ngày càng nhạt nhẽo, xuống cấp và mất điểm trong mắt người xem. Khán giả không còn tin vào sự trung thực, vào kết quả và diễn biến diễn ra trong các chương trình. Rồi sẽ đến lúc, thí sinh (cả người bình thường lẫn người nổi tiếng) có tự trọng, sẽ băn khoăn không muốn tham gia vì không muốn mình là con rối hay quân cờ; hoặc không muốn nổi tiếng bằng mọi giá - tự biến mình thành trò hề trên truyền hình. Không có người nổi tiếng tham gia, không có chiêu trò, dần dần bị khán giả chán ngán, liệu truyền hình thực tế có thoái trào?!
TÀI HUYNH