Chuyện cũ?

Lại một lần nữa Cục Điện ảnh Việt Nam “lập được thành tích” khi đưa phim truyền thống cách mạng ra rạp chiếu. Đó là việc đưa phim Mùi cỏ cháy chiếu ở hệ thống rạp chiếu công cộng. Sau một tuần với 5 suất chiếu mỗi ngày, rạp Đống Đa (quận 5, TPHCM) đạt doanh thu khoảng 5 triệu đồng (?!). Mỗi suất chiếu chỉ có khoảng trên dưới 10 người xem, có suất chỉ 2 người nhưng rạp vẫn không hủy suất, ngay cả những ngày cuối tuần như tối thứ bảy rạp cũng chỉ bán được 22 vé. Có thể nhìn thấy đó là một cố gắng, dù trong vô vọng, của Công ty Điện ảnh TPHCM, nghĩa là chấp nhận lỗ nặng nhưng vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.

Rất nhiều khán giả thành phố đã hoàn toàn không biết gì về sự hiện diện của bộ phim Mùi cỏ cháy trong dịp lễ 30-4 năm nay. Những năm trước, mỗi khi muốn đưa một phim truyền thống cách mạng ra rạp chiếu, Công ty Phát hành phim Việt Nam đều tổ chức họp báo cả hai đầu Nam, Bắc và coi như đó là cách tiếp thị duy nhất cho một bộ phim do hãng phim nhà nước sản xuất. Nhưng năm nay, dường như việc đó cũng đã trở thành xa xỉ, báo chí phía Nam thậm chí muốn biết thông tin về địa điểm chiếu phim Mùi cỏ cháy phải gọi điện hỏi khắp các cơ quan có trách nhiệm để đưa tin, và tất nhiên không phải tờ báo nào cũng chịu khó làm điều ấy.

Vì vậy, không khó hiểu khi có khá nhiều khán giả dù rất muốn được xem phim Mùi cỏ cháy, một bộ phim cách mạng vừa đoạt giải Bông sen bạc Liên hoan phim VN 17 và Cánh diều vàng 2011, mới vừa được vinh danh khắp nước trên sóng truyền hình nhưng khi phim lẳng lặng kết thúc một tuần chiếu, người ta mới hay tin. Kể cũng lạ, có lẽ từ trước đến nay chưa có nước nào chỉ biết quăng tiền đầu tư mà không cần biết đến hiệu quả của nó như ở nước ta.

Thiết bị máy móc cũng vậy mà những bộ phim lớn do nhà nước đầu tư cũng vậy. Dám bỏ ra vài chục tỷ đồng đầu tư nhưng khi phim hoàn thành, được đem chiếu ở đâu, bao nhiêu người xem thì không ai trả lời nổi. Phim ra rạp một cách âm thầm, có nơi chỉ chiếu được hai ngày thì dẹp. Nhiều người muốn xem phim cũng không biết nó đang chiếu ở đâu, khi nào thì chiếu. Vậy thì bộ phim ấy sẽ có tác dụng gì với công chúng? Mà chuyện này đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” của giới điện ảnh, như là một “đặc điểm nổi bật” của điện ảnh VN, làm phim nhưng không cần bộ phim có đến được với người xem hay không?

Tôi tự hỏi vì sao tư nhân có thể bỏ tiền tỷ ra để quảng cáo cho bộ phim của họ còn nhà nước thì không thể. Câu trả lời sẽ rất rõ ràng nhưng không kém phần chua xót, là vì đối với tư nhân đó là tiền từ trong túi họ rút ra, họ bằng mọi cách phải lấy lại. Còn phim do nhà nước bỏ tiền đầu tư có lấy lại được hay không thì không thuộc trách nhiệm của ai. Tiền của nhà nước thực sự là tiền của nhân dân. Nhưng nói đến nhân dân thì bao hàm nghĩa quá chung chung. Vì vậy nên cuối cùng chẳng ai thấy tiếc và có trách nhiệm cả…

Nhưng vấn đề ở đây không phải chỉ là chuyện kinh tế mà thuộc về quan điểm chính trị. Những giọt máu thiêng của cả một dân tộc mà không được nuôi dưỡng và truyền vào những thế hệ nối tiếp, nghĩa là ta đã tự chặt đứt mạch sống của chính cơ thể mình. Đất nước nào cũng có mạch nguồn truyền thống và lòng tự hào dân tộc, nếu anh không biết nhen lên và gìn giữ ngọn đuốc trên bàn thờ thiêng của Tổ quốc, nghĩa là anh đã tự hủy hoại cả mầm sống tương lai của dân tộc anh.

Mầm sống ấy chính là lý tưởng sống của cả một lớp trẻ đang làm chủ đất nước này, một lớp trẻ hừng hực sức sống nhưng nếu không được vun trồng từ gốc thì hệ quả tương lai ai có thể lường trước được gì với những thế hệ trẻ chông chênh chỉ còn lý tưởng sống duy nhất là đồng tiền và sự thực dụng…

Ngô Ngọc Ngũ Long

Tin cùng chuyên mục