Chuyển đất lúa sang trồng rau ăn quả

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác đã nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Khổ qua là loại rau ăn quả được nhiều người tiêu dùng lựa chọn cho bữa ăn hàng ngày
Khổ qua là loại rau ăn quả được nhiều người tiêu dùng lựa chọn cho bữa ăn hàng ngày
 Minh chứng là cánh đồng rau VietGAP được chuyển đổi từ diện tích đất lúa kém hiệu quả tại ấp Trung Hiệp Thạnh (xã Trung Lập Thượng, Củ Chi) ra đời vào đầu năm 2014, với diện tích từ 15ha ban đầu nay đã tăng lên 40ha, số lượng hội viên đã phát triển từ 14 lên gần 40 hộ. Một trong những trường hợp đạt được kết quả tốt là hộ anh Nguyễn Văn Nghĩa. 
Anh Nghĩa kể, trước năm 2012, anh vào nội thành làm công nhân. Công việc xa nhà, thu nhập lại bấp bênh nên đầu năm 2013, anh về nhà làm ruộng; với 4.000m2 đất, mỗi vụ sản xuất lúa gia đình anh lãi khoảng 5 triệu đồng. Qua học hỏi kinh nghiệm, anh Nghĩa biết được trường hợp anh Thành - một trong những nông dân sản xuất giỏi của xã, trồng khổ qua trên diện tích 4.000m², lợi nhuận mỗi vụ thu được gấp đôi so với trồng lúa. Anh Nghĩa liền “làm thử” trên 1.000m² đất. Kết quả, mỗi vụ anh lãi được 8 triệu đồng, trong khi 3.000m² diện tích đất còn lại trồng lúa, anh chỉ lãi 4 triệu đồng. 
Năm 2014, anh Nghĩa tham gia các lớp tập huấn sản xuất rau VietGAP do Trung tâm Khuyến nông TP tổ chức. Nhận thấy việc sản xuất rau theo quy trình VietGAP mang lại lợi nhuận cao hơn so với cách trồng truyền thống, đồng thời tạo ra sản phẩm an toàn, góp phần bảo vệ môi trường, anh Nghĩa đăng ký tham gia mô hình trình diễn sản xuất rau ăn quả theo quy trình VietGAP, trở thành thành viên của tổ rau VietGAP Trung Hiệp Thạnh. Anh Nghĩa nhớ lại: “Ban đầu, sản phẩm làm ra chủ yếu tiêu thụ ở các chợ đầu mối, giá cả không ổn định và luôn phụ thuộc vào thương lái... Đến đầu năm 2015, cơ quan khuyến nông và chính quyền địa phương hỗ trợ giới thiệu Hợp tác xã Nhuận Đức và Phú Lộc đến ký kết tiêu thụ rau ăn quả theo hợp đồng với các thành viên trong tổ rau”. 
Thông qua việc ký kết buôn bán theo hợp đồng, sản phẩm rau đã tìm được đầu ra và người nông dân được hưởng nhiều quyền lợi. Như về giá cả, sản phẩm làm ra được thu mua với giá thỏa thuận ngay từ đầu vụ sản xuất. Bên cạnh đó, hợp đồng còn có hướng mở, khi giá thị trường xuống thấp, đơn vị tiêu thụ vẫn mua theo giá hợp đồng đã ký, còn khi giá sản phẩm rau trên thị trường tăng, đơn vị thu mua hỗ trợ thêm cho nông dân với một giá cố định, tùy theo chủng loại. Hoặc về chủng loại, sản phẩm, các thành viên trong tổ rau an tâm sản xuất vì có kế hoạch cụ thể của từng thành viên sản xuất như về chủng loại rau, diện tích của vụ tiếp theo… theo hợp đồng tiêu thụ toàn bộ sản phẩm từ đầu vụ đến cuối vụ của đơn vị thu mua. “Với những lợi ích như vậy, tôi đã mạnh dạn đăng ký bán khổ qua cho Hợp tác xã Nhuận Đức và chuyển đổi hết 3.000m² đất còn lại sang trồng khổ qua. Mỗi vụ tôi lãi được 40 triệu đồng/4.000m² ”, anh Nghĩa kể thêm.

Tin cùng chuyên mục