Chuyển dịch cơ cấu kinh tế TPHCM: Tăng tinh, giảm thô

Theo Cục Thống kê TPHCM, từ năm 2006 đến nay, ngành công nghiệp - thương mại trên địa bàn phát triển nhanh và hiệu quả hơn so với các giai đoạn trước. Đáng chú ý, cơ cấu CN của TPHCM tiếp tục chuyển biến tích cực, theo đúng định hướng Đại hội Đảng bộ TP lần thứ IX đề ra.

(SGGP).- Theo Cục Thống kê TPHCM, từ năm 2006 đến nay, ngành công nghiệp - thương mại trên địa bàn phát triển nhanh và hiệu quả hơn so với các giai đoạn trước. Đáng chú ý, cơ cấu CN của TPHCM tiếp tục chuyển biến tích cực, theo đúng định hướng Đại hội Đảng bộ TP lần thứ IX đề ra.

Trong đó, các ngành CN đang được cơ cấu lại, hướng vào các ngành có hàm lượng khoa học công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn; giảm thâm dụng lao động, ô nhiễm môi trường. Qua 6 năm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, 4 ngành CN trọng yếu thu hút trên 24.300 doanh nghiệp thành lập mới; tăng 2,3 lần so 2001-2005 và chiếm 45,5% số doanh nghiệp sản xuất mới thành lập. Các ngành công nghệ, kỹ thuật cao cũng tăng trưởng mạnh. Công nghệ thông tin chiếm khoảng trên 40% so cả nước, tốc động tăng trưởng giai đoạn 2006-2011 bình quân khoảng 45%/năm.

Năm 2012, dù tình hình kinh tế rơi vào “đáy” của khó khăn, song doanh thu từ công nghệ thông tin  ước đạt 86.000 tỷ đồng, tăng 63%. Trong đó, phần mềm đạt 8.000 tỷ, phần cứng đạt 78.000 tỷ đồng, tăng 90%. Riêng Khu Công nghệ cao đã thu hồi đất lũy kế đạt 776 ha/801 ha đạt 97%, đến nay có 68 dự án được cấp phép với tổng vốn đầu tư gần 2,2 tỷ USD, giá trị sản xuất cả năm đạt 2,15 tỷ USD, xuất khẩu đạt 2,1 tỷ USD (cùng kỳ 1 tỷ USD). Công viên phần mềm Quang Trung doanh thu trong nước năm 2012 đạt 1.030 tỷ đồng, doanh thu xuất khẩu đạt 50,7 triệu USD. Tại các KCX-KCN hiện có trên 1.000 dự án, thu hút gần 5 tỷ USD đã đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hơn 250 ngàn lao động (chiếm 20% lao động toàn ngành), chiếm 12,5% kim ngạch xuất khẩu của thành phố.

TP đang củng cố lại các ngành truyền thống để phát triển theo hướng gia tăng, mang lại giá trị xuất khẩu cao và chuyển dịch dần ra các khu quy hoạch, vùng phụ cận để phối hợp các tỉnh giải quyết việc làm cho một phần lớn lao động tại chỗ. Việc chuyển dịch giữa các thành phần kinh tế diễn ra theo đúng định hướng, trong đó thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vào đầu tư, phát triển CN. Kinh tế nhà nước được sắp xếp, cổ phần hóa, nhà nước chỉ nắm giữ chi phối những ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.

Sau 6 năm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, TPHCM hiện có hơn 300.000 cơ sở thương mại, 243 chợ, 163 siêu thị, 26 trung tâm thương mại, 500 cửa hàng tiện ích và 2.310 văn phòng đại diện nước ngoài; 86.000 cơ sở CN; 15 KCX-KCN với diện tích 5.620 ha và 1 khu công nghệ cao, 1 công viên phần mềm Quang Trung; 8 cụm CN. Dự kiến đến 2015, TP có thêm 7 KCN, 20 cụm CN đã được Chính phủ phê duyệt. Bình quân hàng năm TPHCM có trên 3.500 cơ sở sản xuất CN lập mới, giải quyết việc làm cho khoảng hơn 1,2 triệu lao động. Cơ cấu kinh tế TP phân hóa rõ nét theo chiều hướng “tăng tinh giảm thô” với lĩnh vực TM DV đạt 58,4%; CN xây xựng 40,6%, NN 1%. So với cả nước: công nghiệp - thương mại TPHCM chiếm khoảng 25% về tỷ trọng, còn so với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, CN chiếm 43%, TM chiếm 50% tỷ trọng. 

L.PHONG

Tin cùng chuyên mục