Trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp TPHCM ngày càng giảm (từ 2006 đến 2010 giảm hơn 11.200ha), diện tích đất nông nghiệp lại manh mún. Trong khi chỉ tiêu đặt ra phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng bình quân 5%/năm thật sự là yêu cầu khó khăn. Việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất, từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp đô thị, dựa trên diện tích nhỏ nhưng vẫn tạo ra giá trị lớn là một yêu cầu bức thiết.
Xuất hiện những làng nghề
150 triệu đồng là giá trị của một hécta đất nông nghiệp ở TPHCM tạo ra trong năm 2010, năm 2009 là 138 triệu đồng/ha/năm, con số này 5 năm trước chỉ vài chục triệu đồng/ha/năm. Qua đó thấy rằng, nền nông nghiệp đô thị TP đã có sự tăng trưởng ổn định ở mức cao so với cả nước dù áp lực diện tích đất nông nghiệp giảm dần qua từng năm.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Trung Tín nhấn mạnh, mô hình sản xuất phù hợp với nền nông nghiệp đô thị đã có. Vấn đề là làm sao nhân rộng và nhất thiết phải liên kết các mô hình này thành một kiểu làng nghề để tạo ra lượng hàng hóa lớn, đáp ứng được yêu cầu của thị trường cả về số lượng và chất lượng, kể cả vấn đề xây dựng thương hiệu.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP, hiện đã xuất hiện làng nghề cá cảnh ở quận 12, với hạt nhân là cơ sở nuôi cá cảnh Châu Tống và các vệ tinh gồm những hộ nuôi gia công. Cơ sở Châu Tống tìm đầu ra sản phẩm cá cảnh cho “cả làng”, sau đó tập huấn cho các hộ nuôi. Cá cảnh một phần để xuất khẩu sang các nước, nhất là Mỹ. Một làng nghề non trẻ khác là làng cá sấu Sài Gòn, cũng ở quận 12. Đó là sự hợp tác giữa Công ty Cá sấu Hoa Cà với Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Lộc cùng nuôi, chế biến các món ăn độc đáo từ cá sấu. Làng nghề được hình thành nhiều hộ nuôi gia công và sử dụng lao động trẻ trong khu vực để tạo ra những sản phẩm thủ công đặc trưng từ da cá sấu. Hiện nay, làng nghề đang là điểm đến không thể thiếu của khách du lịch, đặc biệt là người nước ngoài khi đến TP muốn tìm nơi thú vị, độc đáo.
Một mô hình liên kết khá thú vị khác là làng du lịch sinh thái với vườn cây ăn trái dọc theo sông Sài Gòn ở xã Trung An, huyện Củ Chi. Trước đây khu vực này gần những nhà vườn trồng cây ăn trái đơn thuần để bán, nay trở thành nơi đến của không ít khách tham quan, vui chơi, ăn uống… Mô hình rau an toàn xuất hiện khá nhiều HTX, nơi liên kết các hộ trồng lại để tìm đầu ra nhưng sự phát triển ổn định ở các HTX này chưa có. Thậm chí có HTX gần như phá sản. HTX Chăn nuôi heo Tiên Phong là nơi tập hợp của những chủ trại nuôi heo thuộc tầng lớp khá, có trình độ, vốn, tay nghề cùng nuôi heo sạch. Rất tiếc, những mô hình này không phải lúc nào cũng có thể nhân rộng, nhưng qua đó cho thấy, hướng đi đã có, vấn đề là rút ra những thất bại để có cách làm phù hợp trong thời gian tới.
Âm thầm nhưng hiệu quả
Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM, hội lồng ghép các nội dung chuyển dịch cơ cấu vào các phong trào và hoạt động của Hội. Hội đã tổ chức nhiều hình thức như tuyên truyền miệng, mở lớp bồi dưỡng, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, nhất là đưa nội dung vào sổ tay sinh hoạt hội. Kết quả 5 năm đã tổ chức trên 1.380 cuộc với 92.370 lượt người dự, riêng năm 2006 vận động tuyên truyền mục đích ý nghĩa của việc chuyển đổi với 276 cuộc cho gần 19.000 lượt người. Ngoài ra, hội cũng phối hợp với Sở NN-PTNT, trung tâm, chi cục thuộc sở, tổ chức 1.464 cuộc với trên 76.000 lượt hội viên nông dân tìm hiểu và tiếp cận chủ trương của TP. Hội đã cùng với ngành nông nghiệp giúp bà con chuyển đổi sản xuất, nâng cao đời sống trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp giảm hơn 11.200ha, nhưng đảm bảo tốc độ tăng trưởng đạt bình quân hơn 5%/năm, giá trị sản xuất trên diện tích đất nông nghiệp từ vài chục triệu đồng/ha/năm lên trên 150 triệu đồng/ha/năm 2010. Điều ghi nhận, ngành nông nghiệp và Hội Nông dân TP không chỉ hướng dẫn bà con trồng cây con gì mà còn giúp giải quyết cho được đầu ra sản phẩm để bà con an tâm sản xuất. Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp được ưu tiên vay vốn và lãi suất.
Thời gian tới, TP xác định nhiệm vụ quan trọng khu vực nông thôn ngoại thành là xây dựng nông thôn mới, đặc biệt ở 28 xã điểm, qua việc đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng nông thôn với khoảng 400 - 500 tỷ đồng/xã. Đây là những thuận lợi cơ bản trong việc chuyển dịch sản xuất ở ngoại thành.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn. Những mô hình, làng nghề, HTX trên chưa nhiều so với hơn 60.000 hộ nông dân ngoại thành với 600.000 người tại khu vực nông thôn. Hội Nông dân đề nghị TP sớm điều chỉnh và bổ sung chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi vì Quyết định 105 của UBND TP đã hết hạn, tháo gỡ khó khăn trong việc vay các nguồn vốn chuyển đổi sản xuất nông nghiệp. Các doanh nghiệp cần giúp nông dân trong việc bảo quản, công nghệ chế biến…
CÔNG PHIÊN