Chuyển đổi cơ cấu

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những nội dung chủ yếu của tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đây cũng là quá trình chuyển dịch từ nền kinh tế thuần nông, tự cung, tự cấp sang nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hệ số sử dụng đất là xu thế tất yếu, là con đường đảm bảo cho nông dân vừa ổn định thu nhập vừa làm giàu chính đáng.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những nội dung chủ yếu của tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đây cũng là quá trình chuyển dịch từ nền kinh tế thuần nông, tự cung, tự cấp sang nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hệ số sử dụng đất là xu thế tất yếu, là con đường đảm bảo cho nông dân vừa ổn định thu nhập vừa làm giàu chính đáng.

Từ tháng 6-2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 150/2005/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản cả nước đến năm 2010 và tầm nhìn 2020. Quyết định nêu rõ quan điểm chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên 1ha đất canh tác, tạo nhiều việc làm và tăng nhanh thu nhập cho nông dân, ngư dân, diêm dân và người làm nghề rừng; chuyển đổi cơ cấu sản xuất phải trên cơ sở nhu cầu của thị trường; phát huy lợi thế và điều kiện tự nhiên của từng vùng, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ nhằm đạt năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt, tăng khả năng cạnh tranh nông, lâm, thủy sản hàng hóa Việt Nam; phải gắn kết chặt chẽ với công nghiệp bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chuyển đổi cơ cấu lao động trong nông nghiệp và nông thôn, điều chỉnh dân cư, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa với trình độ kỹ thuật và công nghệ ngày càng cao.

Ở nước ta, lúa là cây lương thực quan trọng góp phần xóa đói giảm nghèo và giúp điều hòa cán cân lương thực cho xã hội. Để ổn định an ninh lương thực và theo đuổi kim ngạch xuất khẩu lúa gạo, trong thời gian gần đây diện tích lúa của nước ta, đặc biệt là ở ĐBSCL ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, khi tăng về lượng thì lại giảm về chất, giá lúa luôn bấp bênh, do đó sản xuất kém hiệu quả, người trồng lúa vẫn nghèo, chịu nhiều rủi ro. Địa phương nào càng có nhiều diện tích trồng lúa thì địa phương đó chậm phát triển. Bên cạnh đó, thị trường lúa gạo đang có sự cạnh tranh gay gắt giữa các nguồn cung cấp trên thế giới với sản lượng ngày càng tăng.

Trong khi đó, nước ta đang bị thiếu hụt trầm trọng những nguyên liệu nông phẩm khác phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi và dầu thực vật. Đây là điều nghịch lý của một quốc gia nông nghiệp. Hiện nay, ngành chăn nuôi gia súc và thủy hải sản đang phát triển mạnh kéo theo nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao, đặc biệt là bắp và đậu nành. Theo con số thống kê chưa chính thức, xuất khẩu gạo không bù được ngoại tệ nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Do đó, việc tính toán chuyển đổi cơ cấu cây trồng như thế nào cho phù hợp là yêu cầu cấp bách.

Trong khi các chuyên gia, các nhà khoa học đang khuyến cáo phải giảm diện tích đất trồng lúa, tăng diện tích trồng hoa màu, bắp và đậu nành thì Bộ NN-PTNT lại ban hành dự thảo về Quy hoạch phát triển sản xuất lúa vụ 3 (thu đông) đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Trong đó, dự thảo đưa ra những số liệu chứng minh việc trồng lúa vụ 3 sẽ giúp nông dân tăng thu nhập, giảm được nghèo. Vì thế, bộ này kiến nghị sẽ tiếp tục mở rộng diện tích lúa vụ 3 trong những năm tới. Điều này hoàn toàn “trái chiều” với ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và nông dân. Đa phần đều cho rằng làm lúa vụ 3 ở ĐBSCL mất nhiều hơn được.

Rõ ràng, lỗi lớn nhất của công tác quy hoạch ở nước ta là theo ý chí, không theo khoa học và thực tiễn thị trường. Vì thế, hiện nay đời sống nông dân vẫn khó khăn, mạnh ai nấy làm, không có tổ chức hợp nhất. Nhà nước phải có chiến lược lâu dài, xác định được cây, con nào là mũi nhọn để huy động toàn lực phát triển nó. Cho nên tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trước tiên phải từ tư duy nhà quản lý. GT-TS Võ Tòng Xuân thẳng thắn: “Nếu cứ nói tái cơ cấu rồi để ai muốn làm gì thì làm sẽ còn chết nữa. Không thể cứ được mùa thì bảo nhờ lãnh đạo, còn mất mùa là đổ cho nông dân làm ăn tự phát”.

TRẦN MINH TRƯỜNG

Tin cùng chuyên mục