Chuyển đổi sang phương tiện “xanh”: Góp phần tích cực giảm phát thải

Sau khi Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí cacbon của ngành GTVT, Bộ GTVT đang rốt ráo triển khai các hoạt động cụ thể trên từng lĩnh vực với mục tiêu chung giảm phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050.
Trạm xe buýt đường Hàm Nghi (quận 1, TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG
Trạm xe buýt đường Hàm Nghi (quận 1, TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nguy cơ tăng khí cacbon

Hiện ngành GTVT là một trong những nguồn phát thải khí cacbon chính ở Việt Nam, do cả lĩnh vực vận tải hành khách lẫn vận tải hàng hóa vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nhiên liệu hóa thạch. Theo báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2021, nhu cầu dịch vụ vận tải dự kiến sẽ tăng đáng kể vào năm 2050. Cụ thể, trên thị trường vận tải hành khách cá nhân, phương tiện giao thông chủ yếu là ô tô và xe máy, trong đó, khoảng 50 triệu xe máy đang hoạt động. Trong trường hợp không cấm xe máy, lượng xe này dự kiến tăng khoảng 56% vào năm 2050. Đối với vận tải hành khách công cộng, nhu cầu trong các thành phố đến năm 2050 dự kiến tăng khoảng 5 lần so với năm 2020.

Theo TS Nguyễn Quốc Khánh, chuyên gia Dự án Calculator 2050 (Dự án về tính toán cung - cầu năng lượng của Việt Nam và các kịch bản giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2050 - Bộ Công thương), trong trường hợp xăng dầu vẫn là nguồn năng lượng truyền thống, tổng phát thải khí nhà kính sẽ là 52,4 triệu tấn năm 2030 và 106,2 triệu tấn năm 2050. Nhưng nếu có kế hoạch thúc đẩy các phương tiện “xanh” (thân thiện môi trường) ở quy mô lớn, đơn cử, số xe máy chạy điện đạt 34% tổng số xe bán ra, số ô tô chạy điện đạt 65% tổng số xe bán ra, thì lượng phát thải khí nhà kính sẽ giảm 7,7% năm 2030 và giảm 19,8% năm 2050.

Các chuyên gia cũng đưa ra một kịch bản tích cực hơn, không chỉ xe máy điện, ô tô điện (chiếm tỷ lệ trên 70%) mà còn các loại hình xe điện khác gồm xe buýt điện, hệ thống xe buýt nhanh (BRT) phát triển mới cũng dùng điện. Đối với xe liên tỉnh, việc lựa chọn nhiên liệu sẽ theo khoảng cách di chuyển, sử dụng xe điện nếu khoảng cách di chuyển dưới 400km và hydrogen cho quãng đường di chuyển trên 400km… Khi đó, phát thải khí nhà kính sẽ giảm 13,6% năm 2030 và 38,1% năm 2050. Với vận tải hàng hóa, tình hình cũng tương tự do việc sử dụng phương thức chính là đường bộ. Những con số này cho thấy, nếu không tích cực chuyển đổi, nguồn phát thải khí cacbon từ hoạt động GTVT không những không giảm mà còn tăng mạnh.

Sử dụng xe buýt điện là giải pháp góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: HOÀNG HÙNG


Xây dựng lộ trình phù hợp

Theo ông Trần Ánh Dương, Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ GTVT), Bộ GTVT đã rà soát thực trạng các lĩnh vực trong ngành để xây dựng lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh phù hợp với năng lực và mục tiêu chung của quốc gia. Trước mắt, Bộ GTVT sẽ rà soát, đề xuất sửa đổi 5 bộ luật, luật chuyên ngành GTVT và các văn bản dưới luật để thúc đẩy chuyển đổi sử dụng phương tiện, trang thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh. Đồng thời, tới đây, Bộ GTVT sẽ xây dựng quy định giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu cho phương tiện giao thông đường bộ; quy định về sử dụng hiệu quả năng lượng cho phương tiện thủy nội địa và tàu biển, máy bay hoạt động tuyến nội địa. Cùng với đó, hệ thống quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, định mức liên quan đến nhập khẩu, sản xuất, đóng mới, chuyển đổi, hoán cải phương tiện, thiết bị giao thông sử dụng điện, năng lượng xanh sẽ được hoàn thiện. Đặc biệt, Bộ GTVT sẽ sửa đổi chính sách để tạo môi trường thuận lợi tiếp nhận các dòng vốn đầu tư có công nghệ tiên tiến, tạo động lực để huy động sự tham gia của toàn xã hội cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của ngành.

Tuy nhiên, ông Trần Ánh Dương cho rằng, để lộ trình giảm phát thải của ngành GTVT đạt được mục tiêu đề ra, các bộ ngành, địa phương cần nỗ lực và phối hợp tích cực. Theo đó, đến năm 2030, các cơ quan chức năng phải xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp sản xuất, chuyển đổi phương tiện, trang thiết bị sử dụng điện; cung cấp sạc điện, năng lượng xanh để đến năm 2040, Việt Nam dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô, mô tô, xe gắn máy sử dụng xăng, dầu. Về phía các địa phương, việc xây dựng, hoàn thiện hạ tầng hỗ trợ phương tiện sử dụng điện và năng lượng xanh cần được quan tâm và xây dựng lộ trình cụ thể, có chính sách thúc đẩy người dân, doanh nghiệp chuyển đổi sang phương tiện “xanh”.

Lộ trình giảm phát thải đường bộ và giao thông đô thị


* Đường bộ

- Giai đoạn 2022-2030: Thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện; sử dụng 100% xăng E5.

- Giai đoạn 2031-2050: Từng bước hạn chế tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sử dụng trong nước.

- Đến năm 2050: 100% phương tiện, máy móc, trang thiết bị chuyển sang sử dụng điện, năng lượng xanh; toàn bộ bến xe, trạm dừng nghỉ đạt tiêu chí xanh; hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh trên phạm vi toàn quốc.

* Giao thông đô thị

- Giai đoạn 2022-2030: Từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đạt 45-50%; TPHCM đạt 25%; Đà Nẵng đạt 25-35%; Cần Thơ đạt 20%; Hải Phòng đạt 10-15%; đô thị loại I đạt ít nhất 5%.

- Giai đoạn 2031-2050: Từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.

- Đến năm 2050: 100% xe buýt, taxi sử dụng điện, năng lượng xanh. Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I lần lượt đạt ít nhất 40% và 10%.

---------------------------

Nhiều tín hiệu tích cực


Tính đến thời điểm này, TPHCM và TP Hà Nội đang tiên phong trong việc giảm phát thải khí nhà kính từ việc từng bước chuyển đổi các phương tiện giao thông sử dụng xăng, dầu sang các nhiên liệu thân thiện với môi trường.

Theo chân những chiếc xe buýt của TPHCM chạy bằng khí nén thiên nhiên (CNG) trên tuyến buýt số 8 (Bến xe buýt quận 8 - Đại học Quốc gia TPHCM), tuyến xe buýt số 104 (Bến xe An Sương - Đại học Nông Lâm), tuyến buýt 32 (Bến xe miền Tây - Bến xe Ngã tư Ga)… chúng tôi hầu như không nghe thấy tiếng máy động cơ của xe buýt vì âm thanh phát ra rất nhỏ. Đứng phía sau, khí thải từ ống pô xe chạy khí nén thiên nhiên này cũng không có mùi dầu khó chịu. Suốt hành trình, nhiều hành khách là các bạn sinh viên học ở Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, xe chạy rất êm, trong xe không có mùi xăng, dầu. Hơn 5 năm trước, TPHCM đã bắt đầu khuyến khích doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải bằng xe buýt đổi mới xe, chuyển sang sử dụng xe sử dụng CNG thân thiện với môi trường với nhiều chương trình hỗ trợ lãi suất đầu tư. Đến nay, tại TPHCM đã có hơn 200 xe buýt sử dụng CNG hoạt động, góp phần rất lớn giúp giảm khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Chưa hết, TPHCM vừa đưa vào hoạt động tuyến buýt điện D4 với lộ trình: Khu dân cư Vinhomes Grand Park - Bến xe Sài Gòn.

Gần đây, chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe máy cũ đang lưu hành trên địa bàn TP Hà Nội đã được thực hiện, làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí. Mới đây nhất, UBND TP Hà Nội giao các đơn vị xây dựng mục tiêu, lộ trình thực hiện Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải cacbon của ngành GTVT. Trong đó, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã có những động thái tích cực đầu tiên. Cụ thể, Transerco dự kiến số phương tiện đủ điều kiện đưa vào lộ trình (khai thác dưới 300km/ngày) xem xét chuyển sang xe buýt điện từ năm 2025 là 225 xe, chiếm 21,3% số phương tiện hiện có. Số còn lại đang xem xét lộ trình chuyển đổi. Tuy nhiên, theo chi phí khái toán của Transerco, nếu chuyển toàn bộ phương tiện của đơn vị này sang sử dụng xe buýt điện, ước tính tổng chi phí đầu tư khoảng 21.000 tỷ đồng, chưa kể chi phí doanh nghiệp phải trả nếu đầu tư xe buýt điện sẽ cao gấp 3,5-5 lần xe xăng. Vì vậy, Transerco cho rằng, TP Hà Nội cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng và phê duyệt đơn giá, định mức áp dụng với loại hình xe buýt điện để làm cơ sở đấu thầu chuyển sang xe buýt điện, đặc biệt là định mức, đơn giá khấu hao phương tiện, hạ tầng xe buýt điện, đảm bảo thu hồi vốn đầu tư...

Tương tự, TPHCM cũng đã xây dựng lộ trình kiểm soát xe mô tô, xe máy cũ. Đặc biệt, cách nay khoảng 5 năm, TPHCM đã chấp thuận cho một đơn vị tư vấn nghiên cứu thu phí ô tô lưu thông trong khu vực trung tâm như là một trong những giải pháp giảm phát thải và chống ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. Hiện Sở GTVT TPHCM đang kiến nghị UBND TPHCM xem xét, trình HĐND TPHCM cho triển khai kế hoạch thu phí này.

Tin cùng chuyên mục