Chuyện dùng người

Năm 2005, dính án kỷ luật khi còn chơi cho HA.GL, tiền đạo Nguyễn Việt Thắng hoàn toàn bế tắc, suýt nữa lao vào những cuộc chơi có thể tàn phá cuộc đời. May mắn sao, “bầu” Thắng của Gạch Đồng Tâm đã thực hiện một cuộc chuyển nhượng đầy phiêu lưu, “vớt” Thắng về và chờ đợi.

Và chỉ trong vòng 5 năm, Việt Thắng từ chỗ tưởng đã “không thể cứu được” trở thành tuyển thủ quốc gia, một hạt nhân quan trọng suốt từ năm 2008 đến nay. Ở đợt tập trung lần này, Thắng vẫn là chỗ dựa đáng tin cậy trên hàng tấn công của HLV Phan Thanh Hùng. Vì thế mới đặt câu hỏi: Nếu không có bàn tay đưa ra kịp lúc của Gạch ĐT thì sao? Đến tận bây giờ, Việt Thắng vẫn khẳng định nếu không có hành động cao đẹp của bầu Thắng thì sẽ không có Việt Thắng của hiện tại.

Vì với Việt Thắng, chính tại Gạch, anh tìm lại chính mình. Ở đó, có người chờ đợi Thắng. Ở đó, người ta tin Thắng sẽ biết cách đứng dậy. Với một người tưởng chừng đã buông thả đời mình vào những cuộc vui ở vũ trường, trong men rượu thì có được người tin mình, đối xử tử tế với mình, hẳn là một động lực to lớn để mà đứng dậy. Chỉ cần như thế là đủ để thay đổi một số phận. Ngoài Việt Thắng ra, có thể kể thêm chuyện của Văn Trường được HA.GL “cứu” hay Như Thanh “tái sinh” nhờ Bình Dương khi mắc các lỗi lầm trong sự nghiệp.

Rồi cũng từ câu chuyện của Việt Thắng, nghĩ đến cách hành xử của các CLB đối với những trường hợp của Văn Quyến, tài năng đặc biệt của bóng đá Việt Nam trong hơn 10 năm qua hay chuyện của thủ môn Tấn Trường tại Sài Gòn Xuân Thành vốn được nói nhiều trong thời gian gần đây.

Trước hết, chúng tôi không đánh giá chuyện đúng, sai liên quan đến hình thức kỷ luật của các CLB với cầu thủ. Ở đây, cái đáng bàn chính là việc các CLB đối xử với cầu thủ, nếu họ bị lầm lỡ, như thế nào. Sau thời gian bị kỷ luật, Phạm Văn Quyến được SLNA cho thi đấu nhưng lại không tạo đủ điều kiện để anh ra sân. Ngồi chơi ở ghế dự bị suốt 3 năm, tưởng Quyến được “cứu” khi Sài Gòn Xuân Thành mượn anh đá ở giai đoạn 2 mùa giải này. Tuy nhiên, từ lúc vào TPHCM đến nay, Quyến chỉ mới đá được mấy chục phút và chủ yếu ra sân để quảng bá cho đội bóng chứ chẳng hề được thi đấu đúng nghĩa.

Với trường hợp của thủ môn Tấn Trường, đột nhiên bị tạm ngưng thi đấu vì CLB cho rằng anh nằm trong vòng điều tra tiêu cực của cơ quan an ninh. Rồi sau đó, dù chẳng có chuyện gì xảy ra, Tấn Trường vẫn không được thi đấu. May mắn là khi Sài Gòn Xuân Thành không còn thủ môn, Tấn Trường được phép ra sân vào cuối tuần này. Tuy nhiên, mối nghi ngờ vẫn còn nguyên, chưa ai xác định Tấn Trường bị kỷ luật thời gian qua vì lỗi gì.

Nói cách khác, tên tuổi và danh dự của cầu thủ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng lại không có cơ hội để chứng minh. Theo lãnh đạo Sài Gòn Xuân Thành thì đơn thuần chỉ là vấn đề chuyên môn nhưng cách hành xử mập mờ ấy chỉ khiến cho cầu thủ bị thiệt hại nhiều hơn mà thôi.

Cách xử sự ở những hoàn cảnh đặc biệt có thể làm thay đổi một con người. Đó là việc ứng xử giữa CLB và những cầu thủ có “tì vết” trong sự nghiệp. Thay vì tìm cách khôi phục niềm tin và tài năng của cầu thủ, nhiều CLB lại đối xử theo cách có lợi cho hình ảnh đội bóng mà bỏ quên mục tiêu của biện pháp kỷ luật là giúp họ tránh những sai phạm tương tự.

Bất kỳ hình phạt nào cũng đều là cách hướng thiện cho người lầm lỗi nên ngẫm cho cùng, nếu nói đạo đức trên sân cỏ Việt Nam xuống cấp thì điều đó cũng xuất phát từ cách những nhà quản lý, chủ CLB hành xử nghiệp dư hay chuyên nghiệp với bóng đá. 

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục