Trong tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đắc Nông luôn phải đối phó với những biến động của thiên tai, thị trường, thì việc hoạch định một hướng đi lâu dài với cơ cấu cây trồng, vật nuôi đa dạng, phong phú là một vấn đề rất quan trọng, mang tính chiến lược.
Phát huy thế mạnh địa phương
Bí thư Tỉnh ủy Đắc Nông, ông Trần Quốc Huy trăn trở: “Đắc Nông là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, có nhiều tiềm năng, lợi thế về khí hậu, đất đai, nhân lực… để phát triển nông nghiệp. Tuy vậy, có một thực tế là trong suốt thời gian qua, việc bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở địa phương vẫn còn nhiều lúng túng, sản xuất còn manh mún. Đây cũng chính là nguyên nhân làm cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh kém phát triển, giá trị thu nhập thấp”.
Đắc Nông là một vùng đất đỏ bazan, mỗi năm có hơn 7 tháng mưa liên tục, làm được đến mấy vụ, nhưng tính ra thu nhập bình quân chỉ khoảng 30 triệu đồng/ha. Phân tích nguyên nhân cho thấy, đa phần nông dân địa phương (nhất là đồng bào dân tộc thiểu số) bị hạn chế về kỹ thuật canh tác cũng như vốn liếng nên quy mô sản xuất còn nhỏ hẹp, năng suất, sản lượng thấp. Tại địa phương, số trang trại lớn, sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung không nhiều.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, nếu cứ sản xuất theo kiểu “được chăng hay chớ” thì chắc chắn vẫn cứ mãi đắm chìm trong lạc hậu, ngày càng tụt hậu so với mặt bằng chung cả nước. Mặt khác, cũng không thể để cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp theo kiểu tự phát. Doanh nghiệp vào lập dự án, nhận vài trăm, vài ngàn hécta đất, rồi chăn nuôi, trồng trọt, làm giàu theo kiểu “tận thu” đất, còn người dân tại chỗ cứ tiếp tục nghèo đói thì hiệu quả kinh tế - xã hội không đạt yêu cầu. Việc tìm giải pháp thúc đẩy nông nghiệp của tỉnh phát triển mang lại hiệu quả cao là một vấn đề cực kỳ quan trọng.
Nghị quyết 22 của Tỉnh ủy Đắc Nông ra đời, trong đó nêu bật việc phải tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp có giá trị cao, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế đất đai của địa phương.
Thu hút đầu tư và kỹ thuật mới
Từ định hướng của tỉnh, Sở NN-PTNT Đắc Nông đã có những chương trình khuyến nông hướng dẫn nông dân đầu tư vốn liếng, áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ cao để phát triển sản xuất, như trồng cam, quýt, chanh dây, ớt, hoa, rau xanh, khoai lang, nuôi heo rừng, heo hướng nạc, nhím, thỏ, cá sấu, đà điểu… Những mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao nhờ cải thiện được năng suất, chất lượng, sự đồng đều của hàng hóa. Điển hình như việc trồng chanh dây, mặc dù vẫn đang trong giai đoạn ban đầu chưa được đầu tư nhiều, kỹ thuật canh tác còn hạn chế, nhưng một số hộ nông dân đã có thu nhập đến 500 triệu đồng/ha.
Bên cạnh đó, khi được tỉnh khuyến khích, một số doanh nghiệp ngoài tỉnh đã đến Đắc Nông đầu tư kỹ thuật, vốn liếng, thực hiện bao tiêu sản phẩm để phát triển các loại cây trồng, vật nuôi nhằm tạo vùng nguyên liệu ổn định cho các nhà máy. Đơn cử như Công ty PEPSICO Việt Nam (trụ sở tại TPHCM) đang đầu tư cho nông dân các huyện Đắc Song, Đắc Glong, Tuy Đức trồng thí điểm cây khoai tây, hứa hẹn cho hiệu quả cao.
Ông Nguyễn Đức Luyện, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắc Nông, cho biết quan điểm kêu gọi đầu tư, khai thác sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới phải được tính toán theo hướng giải quyết tính chất đa mục tiêu. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa mục tiêu kinh tế với xã hội. Ngoài việc ưu tiên, khuyến khích đầu tư cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng mang tính bền vững, tỉnh cần phải tính đến lợi thế so sánh của sản phẩm so với các vùng miền trong cả nước, để có lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, cần gắn phát triển vùng nguyên liệu với xây dựng nhà máy chế biến thực hiện căn bản quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp làm ra.
Ông Luyện cho biết, tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lao động tại chỗ, chuyển giao công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật, nâng cao trình độ sản xuất, đào tạo tay nghề cho nông dân; cho người lao động đóng góp vốn, có thể là bằng đất đai vào dự án để tạo sự gắn kết lợi ích về lâu dài, trên tinh thần hai bên cùng có lợi.
Đức Trung