Nước ta có nhiều lễ hội và tháng giêng đang là mùa lễ hội. Tuy nhiên còn nhiều chuyện không hay diễn ra tại các lễ hội đang làm dư luận bức xúc.
Quán ăn mất vệ sinh
Mùa lễ hội, nhóm bạn chúng tôi rủ nhau đi hội Cổ Loa (huyện Đông Anh) và hội Đền Sóc (huyện Sóc Sơn). Vì đi từ sáng sớm cho tới tận tối mịt, không chuẩn bị đồ ăn thức uống nên phải ghé quán hàng ăn trong khu vực lễ hội.
Ở hội Cổ Loa, suốt từ cổng vào cho tới các khu sân vận động, sân đình hay khu vực đền chính có rất nhiều quán hàng ăn uống nhưng chỉ vài quán có kê bàn ghế cho khách ngồi, còn hầu hết đều không có bàn ghế, khách phải ngồi bệt xuống đất, hàng ăn dã chiến, luộm thuộm và nhếch nhác, không an toàn vệ sinh thực phẩm. Các hàng quán bán mực, cá nướng ruồi bâu kín. Các bát đựng tương ớt cho khách chấm cứ hết khách này chấm xong lại được tận dụng để khách khác vào ăn chấm tiếp. Các đĩa đựng cá, mực nướng không được rửa mà chỉ lau qua loa bằng giấy vệ sinh.
Các hàng ô mai ruồi bâu đen ngòm vì mật, đường. Chủ hàng chỉ lấy cái quạt nan phe phẩy chiếu lệ, ngưng tay một lát là ruồi lại bâu đen. Tưởng mấy quán bún, phở có mành che và bàn ghế tươm tất sẽ sạch hơn nên cả nhóm kéo vào một quán bún riêu cua. Lúc đi ra phía sau quán hàng, nhìn chậu nước rửa bát đen ngòm, đũa, bát vứt chỏng chơ, rau sống đặt xuống bãi cỏ tôi sợ đến hết muốn ăn.
Buổi chiều, khi ở hội Đền Sóc, qua mấy tiếng đồng hồ trèo leo, cả nhóm đều đói meo. Thấy có một quán hàng bán bún đậu mắm tôm nóng hổi, chúng tôi ghé vào ăn. Nhưng quan sát ở nhà bếp, tôi kinh khiếp khi thấy tất cả các bát đựng mắm tôm, đĩa đựng bún, đũa… mà khách ăn xong đều được người phục vụ rửa chung trong 2 xô nước, nhúng vào xô này rồi tráng qua xô kia là vớt ra để sử dụng tiếp.
Thiết nghĩ, các địa phương diễn ra lễ hội cần quan tâm kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại các hàng quán nơi lễ hội. Để bảo vệ an toàn sức khỏe cho bản thân, khi tham dự lễ hội hãy thật thận trọng với hàng ăn uống.
Nguyễn Long (Hà Nội)
- Tràn ngập sách bói toán
Tại các lễ hội sau tết, nhiều tựa sách có nội dung bói toán, mê tín dị đoan được những người đi bán dạo rao bán công khai. Phần lớn các sách này không rõ nguồn gốc, in lậu, không có giấy phép xuất bản. Qua đó cho thấy công tác kiểm tra, quản lý của lực lượng chức năng liên quan chưa phát huy hiệu quả. Nguyên nhân của thực trạng này là các ngành chức năng chưa đánh mạnh vào các tụ điểm in ấn hay đầu nậu kinh doanh sách lậu. Bên cạnh đó, tại các lễ hội năm nay cũng xuất hiện nhiều sách bói toán, mê tín dị đoan do chính các nhà xuất bản nhỏ đua nhau cho ra đời, đó là những sách mang tính “huyền bí” dưới danh nghĩa sách học thuật như phong thủy học, tướng số học, nhân mệnh học.
Các ấn phẩm mê tín trên rõ ràng là lợi dụng tín ngưỡng, gây hại cho xã hội. Thế nhưng vẫn được bán tràn lan, ảnh hưởng không tốt đến đời sống văn hóa xã hội và giáo dục con người mới. Lẽ nào các cơ quan chức năng quản lý văn hóa đành chào thua trước tình trạng này?
Văn Thy Hoàng (Quảng Nam)
- Cần ứng xử văn hóa với lễ hội
Trong những ngày tết vừa qua, tại khu du lịch núi Sam (Châu Đốc, An Giang) tấp nập khách hành hương đến viếng miếu Bà Chúa Xứ, chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu... để cúng lễ, tham quan. Tình trạng mua bán kiểu lừa gạt, trấn lột du khách diễn ra hết sức bát nháo. Du khách cứ bị hết tốp này đến tốp khác đeo bám, níu kéo. Tại những lễ hội khác cũng gặp tình trạng tương tự, thấy cảnh chen lấn thật đáng sợ. Để có thể vào cúng viếng, dự lễ hội, những người đàn ông mạnh khỏe cũng không ngại ngần chen lấn xô đẩy, chèn ép những người già cả yếu đuối và trẻ em.
Tại nhiều lễ hội, khâu tổ chức quản lý còn bất cập nên phát sinh nhiều tệ nạn như móc túi, bói toán... Phổ biến là loại hình tổ chức cờ bạc với những gian hàng bầu tôm cua cá “vui chơi có thưởng”. Chắc chắn các ngành chức năng và các địa phương nơi diễn ra lễ hội đã nhìn thấy được những thực tế đang diễn ra nhưng không quan tâm cách khắc phục.
Cần một tiếng nói chung, một cái nhìn cùng hướng giữa ngành văn hóa và các địa phương về các lễ hội, theo hướng tích cực và dựa trên các chuẩn mực văn hóa, không chạy theo thương mại hóa để góp phần chấn chỉnh những mặt chưa đẹp, chưa văn hóa tại các lễ hội. Vấn đề cấp thiết hiện nay là phải quyết liệt xử phạt những lễ hội thực hiện sai tôn chỉ, mục đích, sai nội dung giấy phép; xử lý nghiêm những vi phạm ở tất cả các cấp độ và điều căn bản là phải thực hiện việc quy hoạch chi tiết các lễ hội trong phạm vi cả nước trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị đích thực của lễ hội. Những năm qua, mạnh địa phương, mạnh ngành nghề nào cũng có thể tổ chức lễ hội, có khi chỉ là một hoạt động kinh doanh núp bóng, đã gây lãng phí lớn thời gian, của cải vật chất xã hội.
Lê Thị Thủy (ĐH Duy Tân, Đà Nẵng)