Chuyển mình nơi biển cạn

Một loạt cây cầu đường bộ mang tên Thuận An, Trường Hà, Tư Hiền và Ca Cút sừng sững nối tiếp vươn mình vượt qua phá Tam Giang đã tạo dấu ấn đột phá giao thông của tỉnh Thừa Thiên - Huế kể từ sau ngày giải phóng. Hàng vạn ngư dân đời con theo đời cha sinh sống và mưu sinh biệt lập giữa bốn bề sóng nước phá Tam Giang, từ ngày có cầu đã chấm dứt cảnh lụy đò, đồng thời mở ra cơ hội thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Chuyển mình nơi biển cạn

Một loạt cây cầu đường bộ mang tên Thuận An, Trường Hà, Tư Hiền và Ca Cút sừng sững nối tiếp vươn mình vượt qua phá Tam Giang đã tạo dấu ấn đột phá giao thông của tỉnh Thừa Thiên - Huế kể từ sau ngày giải phóng. Hàng vạn ngư dân đời con theo đời cha sinh sống và mưu sinh biệt lập giữa bốn bề sóng nước phá Tam Giang, từ ngày có cầu đã chấm dứt cảnh lụy đò, đồng thời mở ra cơ hội thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

Chắp nối những vùng biệt lập

Phá Tam Giang (còn có tên gọi Hác Hải hay Hạt Hải - nghĩa là biển cạn), nơi giao hòa cuối nguồn của 3 con sông lớn là sông Ô Lâu, sông Bồ và sông Hương trước khi hòa vào biển cả qua cửa Thuận An. Theo các nhà khoa học, phá Tam Giang rộng 52km², chiếm khoảng 11% diện tích đầm phá ven bờ của cả nước với hệ sinh thái vùng đất ngập mặn phong phú nhất Đông Nam Á. Nơi đây, công việc khai thác của ngư dân hàng trăm năm đã thành nghề, thành nếp gắn với quá trình tụ cư canh tác, chiếm lĩnh vùng sóng nước, khai lập làng của nhiều thế hệ dân cư.

Giao thông đi lại thuận lợi đã giúp nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản của ngư dân phá Tam Giang phát triển bền vững

Đường về phá Tam Giang theo quốc lộ 49 nay đã thênh thang. Gần về chiều, người ta vẫn thấy không chỉ dân trong vùng về tắm biển mà có cả những chiếc xe bon bon chở khách du lịch về đây nghỉ dưỡng và du ngoạn. Một đô thị biển Thuận An đang hoàn thiện hình hài bên cây cầu Thuận An bắc qua phá Tam Giang xoải nhịp. Những resort sang trọng mọc lên, những chuyến thuyền chở du khách từ đây vượt sóng tham quan rừng ngập mặn Rú Chá, ngắm vẻ đẹp huyền ảo hoàng hôn và nhấm nháp hương vị các đặc sản ngon tuyệt mà ngư dân vừa bắt được trên phá Tam Giang… Chứng kiến nhịp đời sôi động ấy đang diễn ra hàng ngày, chỉ có người dân bản địa mới thấu hiểu hết giá trị ngọt bùi cay đắng mà bao đời người trải dọc hành trình mở cõi ở nơi rẻo đất biệt lập, vây quanh bởi bốn bề là sóng nước mênh mông này. Cụ Võ Văn Thành (85 tuổi) ở làng Thai Dương, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế nói: Thiên nhiên tạo ra vị thế biệt lập nhưng phá Tam Giang lại là môi trường lý tưởng nuôi trồng và đánh bắt thủy sản chất lượng cao. Nhưng hiềm một nỗi, tuy chất lượng như vậy nhưng để mang được con tôm, con cua vào bờ để bán không dễ chút nào. Từ Thuận An đi TP Huế vẻn vẹn hơn 10km nhưng phải chèo đò qua phá từ sáng tinh mơ và tới nơi cũng đã tối mịt. Đó là những lúc trời yên bể lặng chứ ngày mưa gió thì không ai chèo đò được. Bởi vậy, dân gian xưa truyền tụng câu hát: “Thương em anh cũng muốn vô/ Sợ Truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang”.

Không biết bao nhiêu đò ngang, đò dọc bị sóng lớn đánh chìm và bao người đã chìm theo sóng nước. Chỉ biết rằng vào ngày 23-10 Âm lịch hàng năm, người dân sống lênh đênh trên phá Tam Giang đều tổ chức ngày giỗ (gọi là kỵ đò) để nhớ về 23 người chết trong vụ chìm đò vào tháng 10-1947. Ông Thành kể rằng: “Đó là một ngày gió đông mưa bấc, con đò nan chở 23 người dân từ Quảng Ngạn qua phá để vào TP Huế. Con đò vừa rời bến độ nửa giờ bất ngờ gặp cơn gió mạnh. Đò lật, tất cả những người có mặt hôm đó chết mất xác”. Sau vụ chìm đó hôm ấy, cứ năm ba tháng sau ở vùng này lại xảy ra vụ chìm đò khác, thường thì có 2 - 3 người thiệt mạng”. Vì vậy, những bậc cao niên sinh sống trên phá chọn ngày 23-10 hàng năm làm ngày giỗ tập thể để “đưa những vong hồn đang còn nằm dưới nước lên bờ”. Ngày kỵ, người ta như muốn trả lễ thần linh và những mong con cháu an tâm đi lại trên mặt phá.

Cầu Ca Cút nối liền những rẻo đất biệt lập, vây quanh bốn bề sóng nước mênh mông trên phá Tam Giang

Hơn 20 năm về trước, dân bên bờ phá Tam Giang vui như hội khi tận mắt chứng kiến sự kiện có cây cầu đầu tiên bắc qua phá Tam Giang. Nhưng cầu đường bộ Thuận An mới chỉ giúp người dân các vùng trong huyện Phú Vang thoát cảnh lụy đò. Còn với người dân phía bên kia của huyện Quảng Điền, kiếp đò ngang vẫn còn đó. Sau những buổi ngồi đợi đò mòn mỏi để qua phá; chứng kiến những con thuyền bé nhỏ dập dềnh nêm chật cứng trẻ con qua sông đi học, nhiều lúc gió mùa đông bắc và sóng cửa sông cuộn lên như muốn lật úp con thuyền nhỏ… người dân chỉ mong sớm có thêm cây cầu để đường học hành của con cái nối dài thêm chút nữa.

An cư lập nghiệp

Đảng bộ, chính quyền nhân dân Thừa Thiên - Huế với sự giúp đỡ của Trung ương đã tập trung nguồn nhân lực, vật lực thi công thêm một loạt cây cầu đường bộ vượt phá Tam Giang bằng công nghệ đúc hẫng hiện đại là Trường Hà, Tư Hiền và Ca Cút (nay là cầu Tam Giang), nối liền 31 xã bên phá thuộc các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang và thị xã Hương Trà của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông Thành vui mừng nói: “Cầu Ca Cút hoàn thành đã nối liền quốc lộ 49 ven biển với các khu dân cư vùng đầm phía Bắc cửa Thuận An với TP Huế. Qua đó, mở ra một trang sử mới trong đời sống người dân sau bao năm đói nghèo; khép lại nỗi tang thương do chìm đò. Nhưng được đi qua cây cầu dài hơn 600m, rộng 10m; đường dẫn hai đầu cầu dài gần 8,4km, rộng 9m ấy, người dân nơi đây đã chờ 35 năm từ ngày đất nước hòa bình. Và đúng ra đã phải ước mơ đến gần 5 thế kỷ, kể từ khi Trương Quí Thiều (tức ngài Trương Thiều gốcThanh Hóa) được chúa Nguyễn Hoàng chỉ định về Đại Trường Sa (vùng cát ven biển bên phá Tam Giang) khai khẩn đất đai lập làng và truyền dạy cho con dân mưu sinh bằng nghề khai thác tôm cá và buôn bán ghe mành.

Hoàng hôn trên phá Tam Giang thật đẹp, một màu vàng đổ dài xuống mặt nước rồi hắt lên những tia sáng lấp lánh. Xa xa, rừng phi lao chạy ngang như đường chân trời phân định ranh giới giữa trời và … nước. Bất chợt, người lái đò đưa khách du ngoạn sóng nước phá Tam Giang ngẫu hứng đọc hai câu thơ nhắc lại ký ức về sự đói nghèo, cách trở thuở chưa có những cây cầu đường bộ: “Vạn chài giỗ tổ trên sông/ Khom lưng mà lạy ròng ròng nước trôi”. Thì ra trước đây, cư dân làm nghề đánh bắt trên phá Tam Giang đều lấy con thuyền nan rộng chưa đến 5m2 để mưu sinh và làm nơi ở cho gia đình có khi cả 3 - 4 thế hệ quây quần bên nhau. Đời con nối tiếp đời cha nên ngay từ khi chào đời đã trôi dạt theo những mái thuyền nhỏ. Vào ngày cúng giỗ tổ tiên, họ chỉ biết bày biện trên khoang đò… Ông Trần Phùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thừa Thiên - Huế chia sẻ: “Niềm mong mỏi lên bờ định cư đã trở thành ước mơ cháy bỏng của bao thế hệ cư dân vạn đò trên phá Tam Giang. Bằng nhiều nguồn vốn huy động được, địa phương đã tổ chức đưa hơn 1.000 hộ dân lên bờ định cư. Mức hỗ trợ mỗi hộ định cư 14,5 triệu đồng cùng diện tích đất 100 - 200m2 với đầy đủ cơ sở hạ tầng để xây dựng nhà cửa.

Dạo quanh Khu tái định cư Quy Lai thuộc xã Phú Thanh, huyện Phú Vang, chúng tôi vào thăm gia đình chị Hồ Thị Chua, một trong số hơn ngàn hộ dân vạn đò phá Tam Giang, được lên bờ định cư vào năm 2009. Sở hữu căn nhà kiên cố xây bằng gạch và bê tông rộng 100m2 đã lâu nhưng vợ chồng chị và 6 đứa con đến giờ vẫn nghĩ như một giấc mơ. “Ngày xưa sống trên thuyền, nắng còn đỡ chứ mưa phùn, gió bấc… lạnh cắt da cắt thịt! Cực còn chịu được, nhưng gặp lúc sinh nở, con khát sữa, không còn hạt gạo cắn đôi. Đánh liều, tui kẹp nách cho con bú, còn hai tay gắng sức chèo thuyền ngược dòng để anh Giải quăng chài bắt cá…”, chị Chua (vợ anh Trần Giải) ứa nước mắt kể lại. Xúc động giây lát, chị kể tiếp: “Khu tái định cư này gần cửa sông nên thuận lợi cho việc duy trì nghề chài lưới. Đặc biệt, vị trí khu này tương đối khuất gió nên tránh được phần nào thiên tai bão lũ. Vợ chồng tôi bắt đầu vạch hướng kinh doanh khi vay vốn ngân hàng sắm lồng nuôi cá, trồng tỉa vườn rau, đầu tư chăn nuôi để cải thiện cuộc sống, tăng thêm thu nhập”. Kinh tế dần ổn định, hai đứa con trai của anh chị đã quay trở lại trường lớp sau 3 năm “đứt gánh” để mưu sinh cùng cha mẹ. Đó cũng là kết quả thành công của sự phát triển bền vững, hòa nhập cuộc sống trên bờ mà bất cứ ai cũng có thể nhận thấy tại 44 khu tái định cư dành cho hơn 1.000 hộ dân vạn đò phá Tam Giang với hơn 6.000 nhân khẩu hiện nay.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2020”. Theo đó, nơi đây sẽ trở thành vùng có điều kiện phát triển kinh tế khá của tỉnh và khu vực kinh tế ven biển phát triển mạnh của cả nước. Đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực này bằng 90% mức bình quân chung của tỉnh. Trước mắt, tập trung đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và công tác phòng, tránh thiên tai... Tương lai, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của vùng biển, đầm phá để phát triển du lịch tham quan và nghỉ dưỡng.

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục