Vừa qua, tôi rất vui, tình cờ gặp lại ông Nguyễn Xuân Tặng (bị mù từ 3 tuổi) nhân chuyến về thăm quê bà xã tôi ở làng Đô Đò, xã Nam Lợi, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Gặp ông đang trên đường cắp rổ rau vừa rửa từ cầu bến sông làng đi lên tôi vồn vã lên tiếng chào. Có đến hơn chục năm rồi không có điều kiện gặp lại nhau, ấy vậy mà vừa nghe tiếng, ông đã nhận ra tôi ngay. Ông sửng người, dừng lại, nói như reo:
– A, thầy giáo Ký, thầy giáo Ký con rể cụ Cửu Khúc phải không? Thầy mới từ Sài Gòn về? Mời thầy ghé nhà tôi chơi đi. Lâu quá mới được gặp lại thầy!
Không bỏ lỡ cơ hội, tôi vui vẻ theo ông về nhà. Nhìn ông đi trên đường, rồi ngoặt vào ngõ, bước vào sân, chỗ nào cũng ngổn ngang rơm phơi, nếu không tinh ý thật khó mà biết được ông là người mù. Sau đôi ba câu chuyện hàn huyên, chè nước, tôi chủ động đặt vấn đề:
– Này bác Tặng ơi! Bác có thể vui lòng kể lại một vài kỷ niệm nhớ nhất được không?
Ông Tặng bật diêm rít sòng sọc một hơi thuốc lào bằng chiếc điếu cày, hắng giọng điềm tĩnh:
– Vào khoảng năm 1958, một buổi tối, tôi cầm loa đi phát thanh ở một dong nhỏ (ngày ấy tôi là phân đoàn trưởng trong xã đoàn, tham gia trong ban văn hóa xã từ năm 15 tuổi) vừa phát xong bản tin hô hào bà con vào hợp tác xã, tôi dò dẫm định đi tiếp đến dong khác thì chẳng may vấp phải mô đất, ngã dúi xuống chiếc ao cạnh đường. Luống cuống đang định tìm lối lên thì tự nhiên có tiếng cô gái: “Ớ! Anh Tặng! Anh Tặng!”. Vừa nói cô vừa cầm tay dắt tôi lên. Trời đang giữa đông, quần áo lại đẫm nước, rét quá hai hàm răng cứ lật bật dính vào nhau không sao lên tiếng nổi.- Thế là thầy giáo biết không, cô ta liền dẫn vào nhà lấy quần áo ông cụ cho thay, rồi đưa xuống bếp hơ lửa.
– Thế cô gái ấy bây giờ ở đâu ạ? - Tôi thắc mắc.
– Chẳng giấu gì thầy giáo, cô ấy chính là mẹ của cháu Thanh, cháu Thủy bây giờ đấy. Chúng tôi cưới nhau ngay sau đó vài tháng, khi ấy tôi 23 tuổi.
– Vậy là nhờ cú ngã hôm ấy mà anh chị nên duyên - Cả hai chúng tôi cùng cười. Tôi hỏi tiếp:
– khi về chung sống với nhau, chị có cho anh đi làm tuyên truyền nữa không?
– Ồ! Có chứ. Chính nhờ cô ấy mà công việc của tôi ngày thêm nổi đấy. Có tài liệu sách báo nào là cô ấy đều tranh thủ đọc cho nghe rồi tôi nhớ làm lòng. Gặp buổi trời mưa, lại thêm tài liệu dài, thế là cô ấy dắt tôi đi luôn. Đến mỗi địa điểm, tôi trèo lên cây, cô ấy ở dưới gốc, đọc đến đâu tôi nghe và phát lại qua loa tay đến đấy. Công việc vất vả nhưng vui lắm thầy giáo ạ!
Chậm rãi khẽ khàng, ông mở giành nước trên bàn rót mời tôi. Tôi nghiêng người mấp môi uống cạn ly nước vối ấm nồng thơm mát hương vị quê hương nơi tay ông. Ngừng giây lát, giọng ông bỗng sôi nổi hẳn lên:
- Thầy giáo hỏng đôi tay còn tôi hỏng đôi mắt. Không biết thầy giáo thế nào chứ tôi thì cứ làm được cái gì có ích cho mọi người dù nhỏ mấy cũng sung sướng lắm, cứ như mở cờ trong bụng. Tôi kể thầy giáo nghe tiếp hai việc thế này:
Vào quãng năm 1971, một buổi trời mưa lớn, sấm sét rền trời. Tôi đang gánh phân ra đồng cùng một tốp xã viên thì bất ngờ nghe có tiếng sét lớn, cả tốp hoảng hốt vất quang sọt ù té chạy. Đứng lại nghe ngóng, tôi nhận ra văng vẳng có tiếng người kêu cứu ở thửa ruộng gần... Tôi liền quẳng gánh phân, bước vội xuống thửa ruộng chỗ có tiếng kêu. Vì không nhìn thấy, lại bước vội nên cứ ngã lên ngã xuống dúi dụi mấy lần. Song vì tiếng kêu la thảm thiết quá nên lúc ấy chẳng biết sợ là gì, miễn sao đến được nhanh chỗ có người kêu cứu. Thế là tôi lần mò vừa cõng vừa bế lần lượt cả 5 người thợ cấy bị sét đánh đang nằm ngổn ngang trong bùn, nước nhầy nhụa, lên bờ. Trong đó có hai người đã chết là bà Môn và cô Xuất. Còn ba người kia (bà Tú, bà Hảo, cô Thơm) kịp thời chuyển về trạm xá và được cứu thoát.
Trầm lắng giây lát, giọng ông lại sôi nổi phấn chấn hẳn lên: năm 1998 tôi rất vui, lại làm được một việc nhỏ cho xóm là tổ chức xây được chiếc cầu bến ở trước đình Hoa Tiến mà thầy giáo vừa đi qua đấy.
– Thế bác tự bỏ tiền ra xây?
– Không, tiền của bà con cả đấy. Lúc đầu cứ tưởng khó, nào ngờ khi tôi đến từng nhà vận động ai cũng nhiệt tình đóng góp ngay. Thế là cùng với anh Vui, tôi vừa tính toán, hô hào vừa cùng bà con bắt tay vào làm gần một tuần lễ. Cuối cùng hạch toán chỉ hết có hai triệu rưỡi, còn dư lại gần ba trăm ngàn đồng tôi lại lần lượt đi đến từng nhà trả lại bà con. Ai cũng vui lắm.
Trước lúc tạm biệt đất Đô Đò tôi có ghé thăm chiếc cầu bến mà ông Tặng vừa kể. Gặp mấy bà vừa đi gặt về đang xuống rửa tay chân, biết tôi có ý tìm hiểu về sự ra đời chiếc cầu bến, một bà nhanh miệng nói:
– Vâng, đây đúng là chiếc cầu bến ông Tặng đấy. Ông ấy mù lòa vậy mà công phu đến từng nhà vận động, rồi lăn lộn miệng nói tay làm với bà con từ đầu đến cuối.
Một bà khác tiếp luôn:
– Ông ấy mù mà giỏi giang tốt bụng lắm. Khi bà vợ ông mất lúc thằng cháu Thanh lên 6, Thủy lên 3, ai cũng lo không biết rồi ba bố con ông ấy sống ra sao trong cảnh mù lòa lại rơi vào đoạn gà trống nuôi con. Thế mà nay hai con ông ấy đứa nào cũng có vợ, có con, nhà cửa đàng hoàng tươm tất.
Bà thứ ba lại chen vào:
– Nhớ khi còn làm trong hợp tác xã, ông ấy mù thế mà điểm ngày công thường cứ cao nhất nhì cơ đấy. Ban ngày đi làm thủy lợi, gánh phân, kéo bừa, chiều về đi tuyên truyền phát thanh, tối đến ngồi đan cả chục chiếc bao manh không cần đèn đóm. Tôi nhớ ông ấy không mấy năm là không được giấy khen của huyện, của tỉnh, có năm ông còn được tặng chiến sĩ thi đua cơ đấy. Người sáng hiếm ai theo nổi. Bây giờ tuổi đã gần 70, con cái không cho đi làm nữa, ông mới chịu ở nhà. Nhưng ông ấy vẫn không chịu ngồi không lúc nào đâu. Chuyện cơm nước, rau cỏ, heo gà của nhà cháu Thanh hàng ngày là ông ấy lo tất cả đấy. Rồi cứ nhà nào có chuyện gì xích mích, to tiếng là ông ấy lại dò dẫm đến can ngăn hòa giải ngay.
Một bà khác lại lên tiếng với giọng ra vẻ hiểu biết, văn hoa hơn:
– Con người ta cứ có tâm có đức rồi sẽ có phúc, có phần. Trời có mắt cả đấy các bà ạ. Cả làng này cứ theo được gương ông Tặng thì có lẽ cái Đô Đò này hóa rồng lâu rồi.
Mọi người cùng cười vang.
Vội quá, tôi đành rưng rưng, bịn rịn, nói lời chia tay với mấy bà bên chiếc cầu bến khó quên ấy trong ngập tràn nắng trưa cuối thu vàng rực nồng ấm. Mùi thơm rơm mới ngan ngát một vùng quê như vẫn còn nguyên lành trong tôi giữa một thoáng heo may Sài Gòn ngập nắng
NGUYỄN NGỌC KÝ