Chuyên nghiêp và xã hội hóa văn nghệ

Chuyên nghiệp không chỉ được hiểu là nghề nghiệp chuyên môn, là chuyên làm một nghề. Chuyên nghiệp còn bao hàm các phạm vi trình độ nghề nghiệp, am hiểu chấp hành quy định luật pháp, thái độ ứng xử văn hóa…

Xã hội hóa hoạt động văn hóa văn nghệ (VHVN) là mở rộng phạm vi, huy động xã hội… tạo ra những thành tựu. Xã hội hóa VHVN là nhắm tới những giá trị đỉnh cao, những tác phẩm xứng đáng với tầm vóc của dân tộc và thời đại. Xã hội hóa còn là động lực chứ không chỉ là mục đích.

Chưa bao giờ VHVN có hiện tượng “trăm hoa đua nở” - bất chấp mùa, vụ; nhiều sản phẩm VHVN được gọi là “mì ăn liền”, là “lẩu” mà hiệu quả của nó đang xóa dần ranh giới VHVN chuyên nghiệp và không chuyên. Trong một nền VHVN của dân tộc, trong từng thời đại, đều song song tồn tại bổ sung nhau giữa VHVN đỉnh cao, chuyên nghiệp, bác học và nền VHVN phong trào, bình dân, dân gian.

Có thể nhìn mặt bằng chung của VHVN để chứng minh điều này.

Hoạt động ca múa nhạc là hoạt động VHVN điển hình. Cách đây chưa lâu, khi ca nhạc tràn ngập nhạc nước ngoài, nhạc hải ngoại, âm nhạc Việt sống dậy mạnh mẽ, để đáp ứng nhu cầu và yêu cầu của xã hội ca nhạc phát triển theo hướng… nhanh, nhiều và rẻ. Người ta phân loại âm nhạc không theo một tiêu chuẩn, định hướng, yêu cầu nào, như ca nhạc dân tộc, truyền thống, dân gian; nhạc mới và nhạc cũ; nhạc đỏ và nhạc trữ tình; nhạc trẻ và nhạc xưa… Còn ca múa nhạc băng hình và truyền hình trở thành sàn diễn chính của ca sĩ để thể hiện mình. Lại có nhiều cơ sở sản xuất cung cấp băng ca nhạc cho từng gia đình, xe bán rong, bán cho cả truyền hình… để phát trên các chương trình Vườn âm nhạc, CLB âm nhạc, Quán âm nhạc, Thế giới âm nhạc, Trò chơi âm nhạc, Kiốt âm nhạc, Shop Music…

Bên cạnh đó là vô số những chương trình ca nhạc được quảng cáo… để cài làm nhạc chờ, nhạc nhận của điện thoại di động. Ca nhạc phổ biến tới mức lan sang cả tấu hài, cải lương, tuồng chèo, kịch nói kinh điển… kéo theo diễn viên đua nhau xen qua các lĩnh vực không phải sở trường.

Các liên hoan, hội diễn ca múa nhạc ít đi, “Tiếng hát truyền hình”, “Sao Mai điểm hẹn”, “Ngôi sao tiếng hát truyền hình”… nhiều lên. Tính kinh doanh đã tự nhiên thâm nhập và phát triển trong hoạt động VHVN. Tình trạng người có chức, có quyền, có tiền đang dần chi phối hoạt độâng VHVN là có thật.

Trong nhiều lần trao đổi, Giáo sư - nhạc sĩ Ca Lê Thuần từng cảnh báo: Tình hình cào bằng trong hoạt động VHVN là không thể chấp nhận. Không còn ranh giới chuyên và không chuyên trong hoạt động VHVN là đưa nghệ thuật thụt lùi.

Chúng ta đã dày công xây dựng phong trào để có đỉnh cao. Chúng ta xây dựng phong trào không chuyên sâu rộng để có một nền VHVN chuyên nghiệp. Một nền VHVN không có đỉnh cao, chuyên nghiệp, chúng ta mở cửa và hội nhập, chúng ta sẽ bị hòa tan.

Điều phổ biến này không chỉ diễn ra trong ca nhạc. Đã có chuyện trao giải thưởng cho những “nhà văn” chưa viết đúng chính tả - chứ chưa nói là viết đúng ngữ pháp phổ thông. Ai có tiền là in thơ, in tiểu thuyết. Trong nghiên cứu lý luận phê bình, có ý kiến rằng, tại sao không xem viết lời mới cho vọng cổ là thơ? Bởi vì viết theo thể thơ Đường lại được gọi là thơ?! Mỹ thuật từng ồn ào với những bức tranh trừu tượng của người không am hiểu hội họa. Điện ảnh thì làm phim vô tội vạ. Cái gì… có hình ảnh động cũng gọi là điện ảnh, là phim truyện… Tấu hài tràn ngập truyền hình, tràn lan sân khấu chính kịch, điện ảnh mà còn lây lan sang ca nhạc…

Ngày nay người ta đưa ra và đề cao “Kinh tế tri thức” thì VHVN lại sa vào tình trạng, thích làm gì là làm? Đã đến lúc cần xem hiện tượng trên là “xả rác”, là làm “ô nhiễm môi trường” của VHVN.

***

Trong xu thế phát triển và mở cửa hội nhập của VHVN, một vấn đề đặt ra là: để phát triển chúng ta cần có nội lực, và để mở cửa hội nhập chúng ta phải có bản lãnh. Nói cách khác, để phát triển, mở cửa và hội nhập, chúng ta phải xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

LƯU XÁ

Tin cùng chuyên mục