Ông Tô Phước Khanh, Trưởng ban từ thiện Thiền viện Viên Thông, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, hiện đã ở tuổi 79, nhưng những ký ức của ông về việc khảo sát Trường Sa vẫn nguyên mới như ngày nào.
Sống với biển
Từ 31-3 đến 4-5-1989, căn cứ vào chủ trương của UBND tỉnh Phú Khánh (cũ), Sở Thủy sản Phú Khánh và Công ty Liên doanh thủy sản Nha Trang, ông Tô Phước Khanh ký hợp đồng lao động về việc khảo sát ở khu vực Trường Sa. Thời gian này trúng vào đợt gió mùa tháng 4, con tàu của ông xuất phát từ cảng Cầu Đá, vượt hơn 827 hải lý (1.531km) từ biển Nha Trang đến khu vực Trường Sa. Chi phí mỗi ngày khảo sát vào khoảng 1 triệu đồng. Cả đoàn gồm 6 người, trong đó có 1 bác sĩ.
Ông Tô Phước Khanh nhớ lại: “Công ty Liên doanh thủy sản Nha Trang cộng tác với Quốc doanh đánh cá Phú Khánh tổ chức khai thác quy mô lớn nguồn thủy hải sản khu vực Trường Sa. Tôi là người được chọn để ký hợp đồng nhằm mục đích khảo sát khu vực này”. Ông là 1 trong những người tham gia khảo sát khoa học quy mô lớn và sớm nhất ở Trường Sa. Công tác khảo sát chú trọng đến việc xác định tình hình, phương pháp, ngư cụ thích hợp nhất để khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.
Từ 1975 - 1989, ông Khanh đã có 14 năm tham gia vào việc huấn luyện bộ đội hải quân, đóng tàu và huấn luyện thợ lặn biển. Sau năm 1975, ông có thời gian giảng dạy tại Học viện Hải quân đóng ở Nha Trang trong 4 năm. Sau đó, ông làm chủ nhiệm hợp tác xã đóng tàu tại Bãi Dương - Nha Trang, do ông vốn xuất thân là kỹ sư vỏ tàu. Khi đó, nhu cầu đóng tàu vươn khơi tăng cao, Nha Trang lại có 6 phường biển, mỗi loại tàu có 1 kiểu vỏ khác nhau, được kết cấu theo nghề nghiệp khác nhau, các ngư dân và thợ đóng tàu thông thường khó mà hiểu biết rõ được. Vào thời điểm ấy, ông Khanh nắm rõ việc đóng tất cả các loại vỏ tàu. Trong thời gian này, ông còn tham gia đào tạo lặn biển cho thợ lặn biển Hàn Quốc và thanh niên thuộc Tỉnh đoàn Khánh Hòa, để khai thác hải sản. Khi tiến hành khảo sát Trường Sa, ông vẫn thuộc hợp tác xã đóng tàu.
Hàng loạt khó khăn đã được dự tính trước như cá mập, tai nạn... Hơn nữa, vào thời điểm năm 1989, tàu thuyền tại Việt Nam chưa hiện đại như thời điểm hiện nay nên công việc ra khơi khảo sát Trường Sa được chuẩn bị trước đến hơn 3 tháng. Ông Khanh cho biết: “Chúng ta khảo sát Trường Sa để khảo sát nguồn lợi thủy hải sản nói chung và nguồn lợi cá nói riêng. Đây cũng là công tác nằm trong chương trình trọng điểm phát triển khoa học kỹ thuật. Công việc vất vả và đòi hỏi phải có kiến thức sâu rộng về biển đảo cũng như kinh nghiệm làm việc trên biển”.
Nhiều thành viên trên tàu dù đã cố gắng nhưng vẫn bị say sóng do ít khi đi khơi xa như vậy. Việc khảo sát Trường Sa không hề đơn giản, bởi khu vực này có nơi có độ sâu lên đến hơn 5.000m, có nhiều cá mập, nhiều loài cá có độc và yếu tố nước độc ở vùng biển sâu. Các đảo mà tàu của ông Khanh tiến hành khảo sát bao gồm: Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, Đá Đông, Đá Tây, Thuyền Chài. Công việc chỉ được tiến hành trong vòng 1 tháng, do đó chỉ có thể khảo sát qua các đảo này, quá trình khảo sát có hình vẽ, đánh dấu chi tiết đính kèm với các loại hải sản cũng như trữ lượng theo nhận định sơ bộ.
Giúp ngư dân bằng ký ức Trường Sa
Sau hơn 1 tháng làm việc tại Trường Sa, ông Khanh hầu như đã nắm bắt được toàn bộ những đặc điểm từ con nước đến san hô và cá ở Trường Sa. Ông kể lại: “Đáy biển Trường Sa đẹp lắm, tôi và những người bạn của mình đã lặn ở rất nhiều vùng biển Việt Nam và ở cả Australia. Ở đó, họ tu bổ, nuôi san hô, cá kết hợp với tự nhiên sẵn có nhưng cũng không đẹp như đáy biển Trường Sa”.
Ông Khanh đã viết lại trong bản báo cáo tổng kết quá trình khảo sát về vẻ đẹp của đáy biển Trường Sa như sau: “Hoa đá nhiều loại khác nhau, nhiều màu sắc, mọc tự nhiên thẳng đứng, hoặc bò lan ra, cọng nhỏ trông như vườn rau. Hàng trăm loại cá rạn màu sắc rực rỡ ra vào nhởn nhơ những cành hoa đá khác nào đàn bướm. Đáy biển có nhiều ốc tai tượng nằm há miệng, vỏ trắng ruột xanh, trông như vườn hoa bắp cải, những đàn cá sơn chìa, có dạng mào lạ lùng tuyệt đẹp, với màu đỏ thắm bơi trong nước xanh”.
Loại cá để lại ấn tượng mạnh nhất trong ông Khanh và các đồng sự là cá nhám mập. Loại cá này ở Trường Sa có trữ lượng lớn, đây là loài cá đại dương thường vào ven bờ để tìm mồi. Ở Trường Sa, phần nhiều loài cá này là loài cá nhỏ, lớn nhất là 250kg/con. Xung quanh mỗi đảo, có từ 2 - 3 tấn loại cá này. “Điều thú vị là cứ 10 - 15 ngày là lại có thể đánh bắt tiếp được, chứ không cần phải đợi đến mùa vụ mới đánh bắt loại cá này. Số lượng cá ít hay nhiều tùy thuộc vào diện tích thả câu. Tuy nhiên, độ dốc của chân đảo ngầm khá cao, nên phải thả câu để tránh dàn câu tấp vào rạn chân đảo”, ông Khanh vui vẻ cho biết. Ông Khanh và các đồng sự đã thử câu cá ở mực nước sâu từ 5 - 30m bìa rạn chân đảo. Với nơi nước chân đảo sâu từ 100 - 200m thì chưa thả câu, vì loài cá này thường ăn mồi ở độ sâu 1m so với mặt nước. Có mấy lần các thành viên trong đoàn khảo sát 1 phen hoảng hồn lo lắng cho những thành viên đang khảo sát dưới biển vì sự xuất hiện của cá mập, nhưng bằng kinh nghiệm làm việc lâu năm cũng như những trang bị dưới đáy biển, tất cả các thành viên đều an toàn.
Việc khảo sát tiến hành trên quy mô rộng lớn, phân loại theo các loại cá nổi, cá rạn - hải sâm, các loại ốc, tôm - đồi mồi, hoa đá trúc - rong mơ, đánh giá cả về số lượng và chất lượng. Nhiệm vụ chính cần phải thực hiện là tiến hành bơi lặn, đo đạc, khảo sát nghiên cứu và vẽ lại phần ngầm các đảo cũng như đánh dấu các loại hải đặc sản có mặt tại các vị trí khảo sát. Ông Khanh đã vẽ được 2 tập tài liệu, 1 sơ bộ, 1 chi tiết để gửi lại cho đơn vị quản lý. Ngày ấy, máy đo và các thiết bị không hiện đại như bây giờ, nhưng bản vẽ của ông vẫn được đánh giá là rất chính xác cho đến ngày hôm nay.
Hiện tại, gia đình ông vẫn thường tiếp những vị khách là ngư dân hỏi về việc đánh bắt cá ở Trường Sa, vì họ biết ông Khanh là người hiểu rất rõ việc này. Nhiều công ty hải sản lớn từng ngỏ lời mời ông giữ vị trí “thuyền trưởng”, hướng dẫn họ đi biển, nhưng ông buộc phải từ chối vì tuổi đã cao. Trong nhà ông Khanh, vẫn còn lưu giữ rất nhiều kỷ niệm của chuyến đi năm nào. Giúp ngư dân bằng ký ức Trường Sa là điều ông Tô Phước Khanh đang nỗ lực thực hiện, với mong muốn được góp sức vào việc bảo vệ chủ quyền, phát huy những tiềm năng từ biển đảo Việt Nam.
| |
ĐỨC THỌ