Chuyện những đêm chờ sáng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, số phạm nhân đang thụ án tại trại giam An Phước (T40) có gần một nửa là phạm tội có liên quan đến ma túy. Không lâu nữa, một tháng hoặc một năm tới đây, sẽ có hàng trăm người trong số họ sẽ giã từ bộ quần áo sọc xanh trắng u ám này để trở lại với đời thường. Những đêm nằm chờ một buổi sáng mai thức dậy bước ra khỏi cánh cổng sắt nặng nề xám xịt lạnh lẽo kia để về lại với đời của họ, sao mà dài thế. Họ nghĩ gì, làm gì trong những đêm chờ sáng ấy?
Chuyện những đêm chờ sáng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, số phạm nhân đang thụ án tại trại giam An Phước (T40) có gần một nửa là phạm tội có liên quan đến ma túy. Không lâu nữa, một tháng hoặc một năm tới đây, sẽ có hàng trăm người trong số họ sẽ giã từ bộ quần áo sọc xanh trắng u ám này để trở lại với đời thường. Những đêm nằm chờ một buổi sáng mai thức dậy bước ra khỏi cánh cổng sắt nặng nề xám xịt lạnh lẽo kia để về lại với đời của họ, sao mà dài thế. Họ nghĩ gì, làm gì trong những đêm chờ sáng ấy?

  • Ma túy không tha kẻ bạc đầu

Con đường từ ngã ba Sở Sao vào trại giam An Phước, Phú Giáo như dài bất tận bởi những khu rừng cao su nối nhau chạy hun hút hơn chục cây số trong cơn mưa trắng trời. Bên trong trại giam, con đường nhựa sạch như lau, vắng vẻ đến não lòng bởi những nhóm phạm nhân nữ tóc bạc chống chổi đứng trong hàng hiên, mắt nhìn xa xăm về phương trời xa tít.

Thượng úy Đặng Thanh Hải tư vấn cho phạm nhân về thủ tục xóa án tích.

Thượng úy Đặng Thanh Hải tư vấn cho phạm nhân về thủ tục xóa án tích.

Một phạm nhân nữ tóc bạc trắng cố chạy theo gió để nhặt lại chiếc nón lá vừa rơi khỏi đầu bị gió cuốn đi trong làn mưa mờ lạnh lẽo. Thượng úy Đặng Thanh Hải, cán bộ trinh sát trại giam tại K2 kể: Bà ấy 72 tuổi, ở quận 4 TPHCM, can tội buôn bán tàng trữ ma túy, thụ án 7 năm tù. Ra tòa, bà nhận hết tội về mình, quyết không khai ra núm ruột đã điều khiển bà từ xa. Từ ngày bà vào trại, đứa con trai duy nhất của bà không một lần đến thăm. Bà nghe nói nó cũng bị bắt và bị gọi án 12 năm tù vì buôn bán “hàng trắng”.

Thượng úy Hải là một trong số ít nữ quản giáo nhận nhiệm vụ trẻ nhất trại giam này. Cô làm quản giáo khi chưa tròn 20 tuổi. Các phạm nhân trong đội 17 của Hải không chỉ nể mà còn quý cô quản giáo đẹp người, tốt tính, bởi cô không chỉ quản lý phạm nhân bằng nguyên tắc của trại giam mà còn quản họ bằng nguyên tắc trái tim mình mách bảo.

Trong trại có nhiều “phạm mồ côi” (phạm nhân không được ai thăm nuôi từ ngày vào tù đến khi ra trại), họ sống rất khổ sở cả về vật chất lẫn tinh thần. Quỹ “Tấm lòng vàng” do Ban giám thị trại lập ra nhằm giúp thêm vật chất, nâng đỡ tinh thần để “phạm mồ côi” đỡ chông chênh tâm lý.

Hải giải thích việc cô và nhiều cán bộ trong trại thường trích lương góp quỹ: “Suốt ngày mặc cảnh phục lại chẳng có thời gian đi chơi phố nên em chẳng tiêu xài gì nhiều, giúp họ cũng là tự giúp mình. Phạm nhân không căng thẳng tâm lý, vui vẻ chấp hành nội quy trại, lao động tốt; quản giáo không phải dùng hình phạt bổ sung với họ, hai bên đều vui”.

Sau khi ra trại, nhiều “cựu phạm nhân” vẫn thỉnh thoảng gọi điện hay nhắn tin tâm sự với Hải về những khó khăn đời thường. Hiểu tâm lý của họ nên bất kể là giờ nào trong ngày, dù đang bận rộn việc công hay việc tư, Hải đều cố gắng dành thời gian lắng nghe, bởi “những lúc yếu lòng thế mình trợ giúp tinh thần không kịp họ có thể làm điều gì đó khiến họ và cả mình phải ân hận về sau”.

Phạm nhân yêu quý cán bộ Hải còn bởi cô đãi họ bằng cả tấm chân tình. Trịnh Mỹ T., một gái bán hoa bị nhiễm HIV do chích ma túy là một cô gái rất trẻ quê An Giang. Mẹ T. bỏ chồng theo người đàn ông khác, cha nghiện ma túy rồi bị bắt vì bán ma túy. Trước khi bị bắt, ông chỉ nơi cất giấu ma túy cho T. Buồn đời, T. xài hết “gia tài trắng” của cha để lại và trở thành con nghiện.

Là “phạm mồ côi” nên tính khí T. rất thất thường. T. thường xuyên kích động phạm nhân chống đối nội quy trại. Một hôm Hải mang tặng T. chai dầu gội đầu, hai cái khăn tắm, cục xà bông và lọ dầu gió, nói: “Tắm gội cho mát nhé”. T. ngẩn người nhìn theo bóng cô quản giáo trẻ đi khuất sau cổng phân trại. Sau đó, T. là một trong những đội viên đội tự quản tốt tính nhất cho đến khi cô chết vì AIDS.

Đội 17 của Hải có phạm nhân rất xinh tên Nguyễn Thị U.G. Nhà G. có 5 chị em thì cả 5 người và mẹ đều bỏ quê lên TPHCM làm gái bán dâm. Là người Khmer gốc Hoa nên chị em G. được khách làng chơi tứ xứ mê đắm vì nét “đẹp não nùng” của họ. Khách làng chơi tấp nập đến nhà G. khiến bọn “mặt rô” chọn G. để ép “mở đại lý” bán lẻ và lập trạm trung chuyển hàng cấm cho chúng...

Bị bắt quả tang đang phê thuốc lại cất giấu heroin trong bóp, G. bị gọi án 7 năm tù khi đã phát hiện nhiễm HIV. Thương hoàn cảnh và bản tính hiền lành của G. nên Hải thường giúp thêm thuốc men cho G. Chiều hôm ấy, Hải nhớ rất rõ, khi đưa trả phạm nhân về sam sau một ngày lao động, thấy G. đứng chờ cô ở trước cửa trạm xá. G. mệt nhọc nói: “Cán bộ ở lại mạnh khỏe. Em cảm ơn cán bộ đã không nỡ khinh rẻ em, cho em nơi nương tựa cuối đời. Em đi chuyến này chắc không còn quay về gặp lại được cán bộ nữa rồi... Cán bộ ở lại khỏe… em đi nhé”.

Hải quay mặt đi nơi khác để che đôi mắt ậng nước. Vài ngày sau, khi gạch tên G. trong sổ điểm danh của đội, người ta thấy mắt cán bộ Hải lại đỏ mọng. Năm 2011, Thượng úy Đặng Thanh Hải, nữ cán bộ quản giáo giỏi của trại giam An Phước được Trung ương Đoàn TNCS HCM tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền giáo dục phạm nhân trong độ tuổi thanh niên và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng.

Đại úy Vũ Trọng Chiến, Phó Bí thư Đoàn Tổng cục 8 Bộ Công an, giải đáp pháp luật cho phạm nhân trại giam An Phước.

Đại úy Vũ Trọng Chiến, Phó Bí thư Đoàn Tổng cục 8 Bộ Công an, giải đáp pháp luật cho phạm nhân trại giam An Phước.

  • Lối về

Có tiếng lào xào của tập vở đóng lại từ bên trong hội trường. Giờ học về luật pháp do Trường Đại học Luật hỗ trợ phạm nhân đã hết. Màu áo xanh của các quán bộ quản giáo nổi bật giữa những chiếc áo sọc xanh buồn bã dưới làn mưa mỏng. 80 con người trong bộ quần áo sọc kia là 80 hoàn cảnh cuộc đời khác nhau với các mức án cũng chẳng giống nhau.

Trời bắt đầu mưa to, ở góc hành lang hội trường, một phạm nam đứng rít thuốc lá liên tục. Tôi hỏi chuyện, V. kể về mình bằng giọng đều đều mệt mỏi. Cha là cán bộ của một đơn vị nhà nước, V. được một số bạn thường rủ đi chơi rồi họ cho V. “hít hê” (heroin) miễn phí. Khi V. trở thành con nghiện, chúng lộ rõ thân phận của kẻ trung chuyển ma túy mà V. là một trong nhiều “két giữ hàng” của chúng.

V. bị bắt với cái “két giữ hàng”. Ngày V. đi tù, con gái chưa đầy 2 tuổi, bây giờ nó sắp vào lớp 1. Để con không nghe điều tiếng về cha từ hàng xóm, vợ V. đã mấy lần dời nhà. Cha mẹ V. cũng bán nhà ở TPHCM để về quê sinh sống với hy vọng giữ lại được đứa em trai của V. không “chết chìm” như V.

Tốt nghiệp đại học kiến trúc lẽ ra V. đã có một cuộc sống sung túc vui vẻ với vợ con, nhưng chỉ vì ham vui nên V. đã trượt dài trong vũng lầy ma túy. V. cười cay đắng, cúi gằm mặt một lúc sau nhìn tôi cười gượng: “Hai tháng nữa cháu được về đời. Nhiều kịch bản “ngày trở về” cháu đã diễn thử nhiều đêm với chính bóng cháu trên vách vẫn chưa yên tâm. Giá phải trả cho sự ham vui ngày nào là quá đắt. Con gái cháu ngày một lớn, không giấu mãi được. Phải quay đầu về bờ thôi cô ạ”.

Trời se lạnh vì cơn mưa rừng trắng trời. Một phạm nhân nữ, khoảng 30 tuổi ngồi trong bàn học chống cằm nhìn ra khoảng trời mưa ở bìa núi xa rất lâu. Giải lao, tôi đến gợi chuyện. L., cô phạm nhân kể chuyện về mình thật tự nhiên. Nhìn cổ tay nhiều dấu thẹo của đầu thuốc lá châm vào và những nhát rạch chằng chịt bằng dao lam cùng với đôi môi thâm đen, những dấu tích không thể giấu giếm của những cuộc ăn chơi, “bay” cùng ma túy của người mẹ một con này.

Ban đầu mỗi ngày L. chỉ “cắn” một viên “nữ hoàng”, dần dà đói thuốc, hết tiền L. chấp nhận thành đại lý “bán đá lẻ” (ma túy đá) để được “đập đá” miễn phí. L. bị bắt khi đang cùng cả bọn nằm thài lai sau khi “đập đá” và những gói ma túy còn giấu ở cạp quần. L. bị gọi án 7 năm tù giam.

Ngày L. đi tù con gái được hơn 2 tuổi. Khi 5-6 tuổi nó hỏi mẹ: “Sao mẹ mặc đồ giống mấy người bán ma túy bị bắt trong ti vi vậy?”. Khi con lên 9 tuổi lên thăm, nó không nhìn vào mặt mẹ mà chỉ im lặng nhìn đi nơi khác. “Mới đây, khi gặp con, em hỏi, mẹ sắp được về con có vui không? Nó cười kỳ lắm rồi nói: không biết, nhiều người còn tưởng tui không có mẹ”.

Cô kể, cả tháng nay đêm nào cô cũng trằn trọc nhìn ra ô cửa sổ nhỏ của phòng giam nôn nao chờ đợi ánh sáng của ngày mới bừng lên ở đó. Cô than thở: “Đêm thức chờ ngày mới sao dài thế”. L. kể về nỗi ân hận khôn cùng khi đối diện với mẹ, với con và với chính cuộc đời mình: “Em đâu ngờ chỉ chơi thử ma túy một lần là mình đã thành con nghiện và phải trả giá 7 năm tuổi trẻ trôi qua sau những song sắt buồn thảm thế này”.
 

PHẠM THỤC

Tin cùng chuyên mục