Chuyện thần thoại 16 năm trước

Chuyện thần thoại 16 năm trước

Từ Philippines trở về sau SEA Games 16-1991, trong hành lý của ông Hoàng Vĩnh Giang, Giám đốc Sở TDTT Hà Nội, kiêm Phó đoàn thể thao Việt Nam có một vật lạ. Qua máy soi của hải quan, nó có dạng hình cầu, khi mờ, khi tỏ qua màn hình. Lấy ra xem thử thì đó là một quả cầu làm bằng mây. Mọi người trông lạ lắm, không hiểu nó là cái quái gì, còn ông Giang chỉ nhoẻn miệng cười…

Chuyện thần thoại 16 năm trước ảnh 1

Vài ngày sau, tại Hà Nội, một nhóm thanh niên tụ tập trước sân Sở TDTT Hà Nội để chơi một thứ trò chơi, vừa thú vị, vừa khó cực kỳ. Người đi đường dừng lại xem trông lạ lẫm, nhưng ai cũng công nhận nó vui thật, ngộ thật. Tất cả chỉ có thế.

Môn cầu mây được mang về từ SEA Games không có nhiều cơ hội cập bến Việt, nếu không có ý chí sắt đá và tầm nhìn rộng của một con người, đó là ông Giang.

Những lần đi sau, khi phương tiện truyền thông đề cập nhiều đến môn chơi gọi là Sepak Takraw, dân mình gọi là “cầu mây” thì nhiều người e ngại, vì thấy Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Myanmar chơi quá hay, sợ mình rượt theo không kịp.

Thế là ông Giang cùng các cộng sự đi thuyết phục từng nhóm người, từng địa phương, dù sau đó thường nhận được cái lắc đầu hoài nghi. Người ta cho rằng tập cầu mây để đấu với mấy “ông tổ cầu mây” thì cũng giống như “húc đầu vào đá”. Không nản chí, người ngoài không chơi thì trong nhà đóng cửa lại chơi với nhau. Đội cầu mây Hà Nội được thành lập, với số người chơi đa phần từ các môn thể thao khác chuyển qua. Có một điều là trong cái buổi đầu ấy, phái nữ tham gia đông hơn nam.

Chuyện thần thoại 16 năm trước ảnh 2

Từ trái sang gồm: Lưu Thị Thanh, Nguyễn Đức Thu Hiền và Nguyễn Hải Thảo với những chiếc huy chương vàng đồng đội nữ.

TPHCM cũng có chơi cầu mây, nhưng chỉ quanh quẩn ở 3 quận trung tâm là 1, 3 và 5. Sở TDTT không khoái, nên “vờ” luôn và thế là cầu mây… chết yểu tại một nơi tự xưng là “Trung tâm thể thao lớn nhất nước”.

Tôi còn nhớ tâm sự của anh Hoàng Đặng Nam (tự Út Bình) khi còn sống: “Mình thấy cầu mây hay hay, phát triển dễ, nhất là trong học sinh, không tốn nhiều diện tích sân bãi, nhưng nghiệt một nỗi là không có định hướng từ lãnh đạo ngành thì không thể đưa vào kế hoạch phát triển, không có kinh phí thì làm sao xây dựng phong trào. Thế là buông luôn”.

Quận 1 cũng có một tuyển thủ cầu mây giỏi là Lưu Ngọc Mai, nhưng không lẽ chơi cầu một mình, nên đành chuyển sang chơi bóng đá… Lâu lâu, nhớ nghề cũ, Mai căng lưới trong sân Tao Đàn, rồi rủ vài đồng đội đá cầu mây chơi. Một điều buồn cười là khi TPHCM “chê” cầu mây thì láng giềng Đồng Nai đã hưởng ứng nhiệt tình.

Kết quả, 3 cô gái Đồng Nai là Nguyễn Thị Thúy An 19 tuổi, Nguỵễn Thị Bích Thủy 21 tuổi và Nguyễn Hải Thảo 22 tuổi đã đoạt chức vô địch Đại hội TDTT toàn quốc, có tên trong đội tuyển Việt Nam và là chủ lực trong đội hình giành 2 huy chương vàng Asian Games 15.

Vậy nên, khi các cô gái cầu mây Việt Nam đánh bại Thái Lan, vươn lên vị trí số 1 môn thể thao này tại Asian Games 15, với 2 vàng, 1 bạc thì những ai từng cho rằng phổ biến cầu mây tại Việt Nam là chuyện cổ tích đều phải ngã mũ cúi chào. Một đồng nghiệp còn mạnh miệng nhận xét: “Đông Nam Á là trùm ở môn chơi này, nên vô địch Asian Games chẳng khác nào vô địch thế giới”.

Không sai! 16 năm đi sau các môn thể thao khác, nay cầu mây Việt Nam đã có thể ngẩng cao đầu nói chuyện với mọi người: “Này, tôi cũng là nhà vô địch đấy nhé!”.

KIM PHƯỢNG

Lịch sử cầu mây

* Xuất hiện vào thế kỷ 15 tại hai quốc gia Thái Lan và Malaysia, môn thể thao này nhanh chóng lan ra nhiều quốc gia Đông Nam Á khác. Nó “lai” giữa bóng đá và bóng chuyền, thêm một chút của môn cầu lông. Người ta gọi nó bằng cái tên chung là Sepak Takraw, với Sepak là đá, còn Takraw là cầu. Thái Lan gọi ngắn là “Takraw” hay “Sepak Raga”, Philippines gọi là “Sipa”, Myanmar gọi là “Chinlone”, Lào gọi là “Kator”, Indonesia gọi là “Raga”, còn Việt Nam du nhập vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước thì gọi là “Cầu mây”.

* Năm 1941, môn cầu mây mới có thêm cái lưới giăng ngang, còn trước đây chỉ thi đấu theo thể thức chuyền cầu vòng tròn giữa các đội. Đội nào chuyền nhiều, chuyền đúng quy định về kỹ thuật là thắng cuộc.

* Thái Lan đang là “trùm” ở môn này, với đội tuyển nam thắng 19/21 King’s Cup và đoạt huy chương vàng ở 4 kỳ Asian Games liên tiếp 1994, 1998, 2002, 2006.

* Việt Nam đang là thế lực mới ở cầu mây nữ, với 2 vàng, 1 bạc, xếp trên đội nữ Thái Lan với 1 vàng, 1 bạc, 1 đồng.

* Trái cầu hiện nay làm bằng nhựa tổng hợp, nặng 250 gr.

* Sân cầu dài 13,4m, rộng 6,1m, độ cao của lưới nam là 1,52m ở giữa và 1,55 ở hai biên, độ cao lưới nữ là 1,42m ở giữa và 1,45m ở hai biên.

L.G.

Tin cùng chuyên mục