Có an cư mới lạc nghiệp, thế nhưng đa số lao động nhập cư đang làm việc tại TPHCM không có nhà ở, phải sống trong những phòng trọ tạm bợ.
Có những chủ nhà trọ đã và đang hưởng ứng rất nhiệt tình việc TPHCM vận động không nâng giá cho thuê phòng trọ, hết lòng góp sức tạo điều kiện cải thiện điều kiện sống cho người lao động. Nhưng may mắn lắm người lao động mới gặp được chủ trọ có tấm lòng như vậy, còn đa số vẫn phải thường xuyên chuyển nhà trọ vì khó có thể an cư.
Muốn thấu hiểu nỗi gian truân trong cảnh sống của người lao động, chỉ cần đến thăm dãy nhà trọ ở khu phố đường Trần Đại Nghĩa, Tân Kiên, Bình Chánh, TPHCM. Nói không ngoa, các phòng trọ như “ổ chuột” vì quá tồi tàn. Cũng cần nói thêm, khi mới xây lên, những nhà trọ ở đây cũng khá đàng hoàng nhưng đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng mà chủ nhà trọ không màng tu sửa. Nguồn nước sinh hoạt là nước giếng khoan nhiễm phèn nặng vậy mà giá 1m3 từ 5.000 - 10.000 đồng, chứ không rẻ chút nào. Giá điện cũng vậy, do chủ nhà trọ tự ý nâng giá nên người thuê phòng trọ phải trả từ 3.000 - 5.000 đồng/kWh. Đó là chưa nói đồng hồ điện do chủ nhà trọ mắc thường chạy theo kiểu “phi mã”, nói nôm na là “có vấn đề bên trong” nên chạy rất nhanh.
Các phòng trọ ọp ẹp (khoảng 10 - 12m²), ẩm thấp, tường nứt, bong vôi… Do mái nhà lợp bằng tôn, lại quá thấp, vào mùa nóng nếu không có quạt máy sẽ không thể nào chịu nổi. Vào mùa mưa hoặc khi triều cường, công nhân thuê trọ phải sống chung với nước ngập, vì nền thấp. Đó là chưa nói nước kênh rạch ở TPHCM thường có màu đen và bốc mùi, có thể xảy ra dịch bệnh bất cứ lúc nào. An ninh nhà trọ cũng rất kém, nhiều công nhân mất xe, mất tiền, mất tài sản do những “đạo chích” thường hay lai vãng trong khu nhà trọ. Chủ nhà trọ chẳng quan tâm đến điều đó, mỗi tháng vẫn thu tiền trọ đều đều từ 600.000 - 1.000.000 đồng (chưa tính tiền điện, nước), ai mất mát gì thì mặc kệ.
Công nhân bỏ tiền ra thuê nhà nhưng chẳng được tôn trọng. Khi phản ánh với chủ nhà trọ về giá điện, giá nước tăng hoặc an ninh kém, người thuê trọ chỉ nhận được cái nhìn thiếu thiện cảm. Thậm chí khi bóng đèn hư, vòi nước gãy, ổ điện rò rỉ, công nhân phải tự mua về sửa chữa bởi nếu có thông báo cho chủ thì chủ nhà trọ cũng đổ lỗi cho người thuê trọ hoặc lờ đi.
Rất mong chính quyền địa phương quan tâm nhiều hơn nữa đến đời sống của công nhân ngụ tại các khu nhà trọ và thường xuyên kiểm tra các khu nhà trọ. Đồng thời có những biện pháp xử lý thích đáng đối với những người vi phạm việc kinh doanh nhà trọ. Có như thế đời sống công nhân mới được cải thiện.
ĐẶNG TRUNG THÀNH (Bình Chánh, TPHCM)