“Chuyển trạng thái” cho giai đoạn nước rút

Hơn 1,7 triệu học sinh TPHCM vừa chính thức bước vào năm học mới 2022-2023 - năm học đánh dấu sự phục hồi toàn diện sau cơn đại dịch và TPHCM đã nỗ lực không tăng học phí, tập trung bình ổn thị trường ở các nhóm hàng phục vụ khai giảng như một hành động thiết thực chia sẻ gánh nặng cùng phụ huynh. 

Đây được xem là một trong những điểm sáng tháng 8 trong việc điều hành chính sách của thành phố, nhất là trước áp lực lạm phát, giá cạnh tranh tăng cao ở hầu hết các lĩnh vực.

Bên cạnh đó, khép lại một kỳ nghỉ lễ Quốc khánh vốn được kỳ vọng là thúc đẩy đà phục hồi và tăng trưởng cho ngành du lịch thành phố, với gần 1 triệu lượt du khách, ước đạt doanh thu 2.740 tỷ đồng, là một chỉ dấu thật sự khởi sắc. Trên nền tảng “thể trạng” này tiếp tục nâng chất lượng dịch vụ, sản phẩm và “cởi mở” hơn nữa những quy định, du lịch sẽ “trúng mùa vàng” vào các dịp lễ, tết cuối năm.

Nhìn chung, với những diễn biến thị trường và dự báo trên từng biên độ mở nhất định (từ tháng 6-7) để từ đó có những biện pháp ứng phó, tháng 8 và thời gian còn lại của quý 3 là thời điểm quyết định cho sự thành hay bại trong phát triển mọi mặt của thành phố. Điển hình là mức đứng yên, thậm chí có thể giảm ở lĩnh vực công nghiệp-chế biến đã được dự báo từ nhiều tháng trước. Xung đột Nga - Ukraine, biến động của thị trường Âu - Mỹ… tiếp tục làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, thiếu hụt nguồn nguyên liệu sản xuất và gián đoạn, sụt giảm đơn hàng. 4 ngành hàng trọng yếu luôn đi đầu là sản xuất linh kiện điện tử, dệt, may, đồ gỗ đã bị tác động, dẫn tới chỉ số lao động việc làm ở 4 khu vực sản xuất này xấu đi trong thực tế. Nhìn tỷ lệ giảm trong tháng 8 ở cả 3 mũi nhọn thuộc Khu công nghệ cao thành phố sẽ thấy rõ: Giá trị sản xuất ước đạt 1,389 tỷ USD, giảm 14,5% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu đạt 1,094 tỷ USD, giảm 29,7% so với cùng kỳ và giá trị nhập khẩu đạt 0,989 tỷ USD, giảm 32,1% so với cùng kỳ.

Do đó, nếu không thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các thị trường nguyên liệu, phân phối thay thế; tìm cách khơi thông, đẩy mạnh, kích cầu nguồn lực của thị trường nội địa thì sẽ tiếp tục hứng chịu những đợt sóng suy giảm tiếp theo. Cộng với đó, việc giữ ổn định cho các các ngành công nghiệp - chế biến cần gắn chặt với việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng giao thông - logistic, cải cách - rút ngắn thủ tục hành chính, thúc đẩy các dự án đầu tư nước ngoài đã được cấp phép nhưng vướng thủ tục chưa thể triển khai trong khu công nghệ cao, các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Một trong những giải pháp tái cấu trúc và cân đối các nhóm ngành trọng yếu cũng cần được tính toán, mà thực tế là đã có đáp số. Ví dụ, ở mảng thương mại dịch vụ, trong tháng 8 đã cho thấy tiếp tục đà phục hồi ổn định, song sức tăng lại chưa được như kỳ vọng do áp lực lạm phát. Để cải thiện trong những tháng tới, quý tới, rất cần đẩy nhanh các khu vực có sức hút cả về thương mại, dịch vụ, du lịch (đặc biệt tại khu trung tâm hay khu Nam thành phố) đối với du khách trong lẫn ngoài nước, đối với chính nhu cầu của người dân. Cùng đó, phải sớm hiện thực hóa khái niệm “kinh tế đêm” bằng các quy định cụ thể, các phố đi bộ cùng hoạt động văn hóa - giải trí - dịch vụ du lịch, tiêu dùng phong phú, mới lạ, hấp dẫn, sáng tạo để thu hút, giữ chân du khách.

Để huy động nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa - xã hội, cần có sự tháo gỡ nhanh để thúc đẩy sự tham gia của nguồn vốn xã hội, đây chính là giải pháp để vừa giảm nguồn chi ngân sách vừa cộng đồng sức mạnh cả đầu tư lẫn vận hành, phân phối, thụ hưởng. Trong đó, mở cơ chế một số dự án để doanh nghiệp tư nhân nghiên cứu, đầu tư, khai thác, vận hành các dự án văn hóa, thể thao. Cũng như cần đặc biệt quan tâm để thực thi một số sáng kiến, công trình, chương trình liên quan đến phát triển trung tâm tài chính quốc tế và kinh tế số tại TPHCM, gắn với các ngành du lịch MICE, hội chợ, xúc tiến, khoa học công nghệ để ra các sản phẩm cụ thể, thúc đẩy kinh tế dịch vụ năm 2022-2023.

Cuối cùng, một trong những thông điệp - đã nhấn và tiếp tục nhấn đi nhấn lại - là giữ và nâng cao hơn nữa chất lượng cải cách hành chính. Trách nhiệm người đứng đầu của việc thi hành công vụ, sự phối hợp giữa các sở ngành quận huyện, ứng dụng công nghệ trong thủ tục hành chính, và đánh giá sự hài lòng của người dân để tạo sức ép cho các cơ quan thực hành công vụ, đặc biệt ở các lĩnh vực nóng như tài nguyên, xây dựng, thủ tục kinh doanh là một vài trong nhiều đầu việc. 

Tháng 8 đã là thời điểm kết thúc của nhiều “phép thử” trước khi “chuyển trạng thái” cho giai đoạn nước rút về đích với 4 tháng cuối năm 2022 đầy thách thức, lẫn cơ hội.

Tin cùng chuyên mục