Nghị quyết số 21 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành T.Ư Ðảng khóa XII nêu rõ: "Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững". Như vậy có thể thấy, nhiều vấn đề về công tác dân số cần giải quyết cả giai đoạn hiện nay và trong tương lai.
Sự cần thiết thay đổi chính sách
Sau hơn 50 năm theo đuổi chính sách giảm sinh, nhất là 25 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa VII về chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGÐ), năm 1993, đây là thời điểm cần và có thể trả lời một loạt câu hỏi, như: Việt Nam đã đạt được mục tiêu đề ra về giảm sinh hay chưa? Nếu đạt được thì kết quả này có vững chắc không? Nếu đã đạt được mục tiêu một cách vững chắc thì chính sách dân số luôn đặt KHHGÐ là trọng tâm, liệu có còn thích hợp? Nếu cần phải thay đổi thì nên thay đổi như thế nào?...
Cùng sự phát triển kinh tế - xã hội, sự đổi mới và thực hiện quyết liệt công tác KHHGÐ, mức sinh của Việt Nam đã giảm nhanh, hiện đạt mức thấp. Mục tiêu "bình quân mỗi gia đình hai con" đã đạt được sớm 10 năm so với thời hạn Nghị quyết T.Ư 4, khóa VII đề ra, và mô hình "gia đình hai con" đang trở nên phổ biến. Mức sinh thấp đã nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội. Ghi nhận thành công này, Liên hợp quốc đã tặng Giải thưởng Dân số cho Việt Nam.
Hiện nay, người dân đã nhận thấy lợi ích của mô hình gia đình nhỏ trên thực tế; hệ thống dịch vụ KHHGÐ phát triển, ngày càng được thị trường hóa; phần lớn những phụ nữ sinh đẻ hằng năm là những người trẻ, thuộc thế hệ In-tơ-nét, được giáo dục về DS-KHHGÐ khá tốt. Do đó, có thể tin tưởng rằng, chúng ta sẽ giữ vững thành tựu mức sinh thấp. Tuy vậy, Việt Nam vẫn là quốc gia có quy mô dân số lớn, mật độ dân số rất cao. Trên thế giới, chỉ có bốn nước (Ấn Ðộ, Băng - la - đét, Nhật Bản, Phi-li-pin) có mật độ dân số lớn hơn nước ta. Trung Quốc có dân số nhiều hơn, nhưng mật độ lại chỉ bằng một nửa Việt Nam.
Theo dự báo, dân số Việt Nam tiếp tục tăng chậm và sẽ đạt 100 triệu dân vào năm 2025. Dân số đông là một thị trường lớn, hấp dẫn đầu tư, nhưng cũng là thách thức lớn về an ninh lương thực, năng lượng, quản lý dân cư… Bên cạnh mức sinh thấp, dân số nước ta đã xuất hiện những xu hướng mới. Những xu hướng này sẽ tác động rất lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực, mang lại cả cơ hội và thách thức. Vì vậy, thay đổi chính sách dân số là nhu cầu cấp bách.
Thứ nhất, Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu dân số "vàng", với số người trong độ tuổi lao động, hơn gấp đôi số người phụ thuộc. Ðiều này mang lại nhiều "dư lợi" về lao động nhưng cũng là thách thức về tạo việc làm và việc làm có năng suất, thu nhập cao. Cơ cấu dân số "vàng" sẽ chấm dứt vào khoảng đầu thập niên 40 của thế kỷ này. Vì vậy, nếu không khai thác nhanh và hiệu quả, cơ hội "vàng" sẽ bị bỏ qua.
Thứ hai, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh nghiêm trọng. Năm 2015, cứ 100 bé gái được sinh ra thì tương ứng có tới gần 113 bé trai. Nếu không được cải thiện, tình trạng này sẽ dẫn đến sự phát triển không bền vững về mặt xã hội.
Thứ ba, năm 2011, tỷ lệ người cao tuổi ở nước ta đã đạt 10%, tức là bước vào giai đoạn già hóa. Ở nhiều nước, để trở thành nước có dân số già phải mất 50 đến 70 thậm chí cả trăm năm, nhưng theo dự báo, Việt Nam, chỉ mất khoảng 27 năm, thuộc nhóm nước già hóa nhanh nhất thế giới. Trong khi đó, Việt Nam chưa có sự chuẩn bị tốt để thích ứng một xã hội già hóa, chăm sóc và phát huy giá trị người cao tuổi.
Thứ tư, mặc dù tỷ lệ dân thành thị thấp nhưng tốc độ di cư, đô thị hóa, tích tụ dân số diễn ra khá mạnh. Di dân góp phần thay đổi cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất lao động nhưng việc tích tụ dân số với mật độ rất cao cũng dẫn tới nhiều áp lực lên hạ tầng cơ sở; gây ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường…
Thứ năm, chất lượng dân số tăng lên, nhưng chưa cao. Việt Nam chưa khi nào lọt vào tốp 100 nước có Chỉ số phát triển con người (HDI) cao nhất. Nhiều năm nay, Tổng cục DS-KHHGÐ thực hiện các dự án nâng cao chất lượng dân số, như tư vấn tiền hôn nhân; sàng lọc trước sinh và sơ sinh… đã thu được những kết quả tốt. Tuy nhiên, thành công vẫn chỉ mới trong khuôn khổ các
dự án.
Chính sách dân số trong thời kỳ mới
Do tình hình dân số đã có những thay đổi, tác động sâu rộng đến sự phát triển bền vững của đất nước, cho nên, công tác dân số trở thành nội dung quan trọng trong Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành T.Ư Ðảng khóa XII diễn ra vừa qua. Nghị quyết của Hội nghị đã khẳng định: "Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGÐ sang dân số và phát triển". Ðây là chủ trương lớn của Ðảng, là bước ngoặt lịch sử trong chính sách dân số của nước ta, sự khác biệt với chính sách dân số từ năm 1961 đến nay, vốn chủ yếu tập trung vào giảm sinh.
Tuy nhiên, trước hết, cần lưu ý, chỉ chuyển "trọng tâm" chính sách, chứ không phải từ bỏ KHHGÐ. Ðể duy trì mô hình gia đình hai con, đương nhiên phải áp dụng các biện pháp KHHGÐ. Vấn đề là KHHGÐ sẽ được tổ chức theo phương thức mới, linh hoạt. Ðó là, tập trung ưu tiên vận động sinh ít con hơn ở vùng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ hai con ở những nơi có mức sinh thấp. Do đó, việc truyền thông, phương thức cung cấp phương tiện, dịch vụ cũng phải khác nhau giữa các địa phương có mức sinh khác nhau.
Trọng tâm của chính sách dân số, từ nay sẽ chuyển sang "dân số và phát triển". Trọng tâm đó được chỉ rõ: Phấn đấu duy trì ổn định vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ lệ giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; duy trì và tận dụng có hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số "vàng", thích ứng với già hóa dân số, nâng cao chất lượng dân số, phân bố dân số phù hợp với quá trình phát triển. Trong kết luận Hội nghị T.Ư sáu, phần về công tác dân số, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh: Ðây là vấn đề "rất lớn và khó".
"Rất lớn", bởi nếu trước đây, chính sách DS-KHHGÐ chỉ tập trung giải quyết một vấn đề là mức sinh cao, thì nay, chính sách dân số mới phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ gắn bó hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia. "Rất lớn", bởi đây là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, liên quan đến việc bảo vệ, phát triển giống nòi, quốc gia, dân tộc; ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế - xã hội và môi trường của nước ta.
Chuyển trọng tâm sang "dân số và phát triển" là khó, bởi hơn nửa thế kỷ qua, tư duy DS-KHHGÐ đã ăn sâu trong xã hội, trong các cấp lãnh đạo và quản lý, mỗi gia đình và từng thôn xóm, bản làng. Khó, không chỉ vì các nguồn lực hạn hẹp mà còn bởi làm sao cho hài hòa giữa quyền con người và sự phát triển bền vững của đất nước. Dù khó khăn, chúng ta vẫn phải vượt qua, bởi những xu hướng dân số đã hiện hữu và không giải quyết được mối quan hệ "dân số và phát triển" thì đất nước khó phát triển nhanh, chất lượng cuộc sống không thể nâng cao.
Tính đến yếu tố dân số trong các kế hoạch phát triển
Ðể hóa giải những khó khăn, thực hiện chính sách dân số "rất lớn" trong thời kỳ mới, cần nhắc lại những bài học kinh nghiệm 25 năm thực hiện thành công Nghị quyết T.Ư 4, khóa VII. Ðó là quyết tâm chính trị rất cao, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy, chính quyền các cấp; là việc cụ thể hóa chính sách thông qua các chiến lược, chương trình, dự án thích hợp từng giai đoạn; là kiện toàn tổ chức bộ máy, từ T.Ư đến cơ sở phù hợp mục tiêu của chính sách, có chức năng, nhiệm vụ rõ ràng; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân số cùng huy động cả hệ thống chính trị, xã hội và đầu tư kinh phí thỏa đáng.
Mặt khác, để dân số được "đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội", thì các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường không thể không tính đến yếu tố dân số. Thông tin, số liệu và dự báo dân số phải được cung cấp đầy đủ cho mọi kế hoạch phát triển và phải là một trong những cơ sở đáng tin cậy của các kế hoạch này. Nói cách khác, dân số phải được lồng ghép vào kế hoạch hóa phát triển. Ðây là yêu cầu, cũng là giải pháp quan trọng khi chuyển trọng tâm chính sách dân số sang "dân số và phát triển".
Với việc thực hiện thành công Nghị quyết T.Ư 4, khóa VII, chúng ta có cơ sở để tin tưởng sâu sắc rằng, chính sách dân số trong thời kỳ mới vừa được Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành T.Ư Ðảng khóa XII đề ra, sẽ đi vào cuộc sống, đạt được các mục tiêu đề ra, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước