Về thăm xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, hỏi tới ngôi mộ 6 anh em, nhiều người vẫn còn nhớ như in cuộc thảm sát đẫm máu cách đây hơn 40 năm tại nhà ông Mười Đời (Bùi Văn Đời, tổ 1, ấp Mỹ Phước 1). Giặc đã cướp đi sinh mệnh của 7 anh em trong một gia đình, trong đó có 3 người là những chiến sĩ cách mạng tuổi còn rất trẻ.
Bữa cơm đẫm máu
Theo lịch sử xã Mỹ Hòa ghi lại, sáng ngày 25-9-1971, từ nguồn tin của gián điệp, hàng trăm lính dân vệ, lính bảo an huyện Bình Minh của chính quyền Ngụy đã bí mật tiến sâu vào ấp Mỹ Phước 1, mở trận càn quét đẫm máu tại nhà ông Mười Đời. Lính ác ôn đã xả súng thảm sát 8 người, trong đó có 7 người con của ông Mười Đời và một chiến sĩ hoạt động bí mật trong khu vực. Trong số những người con của ông Mười Đời bị sát hại có 3 người đang đi theo cách mạng là anh Bùi Ngọc Phương (21 tuổi, con thứ hai) du kích xã; Bùi Thị Ngọc Phát, cán bộ binh vận (19 tuổi, con thứ ba) và người con thứ tư là Bùi Thị Ngọc Bí, giao liên mật lúc ấy mới 17 tuổi. Những người còn lại là Bùi Ngọc Bầu (14 tuổi); Bùi Thị Ngọc Thực (7 tuổi); Bùi Ngọc Nghiệp (5 tuổi) và Bùi Ngọc Hòa (3 tuổi).
“Nghe ba má kể lại, hôm xảy ra thảm sát, má ẵm tôi lúc ấy được hơn 2 tháng tuổi và dẫn theo anh Sáu 10 tuổi chèo xuồng qua Cần Thơ bán cam, thăm ba chạy xe lôi bên đó. Ở nhà anh Hai bí mật dẫn người bạn chiến đấu là anh Trần Văn Giàu về nhà nấu cơm ăn chung với mấy em. Không ngờ, bị lộ, địch kéo tới bao vây bắn giết hết”, chị Bùi Thị Út Lớn, con thứ út của ông Mười Đời bùi ngùi kể lại.
Sau khi cuộc thảm sát xảy ra, những người dân cùng xóm đã tức tốc chèo xuồng sang Cần Thơ để báo tin cho vợ chồng ông Mười Đời. “Lúc đầu, mấy bác hàng xóm qua chỉ nói anh Phương bị bắt, khi ba má tui chèo ghe ra đến giữa sông Hậu họ mới nói là chết hết rồi. Lúc ấy, ba má tôi thất thần, đổ hết cam xuống sông, rồi chèo tới tấp về nhà. Nhìn thấy xác của anh, chị, em nằm la liệt trong vũng máu, mâm cơm tung tóe. Hai người đổ quỵ ngay trước cửa nhà” – người con thứ sáu Bùi Ngọc Học vẫn bàng hoàng khi nhớ lại. Còn ông Lưu Văn Tâm (bí danh Ba Tâm, hiện là Chủ tịch Hội người cao tuổi huyện Bình Minh), khi ấy là người trực tiếp chỉ huy phong trào du kích ở Mỹ Hòa cho biết: “Hay tin, chúng tôi cũng bí mật đến hiện trường để nắm tình hình. Cảnh tượng vô cùng đau đớn. Bọn lính bắn các chiến sĩ Phương, Giàu, Phát, Bí trước, rồi tiếp tục giết hết những người còn lại. Tội nhất là thằng Nghiệp (5 tuổi), thằng Hòa (3 tuổi) núp trong cánh cửa cũng bị lôi ra bắn, miệng hai đứa vẫn còn ngậm miếng cơm chưa kịp nuốt”. Không chỉ bị bắn, anh Phương còn bị bọn ác ôn rạch miệng đến mang tai và đánh dập sống mũi, anh Giàu bị moi tim để lên ngực rồi cho lính lôi xác hai người ra hội đồng xã phơi nắng. Mãi 2 đêm sau, vợ chồng ông Mười Đời mới đưa được xác con về nhưng vẫn không thể chôn cất vì trực thăng liên tục quần trên nóc nhà.
Kỷ vật sót lại
Chị Út Lớn cho biết, để tránh sự chú ý của máy bay địch, vợ chồng ông Mười Đời đã đào một hố lớn ngay dưới nền nhà để chôn chung 6 người con. Riêng anh Bùi Ngọc Phương được chôn gần với người bạn là anh Trần Văn Giàu cách nhà 300m. “Nghe ba tôi bảo, phải chôn riêng anh Phương vì lúc ấy chỉ có ảnh là hoạt động công khai, ba tôi muốn tách ra để đưa đơn kiện bọn ác ôn đã giết hại oan những đứa trẻ khác” - chị Út Lớn nói. Lần nào đi Sài Gòn kiện, ông Mười Đời đều dẫn cả nhà đi cùng. Sau đó, vụ việc đã gây xôn xao dư luận khi báo chí tiến bộ ở Sài Gòn lên tiếng với các bài báo có tiêu đề: “Vụ thảm sát do lính nghĩa quân Mỹ Hòa thực hiện” hay “Tống tiền, bắt heo, bẻ trái”… Trước áp lực của dư luận, chính quyền Ngụy đã nhiều lần thuyết phục gia đình ông Mười Đời nhận tiền bồi thường, yêu cầu ông rút đơn và im lặng. Anh Bùi Ngọc Học nhớ lại: “Tôi còn nhớ có lần phía chính quyền Ngụy đem ra rất nhiều tiền bồi thường, ước chừng một chiếc xuồng mới chở hết, nhưng ba tôi nhất quyết không lấy tiền mà chỉ yêu cầu phải bỏ tù những kẻ ác ôn giết người dã man”. Nhưng rồi vụ kiện dần bị lắng xuống bởi cuộc chiến tranh ngày càng vào giai đoạn ác liệt. Những năm sau đó, dù người dân trong xóm đã sơ tán gần hết, nhưng gia đình ông Mười Đời vẫn bám trụ lại trong căn nhà lá cạnh ngôi mộ 6 người con. Khu vực quanh nhà ông Mười Đời với nhiều vườn tạp um tùm, sông, rạch chằng chịt là một vùng ẩn náu bí mật của anh em du kích địa phương.
Sau ngày đất nước thống nhất, huyện Bình Minh đến hỏi ý kiến gia đình đưa hài cốt 3 liệt sĩ Phương, Phát và Bí, về nghĩa trang của huyện, nhưng vợ chồng ông Mười Đời từ chối. Ông bà muốn để các con yên nghỉ ngay cạnh nhà mình để được gần gũi mỗi ngày. Riêng phần mộ anh Phương vẫn nằm chỗ cũ, chỉ có tên tuổi của anh được khắc chung với các em trên bia của ngôi mộ tập thể.
Từ sau năm 1975, ông Mười Đời cũng bỏ chạy xe lôi, trở về quê làm nghề bán cưa và cưa cây mướn. Từ đó cho đến lúc tuổi già, đi đâu ông cũng đem theo cái mâm nhôm mà 7 người con của ông ăn cơm bữa trưa hôm định mệnh. Cái mâm chi chít lỗ thủng đạn bắn. Đó là kỷ vật còn sót lại trong cái ngày kinh hoàng của gia đình ông. “Nhiều người ở Mỹ Hòa có lẽ không bao giờ quên hình ảnh ông cụ Mười Đời đi bán cưa, gặp ai ông cũng kể say sưa về những đứa con anh dũng của mình. Cứ mỗi lần kể, ông đều cầm cái mâm kỷ vật lên ngắm nghĩa rồi rơi nước mắt” - ông Nguyễn Thành Được, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Hòa cho biết. Còn bà Lê Thị Tư (vợ ông Mười Đời) thi thoảng lại đem áo của các con ra ngắm nghía. Sức khỏe ngày càng yếu, bà mất năm 1988 khi được 56 tuổi. Năm 1995, bà Tư được Nhà nước truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng. Năm 2002, ông Mười Đời mất vì tuổi cao, phần mộ của ông bà được gia đình đặt nằm ngay cạnh ngôi mộ các con.
Xây nhà tưởng niệm
Sau khi vợ chồng ông Mười Đời mất, việc trông coi hương hỏa ngôi mộ tập thể trên được giao lại cho người con thứ mười là chị Bùi Thị Út Lớn (41 tuổi).
Đã hơn 40 năm kể từ ngày xảy ra cuộc thảm sát, đứa bé hơn hai tháng tuổi Bùi Thị Út Lớn giờ đã thành bà ngoại; cậu bé 10 tuổi Bùi Ngọc Học cũng đã có cháu nội. Ngồi trong ngôi nhà tường khang trang được xây dựng cạnh ngôi mộ của các anh chị, chị Út Lớn tâm sự: “Sau giải phóng, gia đình được Nhà nước cấp hơn 10 công đất, cộng với đất đai của gia đình có sẵn, nhờ vậy mà anh em ai cũng có hơn chục công vườn. Bình quân mỗi năm thu hoạch được vài chục triệu đồng. Tuy không có dư nhưng cũng đủ ăn và đủ lo cho con cái học hành, dựng vợ, gả chồng”.
Hôm chúng tôi đến thăm ngôi mộ cũng là lúc đoàn cán bộ Huyện ủy Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long xuống khảo sát để xây dựng lại ngôi mộ tập thể tại nhà ông Mười Đời. Ông Nguyễn Văn Rùm, Phó Bí thư Huyện ủy Bình Minh, khẳng định: “Ngày xảy ra cuộc thảm sát đẫm máu ở gia đình ông Mười Đời là một sự kiện lịch sử của địa phương. Vì vậy, Huyện ủy quyết định xây dựng ngôi mộ tập thể thành nơi tưởng niệm, ghi lại chứng tích lịch sử. Qua đó nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ biết trong những năm tháng lịch sử quê hương có những anh hùng tuổi còn rất trẻ đã ngã xuống để chúng ta có được cuộc sống ấm no hôm nay”.
Trước dự định của địa phương, chị Bùi Thị Út Lớn phấn khởi nói: “Anh em tôi rất vui khi biết tin này, chỉ mong các cấp lãnh đạo quan tâm, xây dựng sớm để các anh chị tui mau có nhà mới khang trang hơn”.
Mong ước đó chị Út Lớn sắp trở thành hiện thực bởi hiện tại, việc đo đạc, dự trù kinh phí xây dựng lại ngôi mộ tập thể đã hoàn tất. Theo dự kiến trong năm nay, ngôi mộ sẽ được khởi công có hàng rào, mái che, phía trước có bến sông, xung quanh là vườn bưởi, vườn cam quanh năm trĩu quá. Và như lời lãnh đạo huyện Bình Minh, đây sẽ là điểm đến để những thế hệ sau này của xã Mỹ Hòa luôn ghi nhớ về một thời máu lửa của quê hương.
Đình Tuyển