Chuyện về những “tài xế” đua bò Bảy Núi

Môn đua bò từ lâu đã gắn liền với đồng bào Khmer vùng Bảy Núi (An Giang) nhân dịp tết Dolta hàng năm. Đua bò xuất phát từ đời sống sản xuất của đồng bào Khmer nơi đây và ngày càng phát triển thu hút hàng chục ngàn người các nơi về tham dự.
Chuyện về những “tài xế” đua bò Bảy Núi

Môn đua bò từ lâu đã gắn liền với đồng bào Khmer vùng Bảy Núi (An Giang) nhân dịp tết Dolta hàng năm. Đua bò xuất phát từ đời sống sản xuất của đồng bào Khmer nơi đây và ngày càng phát triển thu hút hàng chục ngàn người các nơi về tham dự.

  • Đam mê bất tận

Trước đây, mỗi khi vào mùa cấy, trai tráng trong các phum, sóc ở vùng Bảy Núi mang bò về cày bừa cho đất chùa, còn phụ nữ hợp sức cấy lúa. Dịp này, trai làng rủ nhau dùng các đôi bò đang cày bừa để đua với nhau nhằm tạo không khí vui tươi trong lao động. Dần dần, cuộc đua trở thành môn thể thao truyền thống và đến nay đã trở thành một nét đẹp văn hóa tiêu biểu của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi.

Đam mê với đua bò có ông Nguyễn Văn Bé, được người dân địa phương gọi là Bé Bò. Ông gắn bó với nghề cày bừa từ năm 13 tuổi. Và đến năm 16 tuổi ông chính thức làm tài xế đua bò. Hàng năm, ông Bé đưa bò của mình tranh tài khắp các xã vùng Bảy Núi. Đến nay, dù tuổi đã cao nhưng ông Bé vẫn say mê đua bò. Ở vùng Bảy Núi, ông là một trong những người am tường môn đua bò hơn ai hết.

“Chơi bò cũng cực lắm, nhất là những lúc nó bệnh phải chăm như con nít! Bình thường phải bồi dưỡng liên tục, chỗ ngủ phải đàng hoàng. Nó ngủ yên giấc mới có sức khỏe để cày bừa” - ông Bé tâm sự.

Sôi động đua bò vùng Bảy Núi.

Sôi động đua bò vùng Bảy Núi.

Hơn 50 năm gắn bó với nghề đua bò, dù chưa một lần đứng lên bục cao nhất ở cuộc đua cấp tỉnh nhưng ông Bé vẫn không bỏ cuộc. Điều đặc biệt hơn, ông là người Kinh nhưng sống với đồng bào Khmer từ nhỏ. Có lẽ vì thế mà đến nay, khi đã lớn tuổi không thể tham gia các cuộc đua, ông chuyển qua làm chủ bò để duy trì niềm đam mê của mình.

Cũng ở vùng Bảy Núi, khi nhắc đến tài xế Chau Điêu ở ấp Tân Long, xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên những người chuyên điều khiển bò đua có phần nể phục. Anh nổi tiếng không chỉ vì sự gan dạ trên đường đua mà còn có tài điều khiển bò rất độc khiến cánh tài xế khi đối đầu trực tiếp phải e dè… Chau Điêu tâm sự: “Dường như đua bò đã ngấm vào máu thịt. Mỗi khi nghe ở đâu có đua, bằng mọi giá phải đến xem. Ngoài chuyện cổ vũ cuộc đua còn được học thêm cách điều khiển bò…”.

Chính sự đam mê đó đã làm việc học của Chau Điêu dang dở khi vừa hết lớp 1. Rồi cuộc đời Chau Điêu gắn với cày bừa và nghiệp làm tài xế mướn. Năm 1992, lần đầu tiên anh Chau Điêu làm tài xế chính thức ở giải đua cấp tỉnh và được giải cao. Hàng chục năm nay, mỗi mùa Dolta tới là Chau Điêu lại ăn, ngủ cùng với đường đua và tập luyện cùng với đôi bò. Chau Điêu nói: “Mình chơi cũng có lách léo, khôn khéo chút mới được; bò sau trúng bừa là bị loại”.

  • Mang niềm vui đến phum sóc

Có thể nói, ở vùng Bảy Núi, các chủ bò có hàng chục năm làm lái bò và theo nghiệp đua bò. Những người đàn ông này đã nếm trải hết những vinh quang và cay đắng của cái nghiệp không giống ai này. Có người đã tạo được cơ ngơi khá vững chắc, có người cũng đang lận đận với cuộc sống. Nhưng cái chung ở họ là niềm đam mê. Ngoài lo toan cuộc sống, việc chăm sóc đôi bò cũ hoặc tìm mua một đôi bò mới vẫn được họ dành nhiều thời gian. Bởi với họ, ngoài vợ con, bò đua là đứa con tinh thần không thể thiếu.

Hôm chúng tôi đến ấp Tà Miệt, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, gặp anh Chau Phi Lai, người cũng một đời gắn bó với niềm đam mê đua bò. Anh tâm sự: “Cái nghiệp này nó thế. Cứ một mùa giải trôi qua lại một lần tiếc nuối. Giải nhất ở huyện đã có rồi, nhưng cấp tỉnh chỉ một lần giải nhì cách đây 20 năm. Còn gần đây, chỉ đoạt giải tư thôi”. Có thể nói, sự hấp dẫn của khán đài, đường đua như đã ăn sâu vào máu thịt của Chau Phi Lai tự khi nào.

“Mình thi đấu đua bò rất vui. Nhưng chơi môn này phải gan mới được. Có nhiều thời điểm nguy hiểm lắm nhưng chơi riết rồi cũng không sợ gì. Đã chấp nhận chơi rồi thì không còn sợ gì nữa đâu” - Châu Phi Lai nói.

Với những tài xế đua bò, niềm đam mê của họ luôn gắn liền với những nguy hiểm chực chờ nhưng vẫn cứ lao vào. “Muốn làm tài xế đua bò phải gan lì và biết tránh hiểm nguy. Tai nạn trong đua bò thường là xứt bừa, xứt ách hoặc nguy hiểm hơn là té ngã, bừa đập vào đầu”, các tài xế đua bò vùng Bảy Núi chia sẻ kinh nghiệm như vậy. Biết trước hiểm nguy, nhưng những tài xế đua bò vùng Bảy Núi vẫn gắn chặt đời mình với nghiệp đua bò. Với họ, nó không chỉ thể hiện tài nghệ, bản lĩnh mà còn mong muốn đem đến niềm vui cho bà con trong phum sóc mỗi mùa Dolta về. 

Ngày 14-10, tại khu vực chùa Tà Miệt, xã Lương Phi (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) diễn ra lễ hội đua bò Bảy Núi truyền thống tranh Cúp truyền hình An Giang lần thứ 21.

Tham gia lễ hội đua bò năm nay có 64 đôi bò đến từ các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Thành, Châu Phú và Thoại Sơn (tỉnh An Giang) và sự có mặt của đôi bò 2 huyện Hòn Đất, Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang). Ngoài ra, còn có sự góp mặt của huyện biên giới Kirivong (tỉnh Takeo, Vương quốc Campuchia).

Sau một ngày tranh tài quyết liệt, đôi bò số 13 của ông Trần Văn Các tại xã Vĩnh Trung (huyện Tịnh Biên) giành giải nhất, với phần thưởng gồm: cúp, cờ, 1 tivi và 1 xe gắn máy hiệu Wave Alpha, tổng giá trị 30 triệu đồng. Đội đoạt giải nhì là huyện Tri Tôn, gồm đôi bò số 44 của ông Nguyễn Văn Búp, xã Lương Phi, với phần thưởng trị giá 20 triệu đồng; đôi bò số 54 của ông Chau Kim Sang, xã Núi Tô, đoạt giải ba, trị giá giải thưởng 15 triệu đồng.

Đ.TUYỂN - T. THANH

Tin cùng chuyên mục