Chuyện về những tấm biển hiệu

Hà Nội, ngoài chức năng là trung tâm văn hóa, chính trị, xã hội của cả nước, còn là một cái chợ to. Ở đó, có đầy đủ các sản vật và các dịch vụ được chắt lọc theo cách tinh túy nhất. Vì vậy, cũng chẳng có gì lạ khi biển hiệu ở Hà Nội thuộc hạng đa dạng và đẹp nhất nước. Ở Hà Nội có hẳn 2 phố chuyên nghề làm biển hiệu. Đó là phố Lê Văn Hưu và phố Nguyễn Thái Học và hàng trăm cửa hàng làm biển nhan nhản khắp hang cùng ngõ hẻm. Thời khó khăn, nhiều nhà hàng còn đơn giản hóa đến mức viết nội dung bằng phấn trên những tấm biển gỗ mỏng tanh.

Thời mở cửa, biển hiệu trở thành một thế giới sắc màu. Cửa hàng xoàng cũng dùng biển mi-ca một mặt, dán chữ đề can màu sắc rất nổi. Cửa hàng trung bình dùng biển mi-ca hộp, trong gắn đèn nê-ông, đến tối sáng choang một góc hè nhà. Những ngọn đèn vốn được sản xuất với mục đích thắp sáng, nay được chế ra đủ mọi hình hài, màu sắc bắt mắt. Đêm xuống, cả một đoạn phố lung linh với những biển hiệu lấp lánh xanh, đỏ, tím, vàng…. Sành điệu nhất là những tấm biển được làm công nghệ mới mà người ta gọi là “neon sign”. Cửa hàng nào có ông chủ kỹ tính, lại nhiễm tí sang trọng, nhất định phải dùng biển đồng. Đồng thúc nổi, đồng dùng axít ăn mòn tạo chữ và hình ảnh vừa đầy tính thẩm mỹ, vừa mang trong đó vẻ đẹp truyền thống.

Thời Pháp thuộc, người Pháp góp phần biến Hà Nội thành một đô thị thương mại. Thời đó, ở Hà Nội biển hiệu của các tiệm may nổi trội nhất. Khắp các phố phường Hà Nội nhan nhản biển hiệu đủ màu, đủ kiểu, nào là La Mode, tailleur de luxe rồi D.P.T tailleur (Hàng Gai), Tr.tailleur de luxe (Lê Quý Đôn)... Các cửa hàng kinh doanh các thứ khác (mà chủ yếu là những sản phẩm du nhập từ nền văn minh Pháp) nội dung biển hiệu cũng được Pháp hóa: Hôtel de ville, Le Journal des Dames, La premiere organe de la femme Annamite...

Dấu ấn nổi bật nhất trên các tấm biển hiệu thuộc về giai đoạn Hà Nội cùng cả nước bước vào thời kỳ đổi mới. Đổi mới, hội nhập quốc tế, cũng tức là hội nhập cả văn hóa, văn minh và đặc biệt là hoạt động giao thương, vì thế, người Hà Nội mới chế ra một thứ ngôn ngữ “Tây hóa” để cho Tây đọc chữ ta như Bahoatoho (bách hóa tổng hợp), Cuhimama (cửa hiệu may mặc)... Thậm chí, cả những cửa hiệu bình dân hết mức cũng Tây hóa một tí cho vui như: Chalotica (cháo lòng tiết canh), Suchuxeda (sửa chữa xe đạp). Được ít lâu, người ta phải chỉnh đốn lại thứ ngôn ngữ “sáng tạo” kỳ cục kia. Bây giờ thì biển hiệu nhiều kiểu dáng và đa dạng ngôn ngữ.

Những biển hiệu không chỉ là vật vô tri vô giác mà trong đó là dấu ấn của từng giai đoạn lịch sử, là văn hóa của cả một vùng đất và tính chất của cửa hiệu, tính cách của người chủ ở đất Hà thành này...

DIÊN VỸ

Tin cùng chuyên mục