Tôi trở lại Bà Điểm Mười Tám Thôn Vườn Trầu vào một ngày trung tuần tháng Chạp, khi Tết Giáp Ngọ đã đến gần, gió xuân dịu mát trên những vườn trầu ít ỏi còn sót lại. Hỏi thăm mấy bận mới tìm ra ngôi nhà của ông Năm Bà Điểm, vì những người trẻ tuổi không ai biết đến tên Năm Bà Điểm của thời khói lửa Tết Mậu Thân.
May mắn có một người già còn nhớ đến cái tên Năm Bà Điểm, bây giờ người ta gọi là ông Năm Mặt Trận. Ngôi nhà nhỏ ngày xưa cũng không thay đổi bao nhiêu, chỉ có vách ván cũ được thay bằng vách tường vững chắc. Có khác chăng là con đường làng xưa rợp bóng những bụi trúc già lã ngọn mát rượi, vang lên tiếng vó ngựa lọc cọc, tiếng chuông leng keng của những chuyến xe ngựa lúc hừng đông hoàn toàn không còn nữa. Bây giờ là phố xá thênh thang, đường trải nhựa phẳng lì và ông Năm Bà Điểm già hơn xưa rất nhiều, người thương binh của chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm xưa.
Nay tuổi già bóng xế nhưng ông không chịu sống thanh nhàn với con cháu. Vẫn nụ cười hào sảng thuở nào, vẫn hăng hái tham gia hoạt động trong các đoàn thể xã hội, nào là Hội Cựu chiến binh, Hội Khuyến học, Ban Công tác Mặt trận, Hội Người cao tuổi… Hầu như ông dành hết thời gian đi vận động bà con quyên góp xây nhà tình thương, nhà tình nghĩa, tặng học bổng các cháu nghèo hiếu học, lo quà tết cho người nghèo... ông Năm Bà Điểm cười móm mém giải thích: “Vậy đó, trận nào cũng có mặt, cho nên mọi người gọi là ông Mặt Trận”.
Gặp lại ông, làm tôi nhớ như in ngọn đèn dầu leo lét trong một đêm khuya vắng lặng mà tôi đã đến ngủ lại nhà ông cũng vào ngày giáp tết như hôm nay. Ánh sáng ngọn đèn dầu không đủ sáng dù không gian ngôi nhà quá chật hẹp. Trong ánh sáng chập choạng, ông Năm Bà Điểm ngồi trầm ngâm bên chiếc bàn tròn, trước mặt là ly rượu đế đã vơi phân nửa với dĩa tép rang làm mồi. Mấy lần ông nâng ly rượu lên định uống rồi lại thôi, tay vân vê ly rượu, nét mặt lộ vẻ băn khoăn điều gì đó còn chất chứa trong lòng chưa nói được thành lời. Ngoài sân, vầng trăng lưỡi liềm chênh chếch, rọi ánh sáng lờ mờ xuống vườn trầu xanh thấm đẫm hơi sương. Khúc nhạc muôn thuở của bầy côn trùng vang lên tự nãy giờ.
Bà Điểm quê hương vườn trầu của Hóc Môn những ngày giáp tết sao mà vắng vẻ, chỉ có tiếng gió đêm lùa xao xác vườn trầu. Bất ngờ ông Năm Bà Điểm đưa ly rượu trước mặt tôi, giọng phấn khích: “Mầy uống một miếng cho vui”. Tôi chưa kịp trả lời thì bên ngoài có tiếng gõ cửa, giọng đàn ông nói vọng vào “Cho tụi này vô nhậu với ông Năm”. Tiếng gọi cửa làm ông Năm chau mày đắn đo, trước khi ra mở cửa ông Năm Bà Điểm nheo mắt ra dấu cho tôi hãy bình tĩnh.
Hai tên cảnh sát chìm vừa bước vào đã chỉ vào tôi gằng giọng hỏi ông Năm Bà Điểm: “Nhà có người lạ sao không trình báo?”. Ông Năm Bà Điểm cười giả lả: “Thằng cháu tôi học ở Sài Gòn, ngày chủ nhật nghỉ học xuống chơi, nó là học trò mà”. Mặc cho ông Năm Bà Điểm phân bua, hắn vẫn bảo tôi phải xuất trình thẻ học sinh mới chịu. Qua giây phút căng thẳng, ông Năm Bà Điểm mời cả hai ngồi vào bàn nhậu.
Còn tôi vô mùng nằm cho khỏi bị muỗi cắn và suy nghĩ nhiều về ông Năm Bà Điểm. Tôi quen ông vì ông thỉnh thoảng xuống ở nhà người em họ sát bên nhà tôi ở trọ đi học tại Sài Gòn. Lần nào cũng như lần nấy, ông cũng đều mặc bộ đồ ba túi màu xám tro, đầu đội nón nỉ đen, dáng dong dỏng cao như dân chơi thứ thiệt. Tính tình vui vẻ cởi mở, dễ gây cảm tình dù là người mới gặp.
Tôi không hiểu ông xuống Sài Gòn để làm gì, ở vài ba ngày rồi về, lần này thì ông xuống ở hơn mười ngày và rủ tôi về nhà ông chơi cho biết Bà Điểm. Ông tự giới thiệu vì ông thứ Năm, ở Bà Điểm, nên mọi người gọi là ông Năm Bà Điểm. Tôi chìm vào giấc ngủ mang theo hình ảnh một ông Năm Bà Điểm hiền lành, hào sảng vui vẻ nhưng cũng đầy bí mật.
Tờ mờ sáng, ông Năm Bà Điểm đã gọi tôi thức dậy, ông đã chuẩn bị chiếc xe thổ mộ đưa tôi xuống chợ Hóc Môn về Sài Gòn. Ông sống bằng nghề chạy xe ngựa, cứ sáng sớm, ông đưa bà Năm vợ ông với mấy người bạn hàng xuống chợ Hóc Môn bán trầu cau, buổi trưa mọi người bán xong ông rước về nhà, có ai kêu đánh xe ngựa đưa đi đâu thì chạy kiếm thêm, cuộc sống tạm qua ngày.
Lọc… cọc, lọc cọc… Tiếng xe ngựa gõ đều xuống mặt đường nhuộm hơi sương lành lạnh, hai bên đường là cánh đồng lúa trổ đòng đòng lờ mờ trong sương sớm. Ông Năm Bà Điểm ngồi lặng thinh một bên càng xe điều khiển con ngựa chạy phon phon với nét mặt căng thẳng. Đến khúc đường vắng, ông lấy ra một bị nhỏ giấu trong bụng, tay lẹ làng móc ra từng mớ giấy nhỏ rải đều xuống đường.
Khi xe ngựa chạy gần đến chợ Hóc Môn trời mới hừng Đông, tiếng gà trong xóm xao xác gáy vang vang. Thì ra ông rải truyền đơn. Ông thân mật khoác vai tôi vào một quán cà phê gần đó ngồi chờ chuyến xe về Sài Gòn chưa đầy khách. Trong quán cà phê có một người đàn ông tuổi khoảng 40, ngồi trong góc quán, cũng đội nón nỉ đen. Hai người chào nhau bằng cái gật đầu nhè nhẹ, ông Năm Bà Điểm vỗ vai tôi nói hể hả: “Xe chạy phon phon một mạch, dọc đường không bị sụp ổ gà”.
Tôi hiểu ngay ý của ông là muốn nói với người đội nón nỉ ngồi trong góc quán, tôi thản nhiên trả lời: “Phải nói ông Năm đánh xe ngựa hết sẩy luôn”. Bất ngờ cả chợ Hóc Môn nháo nhào lên, mấy tên cảnh sát hò hét inh ỏi: “Bắt lấy Năm Bà Điểm, nó đâu rồi, chính nó rải truyền đơn đầy đường sáng nay, dấu xe ngựa của nó còn in rành rạnh”.
Người bí mật trong quán cùng với ông Năm Bà Điểm biết đã bị lộ, trước lúc đi nhanh ra phía sau quán thoát thân, ông Năm Bà Điểm còn căn dặn tôi: “Mau lên xe về Sài Gòn”. Tôi vội vã lên chuyến xe sớm giờ đã đông khách về Sài Gòn. Liền khi đó, mấy tên cảnh sát ập vào quán, trong đó có hai tên cảnh sát chìm hồi hôm đến nhà ông Năm Bà Điểm, hùng hổ hét lớn: “Năm Bà Điểm đâu?”.
Nhưng ông Năm Bà Điểm như bóng chim tăm cá, mờ mịt hơi sương đã bay về phương trời nào mất dạng. Những người đi chung chuyến xe Hóc Môn về Sài Gòn với tôi, ai nấy thảy đều mừng cho ông Năm Bà Điểm, thoát khỏi nanh vuốt của kẻ bạo tàn.
Mấy ngày sau, tôi vẫn không biết tin tức gì của ông Năm Bà Điểm, ông cũng không xuống nhà người quen sát bên căn phòng tôi ở trọ. Nóng lòng muốn biết tin ông, tôi mon men lên Bà Điểm. Gặp bà Năm vợ ông nói là ông Năm đi làm ăn xa, không có ở nhà. Lúc tiễn tôi ra về, bà Năm khẽ nói: “Đừng lên đây nữa, nguy hiểm lắm, “tụi nó” ngày đêm theo dõi gắt gao”. Rồi từ đó tôi không gặp lại ông.
Bất ngờ trong những ngày đầu của chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân, tôi gặp ông tại Đồng Ông Cộ Bà Chiểu, khi tôi cùng với bà con trong xóm chạy tản cư vì nơi đây sắp mở ra mặt trận khốc liệt. Cũng bộ áo ba túi, nhưng có mới hơn, cái nón nỉ đen cũng mới. Ông đang dõng dạc trấn an dân chúng: “Bà con yên tâm ra đi, nếu còn Quân Giải phóng ở nơi đây, tôi bảo đảm một cây kim sợi chỉ của bà con cũng không mất”. Tôi nghẹn ngào nắm lấy tay ông trong niềm vui gặp gỡ, không nói nên lời. Ông vỗ vai tôi bịn rịn: “Thôi đi đi, sắp tới giờ G rồi”.
Sau Tết Mậu Thân tôi trở lại Đồng Ông Cộ, một bãi chiến trường tan hoang. Trước kia, Đồng Ông Cộ rợp bóng cây, đi giữa trời trưa đứng bóng mà vẫn mát rượi, vì những tàn cây cổ thụ, hàng tre hai bên đường che bóng mát. Giờ thì trống trơ trống hoác, đứng từ đầu xóm nhìn ra cuối xóm, không còn mái nhà, không còn hàng cây. Vì những trận oanh tạc thành bình địa.
Tôi bồi hồi không biết ông Năm Bà Điểm của tôi bây giờ ra sao.
Hôm nay tôi trở lại tìm ông Năm Bà Điểm vào một chiều cuối năm như lần đầu ngày giáp tết tôi đến nhà ông. Mừng lắm khi tôi gặp lại người xưa giờ là ông Mặt Trận. “Hà… hà ông Mặt Trận vì trận nào cũng có mặt”. Nghe ông tâm đắc, vẫn kiểu nói của một Năm Bà Điểm không lẫn vào đâu chút nào.
Tôi bước đi trong gió chiều lồng lộng giữa Hóc Môn Bà Điểm Mười Tám Thôn Vườn Trầu, nay đã thay da đổi thịt, phố xá khang trang, đường tráng nhựa rộng thênh thang, xe cộ ngược xuôi như nêm. Mà sao tôi nghe như trong gió có tiếng xe ngựa leng keng thôi thúc, truyền đơn cách mạng tung bay theo sau chuyến xe ngựa lúc hừng đông.
NGUYỄN TƯỜNG LỘC