CLB văn hóa văn nghệ sinh viên: Sân chơi bổ ích

Công viên, hành lang, sân trường, đất trống là nơi mà thành viên các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ sinh viên thể hiện năng khiếu của mình. Nhiều năm qua, mô hình trên tại các trường đại học, cao đẳng đã thu hút đông đảo sinh viên tham gia, trở thành một sân chơi bổ ích. 

Công viên, hành lang, sân trường, đất trống là nơi mà thành viên các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ sinh viên thể hiện năng khiếu của mình. Nhiều năm qua, mô hình trên tại các trường đại học, cao đẳng đã thu hút đông đảo sinh viên tham gia, trở thành một sân chơi bổ ích. 

Tại Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, vài năm trở lại đây, hoạt động của các CLB văn nghệ khá sôi nổi. Tham gia một buổi tập của các bạn, chúng tôi cảm nhận được cả một thế giới nghệ thuật thu nhỏ: các bạn trẻ, người thổi sáo, chơi trống cajon, organ, guitar, kèn harmonica; người hát, nhảy và làm MC. Trần Phước Lộc, thành viên Ban Chủ nhiệm CLB Giai điệu trẻ trực thuộc Hội Sinh viên của trường, cho biết: “CLB thành lập năm 2009. Lúc đầu, ít sinh viên tham gia, nhưng sau 3 năm, số lượng sinh viên dự tuyển tăng lên. Đợt tuyển đầu tiên, nâng số lượng thành viên lên 22 người, lần 2 lên 30 người. Các hoạt động văn thể mỹ ở trường, CLB đều tham gia chủ lực. Ngoài ra, các bạn còn tự lập nhóm đi hát ở một số tụ điểm bên ngoài và tham gia một số chương trình tình nguyện khác”.

CLB Xung kích tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM được thành lập tháng 9-2012, hiện có 35 thành viên. Sinh viên Cao Thị Huyền Châu, một thành viên CLB, chia sẻ: “Khi tham gia các hoạt động ở trong và ngoài trường, chúng tôi được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, còn khi sinh hoạt chung nhóm, chúng tôi xem nhau như một gia đình vậy. Để cân bằng việc học và việc diễn, mỗi khi đi diễn về, mọi người đều cố gắng học bù những kiến thức bỏ lỡ, ai cũng xác định nhiệm vụ chính của bản thân là học tập”.

CLB MIR - Muse International Relation (một CLB văn hóa nghệ thuật của Khoa Quan hệ quốc tế Trường ĐH KHXH-NV TPHCM) tuyển thành viên hàng năm. Tiêu chí là chất giọng, khả năng trình diễn, đảm bảo đúng nhạc, hay, khả năng bè phối hợp, biết diễn xuất… Trung bình mỗi đội trong CLB MIR có khoảng 30 người. MIR còn kết hợp với CLB tình nguyện của khoa diễn phục vụ trẻ em ở các trại mồ côi. Thành viên Võ Thị Tố Linh chia sẻ thuận lợi khi tham gia MIR: “Chúng tôi được thỏa niềm đam mê, được đứng trên sân khấu trình diễn và thể hiện bản thân”. Còn ĐH Bách khoa TPHCM thành lập nhiều CLB đội nhóm chuyên những thể loại khác nhau, như nhóm Forever Alone thành lập năm 2014, với 10 thành viên tham gia hát, chơi đàn guitar, trống cajon, làm DJ…

Khi thành lập, các đội nhóm cũng gặp những khó khăn nhất định, chủ yếu là kinh phí. Ở một số nơi, nhà trường sẽ hỗ trợ một phần kinh phí hoạt động, còn đa số CLB phải tự thân vận động. Bên cạnh đó, các CLB còn mở lớp truyền thụ kinh nghiệm trình diễn cộng đồng cho sinh viên mới nhập học. Không chỉ dừng lại ở việc vui chơi, giải trí sau giờ học căng thẳng, các CLB, nhóm văn hóa văn nghệ ở các trường ĐH, CĐ còn là một môi trường rèn luyện tính kiên nhẫn, khả năng vượt khó và hòa nhập của sinh viên.

THANH THỦY - TIỂU YẾN

Tin cùng chuyên mục