“Có ai dám uống nước này không?”

Hai ngày liền, báo chí đưa tin đồng chí Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đã có những chuyến “vi hành” đến tận những hẻm, xóm, trực tiếp vào tận nhà dân để kiểm tra nguồn và chất lượng nước mà người dân đang sử dụng.
“Có ai dám uống nước này không?”

Hai ngày liền, báo chí đưa tin đồng chí Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đã có những chuyến “vi hành” đến tận những hẻm, xóm, trực tiếp vào tận nhà dân để kiểm tra nguồn và chất lượng nước mà người dân đang sử dụng.
 
Cụ thể tại quận Thủ Đức - địa bàn có Nhà máy nước Thủ Đức - đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm đã yêu cầu chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan phải công khai chất lượng nước giếng khoan. Bởi lẽ, người dân không khỏi giật mình khi chính Chủ tịch quận Thủ Đức cho biết, trong 104 mẫu nước giếng khoan mà người dân đang sử dụng được lấy tại 75 điểm thì chỉ có 2 mẫu đạt yêu cầu! Hài kịch hơn, người dân tại một quận có nhà máy nước tọa lạc nhưng phải mua nước ở bên Bình Dương, hoặc phải mua nước bình về ăn uống hay phải xài nước giếng. Con số 45.000 hộ dân chưa có nước sạch để sử dụng bây giờ mới được công khai.
 
Tại huyện Bình Chánh, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm đã phản ứng gay gắt khi thấy nguồn nước tại một trạm cấp nước tư nhân bị đóng rong rêu nhưng ngành y tế dự phòng lại cho rằng “đạt chuẩn”. “Có ai dám uống nước này không?”- câu hỏi của đồng chí Chủ tịch HĐND TP khiến những người trong và ngoài cuộc phải nhói lòng.

Thật nhức nhối khi một huyện đang có tốc độ đô thị hóa nhanh như Bình Chánh nhưng chỉ có 46% dân số được sử dụng nước sạch, số còn lại phải sử dụng nước “hợp vệ sinh”. Và trong 212 mẫu nước giếng “hợp vệ sinh” chỉ có 15 mẫu đạt tiêu chuẩn.

Người dân xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn sử dụng nước giếng khoan. Ảnh: Cao Thăng.
 
Không phải bây giờ chuyện nước “hợp vệ sinh” mới được công khai mà đã từ khá lâu người dân các vùng ven, vùng xa đã phải “sống chung” với nó nhiều năm. Người dân chịu đựng mãi đến khi không còn đủ kiên nhẫn mới gom góp tiền, lấy mẫu nước đưa đi kiểm nghiệm và hầu như mẫu nào cũng… “đạt chuẩn”. Làm tắt ngóm hy vọng mong manh được cấp nước sạch! Cần phải nói thêm, nước “hợp vệ sinh” đều được cung cấp bởi các trạm cấp nước tư nhân hay của ban quản lý các khu dân cư mới phát triển. Nguồn nước đều là giếng đóng, giếng khoan, cũng được xử lý nhưng không đảm bảo chất lượng và đều được bán với giá cao gấp 3-4 lần giá nước sinh hoạt.

Ai có dịp đến khu dân cư Bình Hưng mới thấu hiểu nỗi khổ của cư dân bên trong những ngôi nhà mới cất đẹp đẽ, đường sá khang trang nhưng hầu như nhà nào cũng phải gắn thêm hệ thống lọc nước vì nước bị nhiễm phèn đỏ quạch. Và nước ở đây chỉ dùng để tắm giặt; còn nấu ăn, phải mua nước đóng bình về sử dụng.
 
Có mấy lý do khiến tình trạng nước “hợp vệ sinh” tồn tại và cơ hội cho người dân tiếp cận nguồn nước sạch trở nên khó khăn. Một, các trạm cấp nước gần như không muốn chuyển giao địa bàn khách hàng cho ngành cấp nước vì mối lợi nhuận to lớn bấy lâu nay. Hai, người dân gặp phải nhiều rào cản khi muốn tiếp cận nguồn nước sạch. “Không có ống cái, chưa có kế hoạch!”, đó là câu trả lời thường xuyên khi ngành cấp nước muốn từ chối những đề nghị kéo ống cấp nước cho dân hay các khu dân cư. Ba, ngành cấp nước đã đưa ra mức chi phí lắp đặt đường ống, đồng hồ… với giá khá cao khiến cơ hội tiếp cận nước sạch càng mong mang hơn, nhất là đối tượng dân nghèo.

Những lý do đó giải thích vì sao gần 40 năm qua, ngay giữa lòng thành phố, cụ thể tại quận Bình Thạnh, vẫn còn tồn tại một khu phố không có nước sạch chảy đến. Đến khi báo chí và dư luận lên tiếng thì “ông cấp nước” mới xem xét và hứa hẹn sẽ kéo ống.

Những điều mà đồng chí Chủ tịch HĐND TPHCM phát hiện trong những chuyến thị sát nói trên không phải là điều mới mẻ đối với người dân. Chẳng qua vì người dân đã quen chịu đựng và họ bị tờ giấy “nước đủ chuẩn” ngáng chân. Chẳng qua vì “lợi ích nhóm” của các trạm cấp nước và chi phí lắp đặt nước sạch quá cao… Thậm chí họ bị nhiều báo cáo “đẹp” của các ngành chức năng che chắn. May mắn, có đồng chí chủ tịch chịu khó đến với dân, nghe dân nói, hiểu dân và thương dân.

Liệu lần này nước sạch sẽ thật sự chảy đến với dân? Người dân mong lắm, bức xúc lắm, như chính sự bức xúc đến nóng ruột của bà chủ tịch - đại biểu của dân: “Có ai dám uống nước này không?”...

THƯ LÊ

Tin cùng chuyên mục