Khi công dân thực hiện quyền tố cáo thì người đó có thể bị xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần từ người bị tố cáo. Do đó, Luật Tố cáo có quy định việc bảo vệ người tố cáo.
Áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết
Theo Luật Tố cáo, nguyên tắc giải quyết tố cáo phải bảo đảm an toàn cho người tố cáo; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo. Các hành vi tác động tiêu cực đối với người tố cáo như gây khó khăn, phiền hà; tiết lộ các thông tin có thể làm lộ danh tính của người tố cáo; đe dọa trả thù, trù dập, xúc phạm người tố cáo… đều là những hành vi bị nghiêm cấm. Việc yêu cầu được bảo vệ, được giữ bí mật thông tin là quyền của người tố cáo và là nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo. Khi người tố cáo có căn cứ cho rằng việc tố cáo có thể gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình hoặc người thân thích của mình, thì có quyền yêu cầu người giải quyết tố cáo hoặc cơ quan công an áp dụng biện pháp cần thiết để bảo vệ mình tại nơi cư trú, công tác, làm việc, học tập, nơi có tài sản, hoặc nơi người được bảo vệ yêu cầu, trong một khoảng thời gian không giới hạn tùy vào tình hình thực tế và mức độ hành vi xâm phạm đối với người được bảo vệ.
Để được bảo vệ, người tố cáo cần gửi văn bản yêu cầu bảo vệ đến người giải quyết tố cáo hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ (trường hợp khẩn cấp có thể yêu cầu trực tiếp bằng miệng và bổ sung văn bản sau); cung cấp các căn cứ xác định việc bị xâm phạm là xác thực; tuân thủ các yêu cầu mà cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ đưa ra liên quan đến công tác bảo vệ. Căn cứ vào những yêu cầu hợp lý mà người tố cáo đưa ra, hoặc xem xét tình hình thực tế cho thấy cần tiến hành bảo vệ người tố cáo, người giải quyết tố cáo có trách nhiệm chỉ đạo hoặc phối hợp thực hiện các biện pháp bảo vệ.
3 nhóm biện pháp bảo vệ
Chương 3 Nghị định 76/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tố cáo đưa ra 3 nhóm biện pháp bảo vệ người tố cáo:
1- Biện pháp bảo vệ bí mật thông tin: Lược bỏ họ tên, địa chỉ, bút tích, các thông tin cá nhân khác của người tố cáo ra khỏi đơn tố cáo và các tài liệu, chứng cứ kèm theo, đồng thời lưu trữ và quản lý thông tin về người tố cáo theo chế độ thông tin mật.
2- Biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm: Nếu người được bảo vệ là cán bộ, công chức, viên chức, người bảo vệ có thể tiến hành biện pháp thuyên chuyển công tác của người được bảo vệ sang cơ quan, tổ chức, đơn vị khác nếu có sự đồng ý của họ để tránh bị trù dập, phân biệt đối xử. Trường hợp người được bảo vệ là người làm việc theo hợp đồng lao động mà không phải là viên chức, thì có thể tiến hành biện pháp yêu cầu người sử dụng lao động chấm dứt hành vi vi phạm hoặc khôi phục vị trí công tác, việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm cho người được bảo vệ.
3- Biện pháp bảo vệ an toàn (về tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các quyền nhân thân khác): Bố trí lực lượng, phương tiện, công cụ để bảo vệ an toàn cho người được bảo vệ; áp dụng các biện pháp hành chính khác nhằm ngăn chặn hành vi tấn công, xâm hại hoặc đe dọa tấn công xâm hại người được bảo vệ...
Luật sư PHAN VŨ TUẤN
(Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam)