Cơ chế đặc thù cho vùng sản xuất đặc thù

Ai cũng biết, ĐBSCL là vựa lúa, cá tôm, trái cây của cả nước. Mức đóng góp từ các sản phẩm chủ lực này cho nền kinh tế rất lớn (chiếm gần 20% GDP quốc gia). Những năm vừa qua, khi kinh tế nước ta gặp khó khăn, chính nông sản là nguồn quan trọng, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Thế nhưng, một điều ít ai biết là đến thời điểm này, cây lúa, con tôm, con cá, trái bưởi, trái xoài… vẫn chưa có một “chiếc áo” chính sách vừa vặn để phát triển.

Thời gian qua, nhất là từ cuối năm 2011 đến nay, các mặt hàng nông thủy sản trọng điểm tại ĐBSCL đều có những biến động thất thường về đầu ra, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu, tác động lớn đến đời sống kinh tế đất nước. Nông dân gặp không ít khó khăn, doanh nghiệp lao đao và chính quyền các địa phương trăn trở tìm giải pháp. Chính “sản xuất theo phong trào”, “mạnh ai nấy làm”, đầu tư trùng lắp, dàn trải, nhỏ lẻ, chậm phát huy hiệu quả đã dẫn đến thế mạnh các sản phẩm chủ lực của vùng là lúa gạo, trái cây, thủy sản chưa được phát huy đúng mức.

Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng này, song, theo các chuyên gia, lý do chủ yếu là việc tổ chức sản xuất nối kết với thị trường đang “có vấn đề”. Hiện trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, bình quân 1 hộ chỉ có 0,57ha đất sản xuất đã gây cản trở đầu tư lớn vào nông nghiệp. Sự manh mún còn thể hiện thông qua các quy hoạch, chủ trương đầu tư đã chia cắt chuỗi giá trị ngành hàng, không gian kinh tế vùng bị vụn ra theo từng tỉnh, thành, hay nói ví von là tư duy kinh tế tỉnh hiện nay giống kiểu kinh tế “vỏ mít” - quá nhiều mũi nhọn. Do vậy, việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng sản xuất đặc thù là mệnh lệnh phát triển. Hội nghị về chính sách, mô hình phát triển các sản phẩm trọng điểm vùng ĐBSCL tổ chức tại An Giang không nằm ngoài yêu cầu đó.

Tuy thế, việc lựa chọn và tính toán đối với từng sản phẩm xem ra không hề đơn giản nếu lời giải của bài toán bỏ qua liên kết vùng và vai trò điều phối chung. Do đó, cơ chế liên kết vùng ĐBSCL cần được “may đo” từ tư duy về quy hoạch phát triển. Đó là phát triển nền nông nghiệp ĐBSCL trong điều kiện cạnh tranh giành ưu thế trên thị trường nông sản thế giới; không phải là “khoanh vùng” dựa vào lợi thế tự nhiên, mà phải gắn kết lợi thế tự nhiên với chế biến và thương mại để nâng cao giá trị gia tăng, mang lại sự giàu có.

Đã có nhiều ý kiến chuyên gia về việc xây dựng các “cluster” - cụm ngành kinh tế liên hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp mà vùng ĐBSCL có thế mạnh. Đây cũng là mô thức của các nền nông nghiệp phát triển trên thế giới nhằm gắn kết sản xuất với chế biến và tiêu thụ.

Như vậy, quy hoạch phải dựa theo sản phẩm thế mạnh của vùng, của từng tỉnh, thành với mối quan hệ gắn bó chặt chẽ ngành hàng. Những điều này đòi hỏi tổ chức lại quy trình sản xuất lúa gạo, trái cây, thủy sản của vùng theo chuỗi giá trị, từ quy trình sản xuất giống chất lượng cao cho đến khâu thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Cụ thể, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã xây dựng đề án tổng thể với 5 dự án nhằm phát triển sản xuất lúa - gạo, cây ăn trái, cá da trơn, tôm nước mặn và nâng cao thu nhập nông dân qua đào tạo nghề và cơ chế tổ chức và chính sách hợp lý thực hiện đề án. Sắp tới đây, khi có chính sách đặc thù cho lúa gạo và thủy sản, nông nghiệp ĐBSCL chắc chắn sẽ có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Về mặt cơ chế, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch kinh tế - xã hội ĐBSCL đến năm 2020, xác định ĐBSCL là vùng trọng điểm về phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao; sản phẩm xuất khẩu chính của cả nước với hai mặt hàng chiến lược là lúa gạo và thủy sản.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng vừa có quyết định về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng ĐBSCL, đồng thời nâng cao vai trò tham mưu, điều phối của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ.

Đây chính là những điều kiện cơ bản để ĐBSCL tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế, khai thông các kênh tín dụng và đào tạo nguồn nhân lực để phát triển các loại sản phẩm chủ lực, như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu: “Cơ chế mới phải hạn chế tối đa bất lợi, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của cả vùng ĐBSCL”.


Trần Minh Trường

Tin cùng chuyên mục