Cơ chế đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột: Cần giảm thuế nhiều hơn nữa

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, đây là lần đầu tiên xem xét ban hành cơ chế đặc thù cho một đơn vị hành chính cấp thành phố trực thuộc tỉnh, song Buôn Ma Thuột là thành phố lớn nhất của Tây Nguyên. Nhưng chính sách như đề xuất của Chính phủ còn... "hẻo" quá.


Buôn Ma Thuột là thành phố lớn nhất của Tây Nguyên
Buôn Ma Thuột là thành phố lớn nhất của Tây Nguyên

Cuối giờ sáng 24-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã biểu quyết, nhất trí bổ sung dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2022, trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp thứ 4 (khai mạc ngày 20-10 tới đây).

Cơ chế đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột: Cần giảm thuế nhiều hơn nữa ảnh 1 Quang cảnh phiên họp của UBTVQH sáng 24-9

Miễn thuế thu nhập cá nhân 5 năm cho nhà khoa học tài năng

Báo cáo về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đề xuất cho Đắk Lắk được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các nguồn tài chính khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp.

Phần dư nợ tăng thêm so với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước được dành toàn bộ để đầu tư các dự án trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột. Tổng mức vay và bội chi ngân sách tỉnh hàng năm do Quốc hội quyết định.

Chính phủ cũng đề xuất cho tỉnh được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ % định mức chi thường xuyên tính theo định mức dân số đối với dân số thuộc TP Buôn Ma Thuột theo các nguyên tắc, tiêu chí tính dự toán chi thường xuyên năm 2022 cho dự toán chi thường xuyên năm 2023 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết này. Số chi tăng thêm nêu trên được bố trí chi cho các nhiệm vụ chi được phân cấp của TP Buôn Ma Thuột.

Về thuế, Chính phủ đề xuất các dự án đầu tư thuộc các ngành, nghề, lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ, xuất khẩu nông sản, du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo (trừ các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư theo các chính sách xã hội hóa), sản xuất các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, sản xuất và kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ của doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đầu tư kinh doanh trung tâm logistics, cảng cạn, kho hàng hóa tại TP Buôn Ma Thuột được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Với quản lý quy hoạch, Chính phủ đề xuất, trên cơ sở đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị TP Buôn Ma Thuột được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho UBND tỉnh Đắk Lắk thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị của TP Buôn Ma Thuột theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Đáng lưu ý, chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt làm việc tại TP Buôn Ma Thuột trong thời gian thực hiện Nghị quyết này được miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời gian 5 năm đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ công việc phát sinh tại đây.

Mặc dù cơ bản tán thành các chính sách nêu trên, song cơ quan thẩm tra cho rằng, tính thực tiễn cần được cân nhắc thêm vì với sự phát triển của khoa học, công nghệ, các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt hiện có thể làm việc từ xa và không nhất thiết phụ thuộc vào nơi cư trú. Việc ưu đãi thuế thu nhập cá nhân theo nơi cư trú không thu hút được nhân tài một cách lâu dài mà lại gây bất bình đẳng và mất số thu. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, Luật thuế thu nhập cá nhân chỉ quy định đối tượng nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo thì mới được xem xét giảm thuế; không ưu đãi thuế đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt.

Ưu đãi chưa đủ hấp dẫn

Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhất trí trình Quốc hội cơ chế, chính sách đặc thù cho Buôn Ma Thuột để quyết định ngay ở Kỳ họp thứ 4, song cho rằng, cơ chế đặc thù như trên là hẹp quá. Ông Định đề nghị nghiên cứu để có thể giảm thuế ở mức nhiều hơn nữa. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K'đăm cũng cho rằng: “Cần ưu đãi mạnh hơn về thuế để giữ chân doanh nghiệp trong nông nghiệp”.

Nhấn mạnh đây là lần đầu tiên xem xét ban hành cơ chế đặc thù cho một đơn vị hành chính cấp thành phố trực thuộc tỉnh, song đây là thành phố lớn nhất của Tây Nguyên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, chính sách như đề xuất của Chính phủ còn "hẻo" quá.

Từ đặc thù của Buôn Ma Thuột là thủ phủ cà phê, Chủ tịch Quốc hội gợi ý nghiên cứu để có thể có đề án với mức ưu đãi cao nhất phát triển chuỗi giá trị của cà phê, từ tái canh, chế biến, thương hiệu, lễ hội... Có như vậy cà phê Việt Nam mới có thể tham gia tích cực vào chuỗi giá trị của toàn cầu, thậm chí có thể chủ động tạo ra chuỗi giá trị mới, mang tính dẫn dắt.

Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đồng tình với nhận xét của Chủ tịch Quốc hội là chính sách còn chưa thực sự hấp dẫn, nhưng cho biết, một số các ưu đãi khác đã có trong các chương trinh, đề án của Chính phủ cho Buôn Ma Thuột.

Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát, đề xuất chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, trong đó có chính sách cho chuỗi giá trị cà phê Buôn Ma Thuột.

Tin cùng chuyên mục