Mía là một trong những cây trồng quan trọng của nước ta, với diện tích trên 260.000ha, có khoảng 200.000 hộ trồng, giải quyết việc làm cho gần 1 triệu lao động. Tuy vậy, vài năm trở lại đây, diện tích trồng, năng suất, sản lượng mía không tăng, thậm chí còn giảm so với các năm trước. Nhiều nhà khoa học cho rằng, ngoài nguyên nhân thiếu giống tốt, sâu bệnh, thiếu nước tưới, việc chưa đầu tư cơ giới hóa canh tác đã dẫn tới tình trạng trên.
Chính vì thế, trong khoảng 6 năm qua, Sở KH-CN TPHCM đã thử nghiệm và đưa khoa học, máy móc thiết bị vào việc canh tác mía tại tỉnh Tây Ninh, cho thấy những hiệu quả rõ rệt so với canh tác thủ công. Đầu tiên, để việc cơ giới hóa đạt hiệu quả, việc xác định mật độ, khoảng cách trồng cây mía trên ruộng để máy móc hoạt động hiệu quả là yêu cầu tiên quyết.
Từ 2005, Kỹ sư Phan Gia Tân (nguyên Trưởng bộ môn Cây nông nghiệp, ĐH Nông Lâm TPHCM) với sự hỗ trợ của Sở KH-CN TPHCM đã thực hiện nghiên cứu “Xác định mật độ và khoảng cách trồng mía thích hợp cơ giới hóa”. Qua các thí nghiệm tại trại thực nghiệm và sản xuất mía giống ở Tây Ninh, Đồng Nai và Phú Yên, kết quả đều cho thấy: Mía trồng hàng kép năng suất cao hơn hàng đơn, trong đó trồng hàng kép tỷ lệ 0,3m x 1,2m x 0,3m giúp tăng khoảng 22% năng suất, giảm 19,25% chi phí đầu tư 1 tấn mía so với cách trồng hàng đơn theo cách thủ công. Đặc biệt, chữ đường (CCS) vẫn giống cách trồng thủ công.
Khâu quan trọng nhất, nặng nhọc nhất và tốn công nhất trong canh tác mía là khâu trồng và thu hoạch mía. Năm 2009, Tiến sĩ Nguyễn Như Nam (Khoa Cơ khí Công nghệ, ĐH Nông Lâm TPHCM) đã chế tạo thành công máy trồng mía đa năng, có giá khoảng 90 triệu đồng (bằng khoảng 40% so với sản phẩm ngoại cùng loại), nếu sản xuất hàng loạt còn giảm tiếp được từ 20%-30% giá.
Trước đây, để trồng 1ha mía cần 30 - 35 nhân công, chi phí khoảng 2,4 triệu đồng tiền công, thì nay, với chiếc máy này, chỉ cần 3 nhân công với chi phí chỉ khoảng 400.000 đồng cả công và nhiên liệu. Ở khâu thu hoạch, chiếc máy của Thạc sĩ Bùi Trung Thành (đã phát triển qua thế hệ thứ 2), sản xuất năm 2008 đã thử nghiệm và hoạt động thành công tại Tây Ninh, giúp giảm 30%-40% chi phí công lao động, đẩy nhanh thời gian thu hoạch mía.
Nước ta hàng năm vẫn phải nhập khẩu trên dưới 300.000 tấn đường. Với diện tích đất trồng mía lớn, nguồn lao động dồi dào, việc đưa các loại máy móc nội địa đã và đang chứng minh được hiệu quả.
Theo PGS-TS Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, các doanh nghiệp, nhà đầu tư cần nhận thức rõ vai trò của việc cơ giới hóa, đặt hàng cơ quan quản lý, hoặc trực tiếp thuê các nhà khoa học nghiên cứu, chế tạo các loại máy móc, đầu tư tới nơi tới chốn. Có như vậy, việc cơ giới hóa canh tác mía mới đạt hiệu quả cao, góp phần phát triển kinh tế đất nước, nâng cao đời sống người nông dân.
Kiên Giang