Sự kiện FPT cho ra đời máy tính bảng, được tích hợp bộ vi xử lý Qualcomm MSM 7227 cho thấy nhà sản xuất chipset đến từ Mỹ muốn sản phẩm của Qualcomm được ứng dụng rộng rãi trên các thiết bị công nghệ tại Việt Nam, đặc biệt trên các sản phẩm do bản địa sản xuất.
Qua phát biểu của ông John Stefanac, Chủ tịch Qualcomm châu Á - Thái Bình Dương, thấy rõ điều này: “Nếu tôi không lầm, đây là chiếc máy tính bảng đầu tiên được ra mắt bởi một nhà sản xuất Việt Nam. Chúng tôi rất hân hạnh được hợp tác với FPT làm ra sản phẩm này. Hai công ty sẽ tiếp tục phối hợp với nhau trong việc đưa nhiều hơn nữa các sản phẩm điện thoại di động, máy tính bảng… trên nền tảng công nghệ chipset của Qualcomm tới tay người tiêu dùng Việt Nam trong thời gian tới”.
Ông John Stefanac phân tích: “Nói đến chip máy tính bảng, thường nói đến tốc độ của bộ xử lý. Trong khi với chip Qualcomm, chúng tôi mang đến trải nghiệm tổng thể của người dùng, nó sẽ giúp chạy các đoạn video chất lượng cao với chất lượng đồ họa sống động. Chúng tôi xét tới tất cả các mặt của người tiêu dùng vì thế chúng tôi tích hợp tất cả các khả năng, tính năng vào trong một con chipset chỉ bằng cái móng tay. Nhờ có thể tích hợp tất cả chức năng đó vào chipset, nên khả năng hoạt động tốt hơn và sử dụng ít năng lượng hơn, lượng pin cao hơn nhiều”.
Tuy nhiên, câu chuyện của Qualcomm vào thị trường Việt Nam không chỉ đơn cử quanh chiếc máy tính bảng của FPT mà còn là thị trường rộng lớn. Gần đây nhất, Qualcomm đã khởi động chương trình “3G, Mọi Lúc, Mọi Nơi”. Theo đó hơn 60 cửa hàng bán lẻ các thiết bị công nghệ tại Việt Nam sẽ tham gia vào chương trình nâng cao nhận thức và sự yêu thích đối với các công nghệ 3G. Có thể lý giải Qualcomm là việc này vì trên những sản phẩm công nghệ của những nhãn hàng như Q Mobile, FPT, K Touch, Sony Ericsson, Huawei và Alcatel… đều ứng dụng chipset của Qualcomm.
Có thể thấy, Qualcomm tiếp cận với thị trường bằng việc tiếp cận các sản phẩm gần gũi với người tiêu dùng. Như việc cùng nhau cho ra đời chiếc máy tính bảng FPT, Qualcomm và FPT đã hợp tác chặt chẽ trong suốt quá trình phát triển sản phẩm để cho ra đời máy tính bảng Việt đầu tiên sử dụng những công nghệ mới nhất của Qualcomm với mức giá hợp lý.
Ông John Stefanac cho rằng khi chipset của Qualcomm được lắp vào máy tính bảng, điện thoại… người dùng có thể sử dụng các tiện ích ở mọi nơi. Đến nay, chipset của hãng công nghệ đến từ Mỹ này đã được trang bị hơn 125 dòng thiết bị đang được có thị trường và trong tương lai, các sản phẩm tích hợp chipset Qualcomm sẽ xuất hiện nhiều hơn tại Việt Nam.
Với câu hỏi tại thị trường Việt Nam, Qualcomm có kế hoạch cho đào tạo, chuyển giao công nghệ hay không thì ông John Stefanac khẳng định là có. Qualcomm đã bước vào chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng hiện tại chưa thể công bố chính thức do còn những vấn đề trong hợp tác phải thống nhất. Những thông tin này cho thấy, đây là một cơ hội tốt cho doanh nghiệp trong nước, nếu đón được cơ hội này, với công nghệ và kinh nghiệm phát triển chipset của Qualcomm, sau này sẽ giúp ích rất nhiều trong việc hình thành và phát triển ngành chipset trong nước!
BÁ TÂN