Không có làn sóng biểu tình xuất hiện sau bầu cử, không có tranh cãi về phiếu bầu, cuộc bầu cử của Iran năm nay được đánh giá diễn ra trong tự do và công bằng. Bất ngờ lớn nhất là việc giáo sĩ ôn hòa Hassan Rohani chiến thắng với tỷ lệ 51% và không cần phải qua đợt bỏ phiếu lần hai như dự đoán trước đó. Những dấu hiệu đó cho thấy chiến thắng của ông Rohani đã được dư luận đồng tình.
Mối quan tâm hàng đầu của cử tri Iran hiện nay là kinh tế. Vì thế dù giáo sĩ 64 tuổi đã cam kết xây dựng và thực hiện “hiến chương về quyền công dân”, đồng thời, thúc đẩy quyền lợi của phụ nữ và các nhóm dân tộc thiểu số song vẫn khẳng định vấn đề cần thực hiện đầu tiên là vực dậy kinh tế nước này.
Theo AFP, từng giữ chức thư ký Hội đồng an ninh quốc gia tối cao trong 16 năm và là trưởng đoàn đàm phán hạt nhân từ năm 2003 đến 2005, ông Rohani được kỳ vọng sẽ là người “gỡ rối” cho mối quan hệ căng thẳng giữa Iran với phương Tây, một trong những nút thắt quan trọng để hồi sinh nền kinh tế Iran, vốn đang suy yếu từ những lệnh cấm vận.
Ngay sau khi ông Rohani đắc cử, Mỹ và châu Âu đã gửi thông điệp muốn có sự chuyển biến trong các vòng đàm phán hạt nhân mới. Thậm chí, Washington còn tuyên bố muốn đàm phán trực tiếp với Tehran. Tuy ông không hé lộ phương hướng điều hành chính phủ trong thời gian tới nhưng theo các nhà quan sát, với tư tưởng ôn hòa, ông Rohani sẽ mong muốn xây dựng mối quan hệ ít căng thẳng hơn với phương Tây.
Thế nhưng làm thế nào để bảo vệ quyền tiếp cận với nguồn năng lượng hạt nhân và làm cho phương Tây tin rằng Iran không phát triển vũ khí hạt nhân, để tiến tới xóa bỏ cấm vận, đó có thể là nhiệm vụ không khó đối với ông trong vai trò của một nhà đàm phán. Bởi sau khi ông bắt đầu trở thành nhà thương thuyết về hạt nhân của Iran vào năm 2003, nước này đã tạm dừng các chương trình làm giàu uranium để tránh một lệnh cấm vận của Hội đồng Bảo an LHQ.
Nhưng làm thế nào để đứng vững trước áp lực trong nước về danh dự, về chủ quyền quốc gia và tư tưởng dân tộc tôn giáo cực đoan là một thách thức rất lớn của ông trên cương vị tổng thống. Việc ông là giáo sĩ duy nhất trong số 6 ứng cử viên tổng thống nhưng lại đắc cử đang là một dấu hỏi lớn đối với dư luận.
Kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran đến nay, có 3 vị tổng thống không thuộc tầng lớp giáo sĩ. Vị tổng thống đầu tiên bị Quốc hội bãi nhiệm vì chống lại giới giáo sĩ, người thứ hai bị ám sát bởi nhóm Hồi giáo thánh chiến được Mỹ ủng hộ, và người thứ ba là Tổng thống đương nhiệm Mahmoud Ahmadinejad. Ba vị còn lại tiếp nối nhau làm tổng thống từ năm 1981 đến 2005 đều là giáo sĩ. Phải chăng người Iran đang muốn tăng cường sức mạnh của giới giáo sĩ khi chọn ông Hassan Rohani? Hay họ chọn ông vì muốn có tương lai ôn hòa hơn với phương Tây?
Vẫn còn quá sớm để hy vọng những chuyển biến của Iran trong thời gian tới, có lẽ vì thế mà đã có ý kiến cho rằng nên có những đánh giá thận trọng hơn về ông Rohani. Ông Alireza Nader, chuyên gia phân tích của nhóm cố vấn Rand Corp, nhận định: “Ông ấy chưa phải là một nhà cải cách. Sự xuất hiện của ông Rohani chỉ như một phép so sánh khác so với ông Ahmadinejad”.
THANH HẰNG